Cách San Jose khoảng 40 phút lái xe về phía bắc, Oakland cũng là một trong những thành phố (thuộc bang California) có đông người Việt sinh sống, làm ăn. Nếu vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 chỉ có lác đác vài tiệm ăn theo kiểu gia đình của người Việt ở Oakland thì nay ẩm thực Việt khá nổi tiếng tại đây, với nhiều nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ và phở vẫn là món ăn Việt được ưa thích nhất, không chỉ với người Việt xa quê mà cả với người bản xứ. Phở Kangnam dù chưa có bề dày như nhiều quán phở khác nhưng sớm được đánh giá là một trong những quán phở khá nhất ở Oakland.
Kangnam (còn được đọc là Gangnam) là một trong 25 quận của thủ đô xứ Kim chi, nổi tiếng là quận của giới siêu giàu tại Seoul, cũng là nơi tập trung các khu mua sắm, bảo tàng, nhà hàng, quán ăn đi cùng những dịch vụ đắt đỏ nhất, được so sánh với khu Bervely Hills của Los Angeles. Kể từ khi đĩa đơn Gangnam Style của nam ca sĩ nhạc rap PSY được tung ra, trở thành cơn sốt toàn cầu thì Gangnam lại càng trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi đi du lịch Hàn Quốc.
Trở lại với Oakland, nếu Đông Oakland là khu vực có nhiều hàng quán bán phở, có phần do sự gia tăng dân số người Việt thì nhiều nơi khác ở thành phố này là đất của các món ăn Mễ như tacos, món ăn Lào và ẩm thực của nhiều dân tộc khác. Dù vậy Oakland được coi là một trong những thành phố thích hợp nhất để ăn món phở của người Việt. Nhưng vì sao một nhà hàng bán món ăn truyền thống Việt lại mang cái tên Hàn Quốc? Đơn giản bởi chủ nhân Kangnam là một đôi vợ chồng Việt-Hàn.
Trước khi trở thành một địa chỉ ẩm thực Việt nổi tiếng, đây từng là nhà hàng bán món ăn xứ Hàn song không thành công, chỉ khi chủ nhân muốn đổi thay thực đơn một cách cơ bản thì việc kinh doanh trở nên tốt đẹp đến không ngờ: đó là đổi sang bán phở và các món ăn thuần Việt. Dù vậy, nhà hàng vẫn duy trì những dấu hiệu, ngôn ngữ Hàn Quốc từ bảng hiệu bên ngoài cho tới nhiều hình ảnh khác bên trong. Đáng ngạc nhiên là số đông thực khách đến với Phở Kangnam vẫn là người Hàn Quốc định cư ở Oakland.
Một vài chỉ dấu khác cho thấy sự hôn phối Việt-Hàn tại Phở Kangnam: bên cạnh đĩa rau và giá ăn kèm với phở như thường thấy, còn có một đĩa kim chi và cũng không thiếu thứ rượu soju đặc trưng Hàn Quốc khi thực khách có yêu cầu. Dù có thêm thắt những chi tiết đó, chất lượng tô phở Kangnam vẫn là quan trọng nhất. Trang mạng ẩm thực Flavor Boulevard của một blogger người Việt tên là Mai Trương – sinh viên Trường Đại học Berkeley cách Oakland không xa – đã chấm điểm tới 17/20 cho Phở Kangnam, trong khi nhiều hàng quán phở khác ở Oakland được chấm thấp hơn rất nhiều.
Cách chấm của Mai Trương, như cô giải thích được xây dựng theo cách “đọ sức kiểu Mỹ” (American encounter). Được chấm điểm tuyệt đối 20/20 khi món phở của một nhà hàng bất kỳ nào đó đạt các tiêu chuẩn sau: bánh phở ngon (4 điểm), nước dùng ngon (4), thịt ngon (4), kích cỡ tô phở (2), giá cả (2), phục vụ nhanh (2) và không gian nhà hàng (quán ăn) sạch, đẹp, không luộm thuộm (2).
Là người từng thưởng thức món phở tại nhiều điểm ở Oakland, rộng hơn là cả bang California và xa hơn là bang Texas (những nơi có cộng đồng người Việt đông đảo), theo đánh giá của chủ nhân Flavor Boulevard chỉ có vài địa chỉ ẩm thực Việt được chấm 17/20 hay 18/20.
Trong bài Người Hàn Quốc nấu phở ngon (The Koreans make good pho) đăng trên Flavor Boulevard cách đây không lâu, Mai Trương viết: “Mỗi khi đi xe buýt trên đại lộ Telegraph (nối Oakland với thành phố Berkeley, nơi có Trường Đại học Berkeley nổi tiếng thế giới – NV), Phở Kangnam sừng sững trước mắt tôi như một thiên hà (supernova). Tôi đã từng thấy nhiều quán phở do người Hoa làm chủ, nhưng chưa từng thấy tên quán phở nào bằng tiếng Hoa. Như quán Pin Toh trên đường Shattuck, thường được gọi là Phở Hòa, với phở do người Hoa chế biến và là một nhà hàng Thái. Còn Phở Kangnam có chủ nhân người Hàn Quốc nhưng là nhà hàng Việt có tên bằng tiếng Hàn; thậm chí từ “phở” (trên bảng hiệu) có dấu như trong tiếng Việt. Nội điều đó tôi đã thích.
Thực đơn của Kangnam cũng toàn tiếng Việt, một lần nữa với đầy đủ dấu cho dù vài chữ khó đọc, có mô tả bên dưới bằng tiếng Anh và rất ít tiếng Hàn… Ngoài phở có những món Việt khác như hủ tiếu Nam Vang, mì bò kho… Sau khi gọi những món quen thuộc, khởi sự với gỏi cuốn và phở chín nạm-gầu-gân-sách, tôi theo thói quen của người đi ăn quán một mình: mở cuốn sách ra giả vờ đọc trong khi dỏng tai nghe chuyện của những người ngồi gần đó. Tuy nhiên, chỉ chừng 3 phút sau khi sách mở ra thì món gỏi cuốn đã đến.
Bỏ ngay trò giả vờ đọc sách, tôi bắt đầu xếp thành từng cặp gỏi cuốn cho đẹp khi mà món phở nhanh chóng được bày lên bàn. Họ làm rất nhanh. Đó là cách phở được chế biến ra sao: đã có nồi nước dùng đang sôi, thịt đã nấu chín và bánh phở trắng đã sẵn sàng, khi có người gọi món, tất cả được cho vào một tô. Chỉ cần không hơn 1 phút. Vấn đề giờ là với tôi: có quá ít thời gian để chụp một bức ảnh cho đẹp và không thể quyết định ăn món nào trước. Phở đã thắng. Món cuốn không nên chờ tới nhão ra ăn mất ngon.
Đây là một trong những tô phở ngon nhất tôi từng ăn (ngoại trừ tô phở do mẹ nấu). Nước dùng ngọt lịm, tinh tế và kín đáo, sợi phở dai, nhiều gân và sách bò. Nước phở trong và ấm nóng để lại dư vị cho đến muỗng cuối cùng… Tại sao họ chẳng kinh doanh quán phở này gần hơn một chút khu campus (của Trường Berkeley – NV) để tôi có thể đến đây mỗi trưa? Lần tới… Bất kỳ khi nào đi xe buýt trên đường Telegraph, tôi lại tính sẽ ngừng ở Phở Kangnam để gọi một tô…”.
Một tô “bình thường” ở Kangnam có giá 7,75 USD, gọi là “bình thường” song tô phở bự hơn nhiều so với tô phở ở Việt Nam. Còn tô “lớn” có giá 8,75 USD nhưng một người khó mà ăn hết; nếu gọi tô “đặc biệt” với nhiều thịt (các loại) hơn thì giá lên đến 9,45 USD. Năm 2014, tờ báo địa phương ở Oakland là East Bay Express đã bình chọn Phở Kangnam là nhà hàng phở Việt xuất sắc nhất. Bạn đọc DNSGCT có dịp đến Oakland thăm thân nhân, đừng quên ghé nhà hàng này ở địa chỉ: 4419 Telegraph Ave. Oakland.
– (Oakland, California)