Sau khi lình xình trong hai phiên vừa qua và trong phiên sáng nay, thị trường đã bất ngờ lao dốc khi bước vào phiên giao dịch chiều nay khi lực bán tháo chạy một lần nữa lặp lại.
Trong phiên giao dịch sáng 10-5, diễn biến lình xình tiếp tục được duy trì như hai phiên trước đó khi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dâng cao. Dòng tiền không quá mạnh, trong khi lực cung cũng cầm chừng. Hoạt động giao dịch chỉ tích cực hơn về cuối phiên do cầu bắt đáy hoạt động khi lực bán ra tại các cổ phiếu lớn mạnh lên.
Tuy nhiên, bước vào phiên chiều nay, đột biến đã diễn ra khi lực bán tháo một lần nữa lập lại, đẩy VN-Index lao dốc lùi xuống dưới mốc 1.030 điểm. Dù hãm đà giảm trong đợt ATC, nhưng VN-Index vẫn không thể lên lại được mốc 1.030 điểm.
Với giao dịch của VIS, nhiều khả năng đây là số cổ phiếu VIS mà đối tác chiến lược Kyoei Steel mua từ cổ đông lớn Thái Hưng khi số lượng được giao dịch đúng bằng số cổ phiếu đăng ký mua. Sau giao dịch này, Thái Hưng giảm sở hữu tại VIS từ 65% xuống 20% vốn (tương đương 14,767 triệu cổ phiếu), trong khi Kyoei Steel nâng sở hữu từ 20% lên 65% vốn (tương đương 47,99 triệu cổ phiếu).
Áp lực bán tháo khiến 10 cổ phiếu lớn nhất sàn đều không tăng với 9 mã giảm điểm mạnh. VNM giảm 2,7% về 180.000 đồng, PLX giảm 5,5% về 64.000 đồng, GAS cũng quay đầu giảm 2,3% về 105.000 đồng.
Rổ VN30 cũng có tới 24 mã giảm điểm, trong đó các mã VIC, VJC, MSN, SSI, MWG… cùng giảm trên 1,5%. Trong đó, SSI khớp 3,9 triệu đơn vị.
Không chỉ SSI, sắc đỏ cũng phủ lên hầu hết các cổ phiếu chứng khoán hay bảo hiểm. Thậm chí, VND còn giảm sàn về 23.650 điểm (-6,9%) và cũng là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của mã này, thanh khoản có sự đột biến với lượng khớp hơn 7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE và cũng là mức cao nhất trong hơn 5 năm qua.
Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE là SBT với 9,9 triệu đơn vị được sang tên, giảm 1,4% về 14.725 đồng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng tất cả đều giảm điểm, trong đó nhiều mã giảm trên 5%. Cụ thể, VCB giảm 5% về 56.500 đồng, CTG giảm 6,7% về 28.000 đồng, BID giảm 6,6% về 37.700 đồng, VPB giảm 5,8% về 50.000 đồng, MBB giảm 6,7% về 28.000 đồng, HDB giảm 6,8% về 2408.000 đồng. STB giảm 4,4% về 12.900 đồng. Đây cũng là các mã có thanh khoản cao: CTG khớp 7,04 triệu đơn vị; MBB và STB cùng khớp trên 5,5 triệu đơn vị; các mã còn lại khớp từ 2-4 triệu đơn vị.
Trong bối cảnh nhà đầu tư đồng loạt bán mạnh, các cổ phiếu thị trường cũng đều chịu chung số phận. Các cổ phiếu họ “FLC” là FLC, ROS, HAI, AMD, GTN hay SCR, ASM, HHS, KBC, ITA, HAG, HNG… đồng loạt giảm điểm mạnh. Thanh khoản tương đối cao: FLC khớp 5,85 triệu đơn vị, cao nhất nhóm; các mã khác khớp từ 1-4 triệu đơn vị.
Các mã KSA, QCG, HQC, VHG đi ngược thị trường, trong đó KSA và VHG tăng trần, khớp lệnh từ 1-3 triệu đơn vị. Với KSA, đây là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp và leo lên mức giá… 600 đồng, còn VHG đạt 1.350 đồng.
Mức giảm trên 2% cũng diễn ra trên HNX với bối cảnh tương tự khi sắc đỏ ngập tràn. Các mã trụ như ACB, SHB, VCS, PVS… đều giảm mạnh.
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự như HOSE. Đà giảm càng tăng mạnh về cuối phiên, thanh khoản gia tăng vào thời điểm chỉ số giảm sâu.
Đóng cửa, với 48 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 2,91 điểm (-2,35%) xuống 120,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,6 triệu đơn vị, giá trị 694 tỷ đồng, tăng 9,17% về khối lượng và 15,28% về giá trị so với phiên 9/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 1,3 triệu đơn vị, giá trị 29,57 tỷ đồng.
Những nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên sàn này đều có sự phân hóa. Tại nhóm ngân hàng, trong khi ACB và SHB giảm điểm mạnh (ACB giảm 4,5% về 42.400 đồng, SHB giảm 2,8% về 42.400 đồng), thì NVB lại tăng 1,2% lên 8.700 đồng. SHB khớp 9,8 triệu đơn vị, ACB khớp 4,5 triệu đơn vị, còn NVB chỉ khớp 0,5 triệu đơn vị.
Tại nhóm dầu khí , PVS giảm 0,5% về 18.600 đồng, thì PVC, PLC tăng điểm, PGS đứng giá. PVS khớp 3,68 triệu đơn vị, còn PVC, PLC, PGS thanh khoản kém.
Diễn biến phân hóa cũng xảy ra tại nhóm bất động sản-xây dựng hay chứng khoán, song sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn. VCG tăng 1,1% lên 18.200 đồng, trong khi HUT giảm 1,4% về 7.100 đồn, CEO giảm 2% về 14.400 đồng… Cả 3 mã này đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Các mã PVX, KLF, VGC đứng giá tham chiếu. PVX khớp 1,65 triệu đơn vị, VGC và KLF cùng khớp trên 2 triệu đơn vị.
Các mã ITQ, VGS, HKB, NHP, SDD tăng trần, ngược lại DST, DPS, DCS, PVV giảm sàn. Với phiên nằm sàn này (về mức 4.800 đồng, giảm 9,4%), DST đã ngắt chuỗi tăng trần liên tiếp ở con số 3, khớp lệnh 4,08 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index chìm trong sắc đỏ trong suốt phiên, song mức giảm không mạnh như 2 sàn niêm yết.
Đóng cửa, với 49 mã tăng và 65 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-1%) xuống 56,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,9 triệu đơn vị, giá trị 217 tỷ đồng, tăng 19% về lượng, nhưng giảm 21% về giá trị so với phiên 9/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có thêm 1,56 triệu đơn vị, giá trị 44,1 tỷ đồng.
Mã ART gây chú ý với mức tăng trần lên 10.400 đồng (+14,3%), thanh khoản đột biến với lượng khớp 5,43 triệu đơn vị, mức kỷ lục kể từ khi chào sàn vào tháng 8/2017.
Đứng tiếp sau là LPB (khớp 2 triệu đơn vị), POW (1,15 triệu đơn vị), BSR (0,97 triệu đơn vị) và OIL (0,9 triệu đơn vị). Ngoại trừ OIL tăng nhẹ, còn lại là giảm điểm.
Cùng giảm điểm với LPB còn có VIB (giảm 3,4% về 34.000 đồng) và KLB (giảm 8,7% về 11.500 đồng), trong khi BAB tăng điểm ( tăng 2,2% lên 23.200 đồng).
-Theo ĐTCK