Sau ba phiên hưng phấn, nhà đầu tư đã thận trọng trở lại trong phiên sáng nay trước lo ngại về áp lực chốt lời khiến các chỉ số rung lắc và thanh khoản sụt giảm.
Trong phiên giao dịch sáng hôm qua, sau khi chớm đỏ khi mở cửa, VN-Index đã được kéo vọt lên 1.025 điểm. Tuy nhiên, ở vùng kháng cự này, lực cung chốt lời diễn ra mạnh đã đẩy chỉ số về 1.015 điểm.
Về nửa cuối phiên, nhờ dòng tiền chảy mạnh nên VN-Index đã lấy lại đà tăng, chốt ở sát mốc 1.025 điểm.
Trong phiên chiều, VN-Index một lần nữa thử sức với ngưỡng kháng cự này, nhưng cũng giống như phiên sáng, áp lực chốt lời diễn ra mạnh đã đẩy chỉ số này thoái lui trước khi bật trở lại vào nửa cuối phiên.
Theo nhìn nhận của một số công ty chứng khoán, mặc dù áp lực thanh khoản phục hồi chưa tương xứng với điểm số tăng vọt của những phiên tuần trước đã được giải tỏa, khi từ đầu tuần tín hiệu thanh khoản luôn được cải thiện và có sự lan tỏa tốt.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, VN-Index đang tiến vào vùng giá 1.020-1.070 điểm, đây là vùng giá nhạy cảm tiềm ẩn lực cung lớn có thể khiến chỉ số đảo chiều giảm trong một vài phiên sắp tới, SHS nhận định.
BSc cho rằng, thị trường cũng có sự phân hóa khi VN-Index mới hồi phục 9,7% trong khi một số cổ phiếu đã tăng 20%. Áp lực điều chỉnh có xuất hiện nhưng sự điều chỉnh sẽ không quá mạnh.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (6-6), đúng như dự đoán, lực bán kỹ thuật ồ ạt đổ vào thị trường ngay khi mở cửa, kéo VN-Index xuống ngưỡng 1.012 điểm. Nhưng cũng nhanh chóng, chỉ số dần phục hồi khi lệnh mua nhập cuộc, kéo chỉ số vươn lên tham chiếu.
Đến lúc này, dường như sự thận trọng lại quay trở lại thị trường, VN-Index rung lắc quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Một số bluechip và nhóm cổ phiếu hút lực mua những phiên gần đây cũng đang gặp áp lực chốt lời nhẹ như HSG, MBB, NVL, DXG, AAA…cũng khiến tâm lý nhà đầu tư có phần do dự khi quyết định tham gia thị trường.
Điểm sáng trong nửa đầu phiên sáng nay là MWG khi vọt hơn 4%, VND đánh mất sắc tím nhưng vẫn vững vàng khi + trên 6%, thanh khoản duy trì tốt với hơn 1,6 triệu đơn vị được khớp.
Đặc biệt là PHR, khi đã có thời điểm lên mức giá trần, sau khi có thông tin ngày 15/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2017 bằng tiền tỷ lệ 23%, và phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 3:2, tương ứng tỷ lệ 66,67%.
Sự rung lắc nhẹ quanh tham chiếu kéo dài của VN-Index kéo dài cho đến hết phiên sáng nay trên nền tảng thanh khoản sụt giảm, áp lực chốt lời nhẹ duy trì trên nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng tốt gần đây, đi kèm là sự phân hóa rõ rệt ngay cả ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm trụ cột ngân hàng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 122 mã tăng và 138 mã giảm, VN-Index tăng 0,76 điểm (+0,07%), lên 1.023,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 94,34 triệu đơn vị, giá trị 2.591,76 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4,8 triệu đơn vị, giá trị 249,4 tỷ đồng.
Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường có 5 mã giảm là VIC -0,9% xuống 120.000 đồng; VHM -0,5% xuống 117.400 đồng; VNM -1,2% xuống 174.000 đồng; SAB -0,8% xuống 245.700 đồng; và TCB -1,8% xuống 94.300 đồng.
Còn lại 5 mã tăng là GAS +2,3% lên 101.000 đồng; HPG +1% lên 59.600 đồng, khớp 2,92 triệu đơn vị.
3 mã ngân hàng lớn, VCB + 0,3% lên 58.800 đồng, khớp 1,45 triệu đơn vị; CTG +1,2% lên 28.750 đồng, khớp 3,72 triệu đơn vị; BID +2,3% lên 31.100 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngân hàng tăng điểm chỉ còn ở STB +0,8% lên 13.000 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với gần 4,8 triệu đơn vị.
Số còn lại như VPB -0,2% xuống 49.300 đồng, khớp 1,27 triệu đơn vị; MBB -0,2% xuống 30.400 đồng, khớp 3,71 triệu đơn vị; EIB -1% xuống 15.300 đồng và HDB đứng tham chiếu tại 43.200 đồng, khớp hơn nủa triệu đơn vị.
Mặc dù thị trường phân hóa nhưng một số mã cổ phiếu thuộc nhóm bluechip VN30 điểm vẫn tăng tốt là MWG +4,9% lên 116.300 đồng, khớp lệnh hơn 940.000 đơn vị; CTD +4% lên 162.300 đồng; GMD +4,8% lên 29.350 đồng, khớp 2 triệu đơn vị; CII +2% lên 28.600 đồng.
Trong khi giảm sâu nhất là DHG khi -2,6% xuống 112.000 đồng. Còn lại chỉ giảm nhẹ trên dưới 1% như VJC, NVL, ROS, SBT, DPM, HSG…trong đó, HSG có hơm 3,41 triệu đơn vị khớp lệnh, NVL có hơn 2,2 triệu đơn vị…
Sự rung lắc của thị trường với sự thận trọng của nhà đầu tư thì một số cổ phiếu thị trường đã hưởng lợi, khi nhận được dòng tiền khá tốt, một số mã đã tăng vọt, thậm chí nhiều mã đã có thời điểm tăng lên mức giá trần như TDC, VHG, TTF, VNS, EVE, và đặc biệt là QCB khi giữ được mức giá trần khi hết phiên +6,9% lên 9,610 đồng, khớp 1,45 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có ASM, SCR, OGC, EVR,…khớp lệnh cao nhất là ASM với hơn 3,3 triệu đơn vị.
Ngược lại, nhóm giảm điểm có HAI, FLC, HAG, HHS, ITA, LDG, AMD, SAM…khớp lệnh từ nửa triệu đến 3 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu đáng chú ý sáng nay còn có PHR sau thông tin chia cổ tức, tuy đánh mất sắc tím nhưng chốt phiên vẫn +6% lên 45.900 đồng; VHC +2,5% lên 61.900 đồng; KSB +2,5% lên 36.450 đồng; NKG +2,5% lên 24.400 đồng; PNJ +2,2% lên 183.000 đồng; PLP tăng trần +6,9% lên 15.400 đồng…
Trên sàn HNX, dù cũng giảm điểm trong nửa đầu phiên sáng, nhưng sau đó HNX-Index đã đảo chiều hồi phục trở lại, leo thẳng lên mốc 119,5 điểm trước khi bị đẩy trở lại. Tuy nhiên, với đà tăng tốt của ACB, VCS, PVS, CEO, chỉ số này vẫn giữ được sắc xanh.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,76 điểm (+0,64%), lên 118,94 điểm với 56 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,23 triệu đơn vị, giá trị 403 tỷ đồng, giảm 15,77% về khối lượng và 1,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới nửa triệu đơn vị, giá trị gần 5 tỷ đồng.
Trong phiên sáng nay, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX ghi nhận sự khởi sắc của VCS khi tăng tới 7,22%, lên 104.000 đồng. Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận sự hồi phục tại ACB với mức tăng 1,44%, lên 42.300 đồng với 3,27 triệu đơn vị được khớp. VCG, PVS, PVI cũng có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên sáng nay.
Trong khi đó, SHB lại quay đầu giảm 1,04%, xuống 9.500 đồng với 7,69 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thị trường. PHP giảm 1,57%, xuống 12.500 đồng với thanh khoản đì đẹt, còn lại các mã khác đứng ở tham chiếu.
Trong nhóm bluechip, sáng nay cũng ghi nhận sự khởi sắc của CEO khi tăng 5%, lên 16.800 đồng với 2,22 triệu đơn vị được khớp. Còn các mã còn lại đều lình xình trên dưới tham chiếu với thanh khoản không cao.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, DST giảm sàn xuống 3.500 đồng với 1,93 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. DS3 cũng chung số phận khi đóng cửa ở mức sàn 11.700 đồng với 0,47 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. KLF sau phiên khởi sắc bất ngờ hôm qua đã trở lại lình xình sáng nay khi đóng cửa ở mức tham chiếu 2.200 đồng với thanh khoản sụt giảm mạnh khi chỉ có hơn 0,4 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, MST lại tăng trần lên 3.900 đồng với 0,81 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.
Trên UPCoM, diễn biến cũng tương đồng HNX khi chủ yếu giảm trong nửa đầu phiên sáng, sau đó đảo chiều và giữ sắc xanh khi chốt phiên.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,17%), lên 53,7 điểm với 54 mã tăng và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,2 triệu đơn vị, giá trị 85 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 0,2 triệu cổ phiếu, giá trị 3 tỷ đồng.
Trên sàn này, sáng nay chỉ có duy nhất LPB được khớp trên 1 triệu đơn vị (1,34 triệu đơn vị) và đóng cửa tiếp tục tăng 1,58%, lên 12.900 đồng. Cũng có sắc xanh nhạt sáng nay còn có BSR, POW, OIL, SDI, VGG, TIS, trong khi HVN, VIB, ACV quay đầu giảm.
-Theo ĐTCK