Tạp chí thời trang Vogue của Italy vừa ra một tuyên bố về sự bền vững bằng việc xuất bản ấn phẩm tháng 1 trong đó không hề sử dụng ảnh chụp.
Kênh CNN đưa tin số đầu tiên năm 2020 của tạp chí Vogue sẽ sử dụng các câu chuyện minh họa và trang bìa vẽ tay – những thứ được tạo ra mà không cần phải di chuyển, vận chuyển trang phục hay gây ô nhiễm dưới bất kì hình thức nào.
Trong bài chú thích đăng trên website của Vogue hôm 2/1, Tổng biên tập Emanuele Farneti cho biết ông muốn “phát hành một thông điệp”.
“Trong cuộc tranh luận toàn cầu về tính bền vững, và các giá trị mà Vogue cam kết thúc đẩy trong thập kỷ tới, có một khía cạnh đặc biệt đáng quý đối với tôi: sự trung thực về trí tuệ. Trong trường hợp của chúng tôi, điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng xuất bản một tạp chí thời trang có gây ra tác động đáng kể đến môi trường”, ông Farneti viết.
Đặt quyết định trên vào bối cảnh thực tế, Tổng biên tập Farneti ước tính số ra tháng 9 của tạp chí này đã phải mất công sức lao động của 150 người, 20 chuyến bay và hàng chục chuyến di chuyển bằng tàu. Ông cũng nhắc đến việc tiêu thụ điện, sử dụng đồ nhựa và lãng phí thực phẩm để sản xuất 8 trang ảnh của số báo tháng 9.
Đây là lần đầu tiên Vogue ra tạp chí sử dụng trang bìa hình vẽ minh họa trong lịch sử 55 năm hoạt động. Các họa sĩ tham gia chiến dịch vẽ tranh chân dung này bao gồm họa sĩ vẽ tranh minh họa người Nhật Bản Yoshitaka Amano, họa sĩ Mozambique Cassi Namoda và nhà viết truyện tranh người Italy Milo Manara. Họ đều phác họa những người mẫu trang bìa khác nhau trong đó có Lili Sumner, Olivia Vinten và Lindsey Wixson.
Trước ngày ra sạp báo vào tuần tới, Vogue đã giới thiệu 7 trang bìa khác nhau trên tài khoản Instagram. Nội dung của số tạp chí đầu năm cũng tập trung vào tính bền vững trong lĩnh vực thời trang. Các câu chuyện trong đó đều xoay quanh việc tái chế quần áo và giảm rác thải trong ngành sản xuất dệt may.
Ông Emanuele Farneti cũng tiết lộ rằng công ty mẹ của tạp chí Vogue là Condé Nast Italia sẽ chỉ sử dụng nhựa phân hủy được để bọc tạp chí này trong tương lai – một động thái ông cho là “bền vững dù sẽ làm tăng chi phí”.