Hôm qua trong cuộc họp một câu lạc bộ kinh doanh ở Đức, tôi có dịp nói chuyện với Thủ hiến của một bang ở miền Trung nước Đức. Trong câu chuyện bàn về tình hình chính trị của dịch bệnh COVID-19, ông hỏi tôi: “Ứng biến với COVID-19, theo anh thể chế dân chủ và thể chế độc tài, cái nào ứng biến tốt hơn?”.
Tôi cười và bảo: “Để trả lời câu hỏi của ông, tôi mất 6 năm để nghiên cứu một luận án tiến sĩ”. Về mặt cá nhân mà nói, tôi là người biết lãng du cùng những ước mơ của mình nhưng lại thực tế và dè dặt trong cách nhìn nhận về các thể chế.
1.
Những người cực đoan thường yêu hay ghét một điều gì đó cực độ. Tôi thì ít khi quá mê mệt bởi một thứ gì, hoặc quá ghét một điều gì. Mọi sự vật tồn tại như nó vốn là. Ta đứng ở phía ánh sáng mà nhìn, hoặc ở trong những tình huống tích cực, ắt mọi điều chắc sáng sủa. Nhưng ở những góc tối, hoặc ở những biến cố nhất định, chủ thể kia chưa chắc đã là một sự mỹ toàn.
Nếu nói về tự do hay dân chủ, người ta hay nghĩ đến tự do, dân chủ “như Mỹ là cùng”. Ý nói, Mỹ phải là sự tuyệt hảo về thực hành tự do, dân chủ. Nhưng những gì diễn ra những ngày qua về phong trào “Black Lives Matter” hay “George Floyd”, hẳn sẽ làm cho những fan cuồng sực tỉnh rằng: Tự do hay dân chủ vốn bất định. Tự do, dân chủ ở đâu khi cảnh sát vẫn thẳng tay đánh đập tàn nhẫn những người biểu tình. Tự do, dân chủ ở đâu khi nhà báo vẫn bị hành hung khi tác nghiệp? Trong những tình huống như thế này, nếu ai đó tuyệt đối tin vào một sự tự do, dân chủ tuyệt hảo, hẳn phải là kẻ đáng thương vô trí. Nước Mỹ, rõ ràng không hẳn là một thiên đường.
Trong nhiều trường hợp, công lý chỉ có thể tìm đường đến với mọi người bằng đôi mắt của… truyền thông.
2.
Vụ án Hồ Duy Hải, một vụ “thập kỷ án” kéo dài vắt qua tuổi trẻ của một con người. Những lý luận ngô nghê, thiếu hàm lượng công lý để thuyết phục nhân tâm, những câu hỏi lớn mang tính cốt tử vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng… Nhưng các cấp xét xử đều lạnh lùng bỏ qua. Khi chưa chắc chắn một người có tội, thì người đó có thể có tội hoặc không có tội. Nhưng theo nguyên tắc pháp lý về suy đoán vô tội, người đó phải được coi là không có tội.
Nguyên tắc đó thể hiện sự nhân văn thà tha nhầm, còn hơn giết nhầm người.
- Xem thêm: Tẩy xóa lịch sử
Chỉ đến khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải, thì dư luận mới bấu víu lại được niềm tin vào hệ thống tư pháp mà oan sai vẫn thấy dọc mảnh đất hình chữ S này. Một người từng làm thủ trưởng cơ quan điều tra, nhưng cũng từng là viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, và rồi lại là chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cùng các vai trò, cùng xử một vụ án… thì nguy cơ oan sai càng khó tránh. Trong nhiều tình huống, sự nhân danh pháp lý chưa hẳn đã là công lý. Rõ ràng, quyền lực cần được giám sát và phân bổ một cách hợp lý để chân lý có cơ may đến được mọi người.
3.
Nói như vậy, không hẳn để chúng ta từ bỏ những ước mơ về những thứ toàn mỹ – những thứ toàn mỹ được xây trên hai mặt của một đồng xu: trắng – đen bất định. Như nước Đức, nơi tôi đang sống, từng là nạn nhân của một thứ gọi là “chủ nghĩa hoàn mỹ” của Hitler, người dìm thế giới và nước Đức đi qua một chặng đường u tối nhất của lịch sử hiện đại. Lịch sử nhân loại chứng minh, loài người luôn đấu tranh để có những không gian sống tốt hơn. Họ nói lên tiếng nói của mình trước những sai trái ngổn ngang của chính sự và thời cuộc. Ai giúp họ nói lên tiếng nói? Rõ ràng là truyền thông.
Nếu không có video về cái chết của George Floyd – rồi từ đó khởi phát một phong trào đấu tranh trên toàn nước Mỹ, cái chết của anh ta có thể chìm trong im lặng. Nếu không có sự lên tiếng của truyền thông, chắc hẳn vụ án Hồ Duy Hải khó có cơ hội tìm đến công lý, và sự vào cuộc của Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Trong nhiều trường hợp, công lý chỉ có thể tìm đường đến với mọi người bằng đôi mắt của… truyền thông.
- Xem thêm: Nước Mỹ phân hóa: Không chỉ bởi màu da
Dù rằng, trong xã hội thông tin hiện đại, những tiếng nói của con người đôi khi bị lấn át bởi các thủ thuật và rác truyền thông. Nhưng tôi tin rằng, truyền thông sinh ra là để phục vụ con người. Chính nó phải tái định hình vai trò của nó, để tồn tại như nó phải là. Trong không gian liên tưởng đó về truyền thông, những người làm truyền thông – nhà báo có sứ mệnh vô cùng quan trọng, và quan trọng hơn bất cứ thời điểm nào. Những người đưa các giá trị vào đúng chỗ của nó, đấu tranh cho công lý và lẽ phải, “phò chính, diệt tà” như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây.
Lúc chia tay ông Thủ hiến bang, ông đồng ý với tôi rằng Mỹ, Đức, hay bất cứ đâu đều tồn tại những vấn đề riêng của nó. Việc người ta đấu tranh để có được một không gian sinh tồn tốt đẹp hơn, cải tiến các thể chế hiện có là một quá trình tất yếu. Tôi nói với ông rằng, tôi thích câu nói: Hạnh phúc thực sự là trên chặng đường đi, chứ chưa hẳn ở đích đến (và rằng: biết bao giờ mới đến?).
Và chân không bước đi, sao hạnh phúc có thể tự kiếm tìm?!