Điều đáng nói là hai thủ phạm vụ giết người đã không bỏ chạy mà bình thản ở lại để người qua đường quay phim. Nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời từ vụ giết người này. Hai thủ phạm là ai? Hành động của họ là đơn lẻ hay họ thuộc một nhóm có tổ chức? Còn có các kế hoạch tấn công nào khác được dự kiến?
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Anh lại bị tấn công khủng bố. Vụ tấn công năm 2005 khiến 52 người chết cùng với bốn kẻ khủng bố tự sát. Kể từ đó, một loạt các âm mưu khủng bố đã bị phá vỡ.
Sau khi các nhóm quân Anh rút khỏi Iraq, vấn đề khủng bố dần dần không còn được xem là mối bận tâm hàng đầu của chính quyền Anh. Tuy vậy, cuộc tấn công mới đây cho thấy nguy cơ khủng bố đang ở rất gần.
Chỉ ba ngày sau vụ giết hại trên, tại khu thương xá La Défence ở Paris, một binh sĩ Pháp cũng bị một người đàn ông cầm dao đâm vào cổ. Hai sự việc xảy ra trong vòng một tuần lễ đã khiến người ta nghĩ đến đây là hành động của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo.
Chuyên gia về các mạng lưới thánh chiến Hồi giáo cho rằng cảnh sát và tình báo của các nước Pháp, Anh hay Mỹ không có đủ phương tiện để nhận diện các phần tử thánh chiến hoạt động đơn lẻ và các nhóm khủng bố siêu nhỏ hoạt động một cách âm thầm.
Tư duy dùng bạo lực của những người này bịảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng một yếu tố phổ biến trong số những người đã có hành vi bạo lực vì động cơ chính trị là nguyên lý cơ bản rằng họ phản đối sự hiện diện của phương Tây tại thế giới Hồi giáo.
Đối với các chiến binh thánh chiến, sự hiện diện của binh lính phương Tây là thực tế và toàn bộ niềm tin đó nhắm vào việc nhìn nhận quân nhân, bất kể vai trò của họ là gì, đều là kẻ thù của Hồi giáo.
Bilal Abdulla, một bác sĩ Iraq, người đã tìm cách đánh bom London và sân bay Glasgow hồi năm 2007, đã nói rõ ràng tại phiên tòa về lý do ông trở nên cực đoan. Đó là vì ông cho rằng người Anh và người Mỹ đã giết người nước ông chứ không phải là đã giải phóng đất nước ông khỏi tay một nhà độc tài.
Trước đây Anh đã chứng kiến một loạt các cuộc biểu tình của các nhóm Hồi giáo cực đoan được tổ chức để phản đối binh lính được điều sang Afghanistan.
Đáng chú ý hơn cả là sự kiện vô cùng căng thẳng xảy ra hồi năm 2009, khi một tổ chức (nay đã bị cấm) đã quấy rối một cuộc diễu hành hồi hương của Trung đoàn Bộ binh Hoàng gia diễn ra tại Luton.
Tình trạng tức giận tiềm ẩn về vai trò của quân đội nước ngoài ở các nước Hồi giáo vẫn thường xuyên xuất hiện trong các khởi tố chống khủng bố lớn và cũng từng là một phần của các kế hoạch tấn công trong những dịp trước đó của người Hồi giáo.
Sự việc chống lại quân đội phương Tây nổi tiếng nhất là vụ nổ súng ở Fort Hood tại Mỹ, trong đó có 13 người đã bị một đại tá quân đội – được cho là người của một giáo sĩ al-Qaeda – giết hại.
Gần đây hơn, hai nhóm khác tại Anh đã bị bỏ tù sau khi tính chuyện chọn binh lính làm mục tiêu tấn công.
Một nhóm cho biết chuyện tấn công thường xảy ra khi quan tài của binh lính phương Tây tử trận ở Iraq và Afghanistan được đưa về nước.
Lý lẽ vẫn được những người cực đoan nhất quán sử dụng là quân đội phương Tây mang chiến tranh tới các nước Hồi giáo cho nên họ mang bạo lực đáp trả lại tại nơi này.
“Chúng tôi phải chống lại họ vì họ chống chúng tôi. Nợ máu phải trả bằng máu. Tôi xin lỗi là phụ nữ phải chứng kiến cảnh này hôm nay, nhưng ở đất nước của chúng tôi, phụ nữ của chúng tôi phải chứng kiến điều tương tự” – người đàn ông thực hiện vụ tấn công ở Woolwich đã nói như vậy với một phụ nữ Anh ngay sau khi anh ta gây án hôm 22-5 vừa qua.
Thái Hòa