Với sự khởi sắc của cặp đôi VIC – VRE, VN-Index chủ yếu dao động trên mốc 1.200 điểm trong phiên chiều, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng yếu lực trong đợt ATC khiến VN-Index tuột mất mốc điểm quan trọng này một cách đáng tiếc.
Trong phiên sáng, hòa cùng chứng khoán thế giới, VN-Index cũng tăng vọt ngay đầu phiên và vượt qua ngưỡng 1.200 điểm, thiết lập mức đỉnh lịch sử mới ở mức 1.203 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở vùng đỉnh khiến VN-Index hạ nhiệt dần sau đó, lùi về xuống dưới ngưỡng 1.195 điểm trước khi lấy lại đà tăng trong những phút cuối, lên trên mức 1.199 điểm.
Trong phiên giao dịch chiều, giữ vững đà tăng và giằng co quanh 1.200 điểm. Nửa cuối phiên chiều, với sự khởi săc của cặp đôi VIC-VRE, VN-Index đã lên trên ngưỡng 1.200 điểm khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục. Tưởng chừng VN-Index sẽ đóng cửa phiên cuối tuần trên ngưỡng kháng cực quan trọng nay, nhưng điều đó đã không xảy ra khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đuối sức trong đợt ATC, khiến VN-Index hụt mốc 1.200 điểm trong sự tiếc nuối của không ít nhà đầu tư. Dù vậy, đây cũng là mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại của VN-Index.
Chốt phiên, VN-Index tăng 6,79 điểm (+0,57%), lên 1.199,96 điểm với 169 mã tăng và 130 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 252,06 triệu đơn vị, giá trị 7.383,49 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,5% về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 6% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,3 triệu đơn vị, giá trị 1.075 tỷ đồng.
Sau khi điều chỉnh và giằng co trong phiên sáng, VIC đã lấy lại đà tăng tốt trong phiên chiều và đóng cửa ở mức gần cao nhất phiên. Cụ thể, chốt phiên cuối tuần, VIC tăng 1,07%, lên 132.400 đồng với 1,95 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, người anh em VRE sau khi lình xình nửa đầu phiên sáng cũng đã tăng vọt lên mức trần 52.600 đồng, trước khi hạ nhiệt nhẹ. Trong phiên chiều, cổ phiếu này giữ ở mức tăng tốt sát ngưỡng trần và đóng cửa tăng 6,71%, lên 52.500 đồng với 3,74 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài cặp đôi này, trong Top 10 mã vốn hóa lớn chỉ có thêm VNM, CTG và VPB tăng nhẹ dưới 1%. Tuy nhiên, CTG hay nhóm ngân hàng nói chung đều yếu lực về cuối phiên. Nhiều mã có lúc đã tăng trên dưới 2% đầu phiên sáng, nhưng đuối dần về cuối và nhiều mã đóng cửa gần như không đổi.
Cụ thể, VCB, BID, HDB đứng ở tham chiếu 73.500 đồng, 44.000 đồng và 46.450 đồng, CTG tăng 0,28%, lên 35.700 đồng, VPB tăng 0,89%, lên 68.100 đồng, MBB thậm chí giảm 0,27%, xuống 36.600 đồng. Tích cực nhất là EIB và STB với mức tăng 1,7%, lên 14.950 đồng và 2,55%, lên 16.100 đồng. Trong đó, STB được khớp lớn nhất thị trường với 19,59 triệu đơn vị được khớp.
Các mã lớn khác giảm trong phiên hôm nay còn có MSN, GAS, NVL, MWG, FPT, BHN… Trong khi đó, PLX, HPG, BVH, ROS lại có mức tăng tốt.
Trong các mã nhỏ, FLC được khớp 11,8 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau STB, nhưng lại đóng cửa giảm 2,08%, xuống 6.110 đồng. SCR, HAG, KBC, HAR, VHG, IDI, DLG… cũng chìm trong sắc đỏ.
Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là ngoài VRE, nhóm bất động sản còn chứng kiến nhiều con sóng khác tại NTL, PDR, VPH, CCL, NVT, LGL với sắc tím khi đóng cửa. Dù không lên mức kịch trần, nhưng các mã LDG, NLG, VRC, HDC, KDH, NBB, DXG cũng có mức tăng tốt.
Trên HNX, HNX-Index thậm chí còn tăng vọt ngay trong đầu phiên chiều và lập mức đỉnh trong ngày 138,63 điểm trước khi bị đẩy trở lại mức điểm đóng cửa của phiên sáng. Sau đó, về cuối phiên, chỉ số này lấy lại đà tăng và đóng cửa trên ngưỡng 138 điểm.
Cụ thể, chốt phiên cuối tuần, HNX-Index tăng 1,26 điểm (+0,92%), lên 138.02 điểm với 98 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,4 triệu đơn vị, giá trị 1.194,6 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng, nhưng giảm 2,2% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,36 triệu đơn vị, giá trị 128,76 tỷ đồng.
Diễn biến của HNX-Index trong phiên chiều khá tương đồng với ACB khi mã này cũng tăng mạnh và lập mức đỉnh trong ngày 51.400 đồng đầu phiên chiều, trước khi hạ nhiệt trở lại.
Chốt phiên, ACB tăng 2,21%, lên 50.900 đồng với 5,5 triệu đơn vị được khớp. Hai mã ngân hàng khác là SHB và NVB cũng đóng cửa trong sắc xanh, trong đó SHB tăng nhẹ 0,76%, lên 13.300 đồng với 18,46 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thị trường, trong khi NVB tăng tới 4,21%, lên 9.900 đồng, với gần 0,67 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, nhiều mã lớn khác lại đóng cửa trong sắc đỏ, như VGC giảm 1,95%, xuống 25.200 đồng, VCS giảm 1,85%, xuống 138.000 đồng, PVS giảm 0,48%, xuống 20.7000 đồng, PVI giảm 2,26%, xuống 39.000 đồng.
Các mã nổi sóng từ đầu tuần cũng quay đầu giảm khá mạnh hôm nay như HUT giảm 3,88%, xuống 9.900 đồng, CEO giảm 3,13%, xuống 15.500 đồng.
Trong khi đó, thị trường lại chứng kiến sự nổi sóng của nhiều mã khác, chủ yếu là các mã nhỏ như KVC, DS3, HHG, KHB, ACM, HDA, SGO, ASA…
Tân binh mới lên sàn hôm qua là NRC tiếp tục có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, lên 30.000 đồng, nhưng thanh khoản vẫn ở mức rất thấp, chưa tới 20.000 đơn vị.
Trên sàn UPCoM, dù có chút khó khăn, nhưng chỉ số UPCoM-Index đã lấy lại được đà tăng vào cuối phiên nhờ dòng tiền cải thiện.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,36%), lên 60,64 điểm với 122 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,14 triệu đơn vị, giá trị 633 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,18 triệu đơn vị, giá trị 96,47 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, LPB khởi sắc khi tăng 8,07%, lên 17.400 đồng với 15,98 triệu đơn vị được khớp. Hai mã ngân hàng khác là VIB, BAB cũng đóng cửa trong sắc xanh, trong khi KLB lại giảm 2,9%, xuống 10.000 đồng.
Các mã lớn khác như BSR, POW, OIL, DVN, ACV, MSR lại đóng cửa với mức giảm nhẹ.
– Theo ĐTCK