Trong tuần qua, tình hình tại Biển Đông thêm căng thẳng khi phía Trung Quốc hung hãn đưa thêm nhiều tàu đến gần giàn khoan HD-981 để cản trở tàu của Cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận, đồng thời dùng nhiều tàu cá bao vây tấn công tàu cá Việt Nam đang khai thác trong vùng biển chủ quyền và tìm cách cản phá tàu cứu người bị nạn. Tính từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nói trên, đã có tới 24 tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng, vậy mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn lớn tiếng vu khống “tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc tổng cộng đến 1.200 lần”!?! Sau khi các lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại sâu sắc về các căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông trong cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), ông này còn mạnh miệng yêu cầu các nước G7 “tránh xa và không can thiệp” vào tình hình Biển Đông. Được biết, Trung Quốc đang xem xét xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại tại bãi Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988) nhằm biến nơi này thành một hòn đảo nhân tạo với đủ đường băng và hải cảng để tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, giúp các tàu chiến Trung Quốc phản ứng nhanh nếu có xung đột trong khu vực.
Trước tình hình phức tạp đó, một bức thư của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội do ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban đại diện ký đã được gửi đến các vị chủ tịch Ủy ban Đối ngoại nghị viện các nước, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới và các tổ chức liên nghị viện khác để thông báo về tình hình vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn và đề nghị Liên minh Nghị viện cùng các tổ chức quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này. Đồng thời, ngày 5-6, phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã lần thứ hai gửi công hàm cho phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneva và các tổ chức quốc tế đóng tại Thụy Sĩ thông báo cập nhật các hành vi gây hấn của tàu Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Như một cách tỏ thái độ thống nhất và đoàn kết với Việt Nam, Indonesia đã đề nghị ASEAN thảo luận về căng thẳng trên Biển Đông tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới. Ngoại trưởng Indonesia – ông Marty Natalegawa sau khi chỉ trích Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông cho rằng “đây sẽ là hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng để tập trung vào vấn đề Biển Đông” và hy vọng hội nghị sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tiếp tục kêu gọi các nước cần đòi chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế và không dùng vũ lực. Cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều đang tích cực giúp Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường đội tàu tuần tra Biển Đông. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc Trung Quốc chứng minh cơ sở pháp lý của “bản chất mơ hồ trong yêu sách hàng hải” mà nước này đưa ra ở Biển Đông để phản biện nội dung vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) về khu vực tranh chấp trên biển.
Nguyễn Thắng