Kỹ nghệ thời trang thế giới đang hưởng ứng mạnh mẽ phong trào chống phân biệt chủng tộc. Sau nhiều năm bị tố “phân chủng có hệ thống” và “dung dưỡng cho các hành vi và suy nghĩ không công bằng” đối với những người mẫu và nhà tạo phong cách da đen, nay kỹ nghệ thời trang đột ngột “quay ngoắt 180 độ”, bày tỏ sự sám hối, “lấy làm tiếc” và “xin lỗi cách ứng xử không đúng đắn” cũ.
Sự giác ngộ muộn màng?
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát kỹ nghệ thời trang không dễ tin vào sự thay đổi này mà công khai bày tỏ mối nghi ngờ. Lý do: lợi nhuận không dễ gì để kỹ nghệ thời trang từ bỏ một “nền văn hoá” đã hình thành từ hàng chục năm nay với tiêu chí hàng đầu: “Cái đẹp da trắng là hoàn hảo nhất”, dù cho từ “whitening” (làm trắng da) đang bị lên án.
Từ 26-5 khi truyền thông đua nhau giụt tít trên trang nhất và tin chính những cuộc biểu tình lan khắp toàn cầu kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc sau cái chết dưới tay cảnh sát của người da màu George Floyd tại bang Minnesota của Mỹ và làn sóng hỗ trợ lan nhanh như lửa phong trào BLM (Black Lives Matter) trên các mạng xã hội, nhiều thương hiệu thời trang cảm thấy không còn con đường nào khác là… nhanh chóng đứng về phía chống đối và “càng nhanh càng tốt” để giảm thiệt hại.
Ví dụ họ đưa lên tài khoản #BlackoutTuesday trên mạng xã hội Instagram những hình vuông màu đen bên cạnh tuyên bố phản đối phân chủng, phân biệt và bạo lực cảnh sát. Công bằng mà nói, phong trào “sám hối và xin lỗi” của những tên tuổi cộm cán trong kỹ nghệ thời trang cũng gây được một số “ấn tượng”, ít ra là vào thời điểm này. Tiếc rằng, không phải tất cả mọi người đều tin như thế. “Chính việc quay ngược 180 độ, quá nhanh, quá… quyết liệt đã làm dấy lên mối nghi ngờ về ý đồ thực sự của kỹ nghệ thời trang: ve vuốt để xoa dịu dư luận trong thời điểm khó khăn, rồi đâu cũng lại vào đó. Thay đổi bằng miệng thì dễ nhưng duy trì mới khó, nhất là khi lợi nhuận luôn là yếu tố chính chi phối “chiến lược phát triển” của kỹ nghệ thời trang thế giới – bà Lindsay Peoples Wagner, chủ biên tạp chí Teen Vogue nhận định – Ai cũng có thể lên con tàu BLM bằng… mạng xã hội, quá dễ! Nhưng họ đang làm gì tại nhà, tại công ty để biến lời sám hối và xin lỗi thành hiện thực?
Đó mới là điều quan trọng. Tôi đã quá mệt mỏi với những lới trần tình hoa mỹ và hối lỗi cuả các thương hiệu thời trang và ban lãnh đạo của nó”. Bị tập kích bởi những cáo buộc “đạo đức giả” đã khiến nhiều thương hiệu thời trang lao đao kể từ khi bắt đầu cuộc chống đối mang màu sắc phân chủng. Trên mạng xã hội, có người đặt thẳng câu hỏi: Thương hiệu cao cấp Salvatore Ferragamo có tham gia cuộc chiến chống phân chủng không sau khi diễn viên Tommy Dorfman tố cáo công ty phân biệt đối xử với các người mẫu chuyển giới và da màu trong chiến dịch quảng cáo sản phẩm mới đây? Rồi nhãn hàng Reformation ở Los Angeles có ủng hộ phong trào #BlackLivesMatter khi có một số nhân viên cũ tố cáo công ty phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc (hiện nay ông Yael Aflalo, nhà sáng lập công ty, đã xin lỗi và thôi chức giám đốc điều hành).
Công ty thời trang Anthropologie sau khi “dành cả trái tim và tấm lòng” cho những người chống đối bằng thông điệp trên Instagram “Trái tim của chúng tôi luôn ở bên các bạn và tan nát trước những bi kịch vừa qua liên quan đến người da màu”, nó vẫn bị tố cáo “tìm lợi nhuận bằng chiến lược phân biệt chủng tộc có hệ thống” (công ty phủ nhận). Thương hiệu thời trang Celine nhấn mạnh trên Instagram: “Lập trường của chúng tôi là bác bỏ mọi dạng phân biệt đối xử, trấn áp và phân biệt chủng tộc. Thế giới tương lai sẽ không tồn tại nếu không có sự bình đẳng cho tất cả người da đen”.
Tuyên bố này bị nhà làm tóc Hollywood Jason Bolden có các khách hàng nổi tiếng như Taraji P. Henson, Ava DuVernay và Serena Williams đặt câu hỏi. Trong nhận xét của ông được nhà quan sát kỹ nghệ làm đẹp Diet Prada đưa lên mạng xã hội, Bolden tố cáo Celine không cho những người mẫu da đen mặc trang phục của nó lên thảm đỏ, trừ phi người làm tóc cho họ là… da trắng! “Điều tôi quan tâm không phải là thời trang mà là sự mất mát và bất công đối với người da đen. Tôi không thể im lặng trước những phát biểu không thực của một thương hiệu thời trang nổi tiếng. Nó chỉ khiến tôi cười” – Bolden bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn.
Bolden cho biết ông thường bị các thương hiệu thời trang nổi tiếng từ chối. Ông kể lại việc phải khó khăn lắm mới tìm được nhà thiết kế trang phục cho nữ diễn viên da đen Henson, người nhờ ông làm tóc tại đêm trao giải Oscar 2017 khi bộ phim Hidden Figures có cô tham gia được đề cử 3 giải thưởng, kể cả phim hay nhất. “Nhưng cũng những thương hiệu này lại sẵn sàng thiết kế trang phục cho cả những nghệ sĩ không nổi tiếng, chỉ vì họ là da trắng. Henson không được diễm phúc như thế dù cô từng đoạt Quả Cầu vàng” – Bolden nhấn mạnh. Nhưng đây không phải lần đầu tiên kỹ nghệ thời trang gặp rắc rối do vấn đề chủng tộc. Thiếu đa dạng trong ban lãnh đạo về tuyển dụng thiên vị người mẫu là hai phàn nàn thường được nêu lên nhất.
Ngay cả những tạp chí thời trang cũng bị tố
Chỉ có hai nhà thiết kế da đen đảm nhiệm trọng trách cao của kỹ nghệ thời trang châu Âu. “Tôi không biết có người da trắng nào từng gặp rắc rối như người da đen khi muốn tìm một công việc tốt và tồn tại trong kỹ nghệ thời trang. Trong thế giới đương đại, người da den cũng thể huy động các nguồn nhân vật lực, tài năng và vốn liếng không thua gì người da trắng.
Điều họ cần là được đối xử công bằng, được bình đẳng trong công việc để có thể biến giấc mơ thành hiện thực và làm chủ chính mình” – người mẫu Adesuwa Aighewi, một trong những người mẫu da đen nổi tiếng vẫn còn lên bục diễn nói. Đã từng tham gia nhiều chiến dịch quảng cáo cho các thương hiệu cao cấp, Aighewi được đưa lên bìa tờ Vogue số tháng 4-2020. Cô công nhận kỹ nghệ thời trang đang có một số thay đổi tương đối tích cực sau khi bị nhiều chỉ trích. “Tôi sẽ lên bìa tờ American Vogue số tháng 12 dù chưa có thương hiệu nào liên kết tôi với phong trào BLM như cách họ ủng hộ người da đen. Nhưng đây cũng đã là sự thay đổi lớn”.
Đầu tháng 6, một cuộc điều tra của CNN đã phanh phui rất nhiều lời than phiền bị che giấu về “thực trạng phân biệt chủng tộc” trong ban lãnh đạo tạp chí thời trang Refinery29. Phản ứng trước những cáo buộc, chủ biên kiêm đồng sáng lập Christene Barberich (đã từ nhiệm vào ngày 8.6) tuyên bố: “Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là bảo đảm sự cân bằng về chủng tộc trong đội ngũ nhân sự và tại tất cả các bộ phận của Refinery29”.
Trong khi đó, bà Anna Wintour bác tin đồn từ nhiệm sau khi một số nhân viên cũ của Vogue nói về vấn nạn phân chủng trong tạp chí. Wintour là giám đốc nghệ thuật kiêm chủ biên Vogue US và là cố vấn toàn cầu về nội dung của cả hệ thống Vogue. Ngày 5-6, bà gửi một email nội bộ viết: “Tôi biết về tình trạng phân chủng và nhận trách nhiệm hoàn toàn là đã để nó tồn tại trong thời gian dài. Vogue đã không làm đủ để đề bạt các biên tập viên, nhiếp ảnh viên, phóng viên và nhà thiết đế da đen. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận sai lầm là từng xuất bản những bức ảnh và câu chuyệm làm tổn thương họ”.
Phát ngôn viên công ty Condé Nast, chủ quản của Vogue ra tuyên bố viết: “Condé Nast đã tập trung vào việc tạo ra những thay đổi thực chất và sẽ tiếp tục chính sách tuyển dụng đa dạng. Mọi vị trí nhân sự đều để ngỏ cho tất cả ứng viên, không phân biệt màu da”. Peoples Wagner thuộc số ít nhà biên tập da đen của một tạp chí thời trang lớn. Hai người khác là Edward Enninfu của tờ British Vogue và Samira Nasr (vừa nhậm chức) của tạp chí thời trang Harper’s Bazaar.
- Xem thêm: Tẩy xóa lịch sử
Danielle Prescod, giám đốc sáng tạo của trang web BET.com không ngạc nhiên khi thấy các thương hiệu thời trang đột ngột đồng thanh chống đối chủ nghĩa phân chủng sau cái chết của George Floyd. “Theo tôi, bất cứ cái gì rộ lên quá nhanh thì đều sớm lụi tàn khi mọi việc lắng xuống. Tôi không hiểu tại sao các thương hiệu lớn lại không có thái độ này trước đó mà phải chờ đến tận hôm nay. Lẽ ra họ phải nói ‘Chúng tôi đứng bên cạnh cộng đồng đen’ sớm hơn và chụp bắt cơ hội để chiếm lĩnh thêm thị trường bằng ‘vẻ đẹp đen’ và thị hiếu, suy nghĩ của người da đen”.
Những tín hiệu tích cực về sự chuyển biến bền vững
Nghiên cứu cho thấy các thương hiệu nào biết đáp ứng tâm tư của người dùng sẽ mở rộng được thị trường. Đây là chiến lược tốt. Theo báo cáo thời trang “2020 State of Fashion Report” do công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company và nhà xuất bản Business of Fashion phối hợp thực hiện, có đến 2/3 người tiêu thụ là “khách mua dựa vào niềm tin” (belief-driven buyers) sẽ chọn và chuyển sang mua sản phẩm nào đáp ứng được niềm tin cuả họ trong các vấn đề xã hội.
Sản phẩm nào không đáp ứng được sẽ bị tẩy chay. “Vì vậy, các công ty nào đánh trúng tâm lý này sẽ thành công” – báo cáo viết. Khi có đến 74% người Mỹ ủng hộ những cuộc chống đối ôn hoà và lên án vụ giết George Floyd (thăm dò của The Washington Post-Schar School) thì việc “thức thời” của các thương hiệu lớn là điều cần thiết để tồn tại và phát triển. “Họ phải song hành với tâm tư của đa số. Thương hiệu phải đi kèm với các giá trị của người dùng. Người tiêu dùng không chỉ thẩm định món hàng theo chất lượng mà còn vì thương hiệu có đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của họ như một con người không. Dĩ nhiên, khi quyết định đứng về một phia, thương hiệu cũng phải chấp nhận sự theo dõi và kiểm tra của dư luận để xem lời nói có đi đôi vơi việc làm” – Martin Raymond, đồng sáng lập công ty tư vấn xu hướng tiêu dùng The Future Laboratory nói.
Bethann Hardison, một cựu người mẫu ủng hộ sự đa dạng trong kỹ nghệ thời trang, xem đây là cơ hội để các thương hiệu nhìn lại chính mình. Một số thương hiệu làm tốt hơn. Bolden ngợi khen nhà thiết Pierpaolo Piccioli của thương hiệu Valentino về sự đa dạng trong việc tuyển chọn người mẫu khi biến người mẫu Úc gốc Nam Sudan Adut Akech thành “đại diện thương hiệu”.
Prescod thì ngợi khen cửa hàng bán lẻ điện tử 11 Honoré đã sử dụng người mẫu không phân biệt màu da trên nền trang web và trên tài khoản Instagram. Hardison lại xem thương hiệu Gucci như “hình mẫu của việc nhận biết nhanh về việc đa dạng trong kỹ nghệ thời trang”. Năm 2019, thương hiệu Ý từng gặp rắc rối với nhà thiết kế đen Dapper Dan và bị nhiều người mẫu da đen chỉ trích đã thành lập Quỹ Changemakers Impact Fund. Tháng 10, Quỹ công bố chương trình học bổng 1,5 triệu USD để “tăng cường tính đa dạng hoá cho thế hệ người mẫu trẻ tương lai”.
Ngày 3-6, công ty tuyên bố tặng một koản tiền cho tổ chức không vụ lợi NAACP-Campaign Zero để vận động chấm dứt hành vi độc ác của cảnh sát và cho tổ chức Know Your Rights Camp của nhà hoạt động da đen Colin Kaepernick. Gucci cũng cho nhân viên tại Mỹ nghỉ ngày 4.6 để tương tiếc các nạn nhân. Tuy nhiên, bản báo cáo năm 2019 của Hội đồng thiết kế Mỹ (Council of Fashion Designers of America-CFDA) nêu rõ: “Chỉ tìm cách để người da đen có mặt nhiều hơn trên các bục diễn và bìa các tạp chí thời trang là chưa đủ!”. Erica Lovett, giám đốc đa dạng hoá của Condé Nast nói: “Kỹ nghệ thời trang phải nhận thức rõ là phải đa dạng hoá cả việc hỗ trợ tài chính cho người da đen lẫn đội ngũ lãnh đạo các tạp chí và doanh nghiệp liên quan đến thời trang. Nếu không làm được việc này, sự đa dạng chi là hô hào trên bề mặt còn thực chất thì không”.
Một nghiên cứu năm 2018 của McKinsey cho thấy các công ty đa dạng trên 33% về văn hoá và chủng tộc luôn thu được lợi nhuận cao hơn. “Không chỉ đẩy mạnh việc tuyển dụng thêm những người mẫu thuộc nhóm BIPOC (Black, Indigenous and people of color) mà các thương hiệu còn phải đưa họ vào các cấp lãnh đạo” – Peoples Wagner nói. Hardison và nhà hoạt động quyền con người Angela Davis tin là sẽ có sự thay đổi lớn và sửa sai của kỹ nghệ thời trang thế giới trong tương lai gần.