Một chuyến du lịch đến Bhutan, “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” không quá khó với nhiều người Việt ngày nay bởi được nhiều công ty lữ hành tổ chức.
Đến Bhutan, ngoài cơ hội trải nghiệm cảnh sắc tuyệt đẹp ở xứ sở nhỏ bé ẩn mình bên sườn dãy Himalaya hùng vĩ, với những tu viện Phật giáo thâm nghiêm mà tráng lệ, du khách còn khám phá văn hóa ẩm thực của đất nước trên non cao này, đặc biệt là những món ăn truyền thống của người Bhutan mà phần lớn không thể thiếu thứ gia vị căn bản là ớt. Người Bhutan ăn ớt và ăn rất nhiều trong tất cả các bữa ăn hằng ngày.
Những du khách lần đầu tiên đến Bhutan sẽ không khỏi kinh ngạc trước sự yêu thích đến mức khó tin dành cho ớt của người bản xứ. Vào mùa hè, các khu chợ ở thủ đô Thimphu cũng như nhiều địa phương khác khắp Bhutan là những lễ hội đầy màu sắc: màu của những bộ váy áo kira – trang phục truyền thống của những phụ nữ bán các mặt hàng – từ mặt nạ và đồ thờ tự Phật giáo (Mật tông) đến các loại thực phẩm thiết yếu như phô mai, gạo và nhất là ớt. Những đống ớt màu xanh và đỏ, đôi khi có cả ớt màu vàng chất cao có ngọn. Nhưng ớt không chỉ bán ở các chợ mà còn tràn ngập trong các cửa hàng trên các phố xá. Và khi ngồi xe đi trên những cung đường đồi núi ngoằn ngoèo của xứ sở này, du khách dễ dàng nhận thấy những thảm ớt đỏ được phơi trước sân hay trên mái nhà, hoặc được buộc lại thành những tấm màn màu đỏ treo trước cửa và trên ban công các ngôi nhà. Vào những ngày lễ hội văn hóa – tôn giáo, ở các thung lũng vùng nông thôn xứ Bhutan, trong không khí thoảng mùi hăng nồng của ớt khô được đốt như một nghi thức cùng với âm thanh của kèn và tiếng tụng kinh trầm bổng như một điệu nhạc.
Trong văn hóa ẩm thực của người Bhutan, ớt giữ một vai trò quan trọng bậc nhất, không chỉ là một loại gia vị thông thường. Dễ nhận thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của ẩm thực Tây Tạng ở xứ sở này, song sự khác biệt giữa hai nền ẩm thực vùng Himalaya chính là việc sử dụng quá nhiều ớt ở Bhutan. Có một món quốc hồn quốc túy ở Bhutan mà du khách đến đây đều được giới thiệu: ema datshi (theo ngôn ngữ Bhutan, “ema” là “ớt”, “datshi” là “phô mai”) được chế biến với hai thành phần nguyên liệu bằng nhau là ớt – thường là ớt xanh thái lát dài – và phô mai mềm, cùng với hành và cà chua. Trong các gia đình bản xứ, ema datshi là món ăn hằng ngày, còn trong các trang web ẩm thực đó là một trong những món ăn du khách cần phải trải nghiệm khi đến với Bhutan. Có nhiều biến thể từ ema datshi như kewa datshi (thêm khoai tây), semchung datshi (thêm đậu đỏ), shamu datshi (thêm nấm)… và tất cả đều đậm vị cay nồng của ớt.
Bếp trưởng Sonam Tshering, giảng viên khoa ẩm thực của Học viện Hoàng gia về Du lịch và dịch vụ khách hàng ở Thimphu cho biết: tất cả các món cà ri ở Bhutan đều được nêm… đầy ớt và ớt! Còn trong bữa điểm tâm của người bản xứ luôn có đĩa eazay (hay ezay), một loại ớt ngâm hoặc trộn đơn giản. Theo các chuyên gia ẩm thực, lý do chính của việc ăn quá nhiều ớt ở Bhutan là bởi ớt đem lại cảm giác nóng trong thời tiết lạnh, nhất là vào mùa đông giá rét, tuyết phủ kín cảnh vật ở đây. Thật ra, đó chỉ là cảm giác bị đánh lừa: vị cay xé, nóng bỏng lưỡi của ớt chỉ là cách phản ứng đối với cái lạnh giá, đem lại cảm giác ấm áp cho cơ thể mà thôi chứ không thể thay thế cho chiếc áo lông dày, trang phục mùa đông. Và cũng chỉ có con người, động vật duy nhất trên Trái đất ăn ớt và thực sự thưởng thức vị cay xé lưỡi của ớt để chống lạnh!
Nhưng ở Bhutan cũng không phải ai bẩm sinh đều ăn nhiều ớt như vậy mà đó là một quá trình từ khi người ta mới cất tiếng khóc chào đời. Theo ông Jose Thachil, bếp trưởng điều hành ẩm thực của Khách sạn Taj Tashi ở Thimphu, dân Bhutan được tập cho ăn ớt từ lúc còn thơ ấu. Trong gia đình người bản xứ, cha mẹ tập cho con cái từng bước quen dần với vị cay của ớt bằng cách cho thứ gia vị này với lượng nhỏ rồi cứ tăng dần vào món ăn của trẻ. Chỉ có thể lý giải khoái cảm ẩm thực từ ớt ở Bhutan bằng lý do tôn giáo, tâm linh: đại đa số người dân Bhutan cho rằng ớt có một sức mạnh siêu nhiên: ớt khô khi đốt cháy sẽ giúp trừ khử tà ma. “Cha mẹ tôi luôn đốt ớt khô mỗi khi trong gia đình có ai đau ốm, bệnh tật, bởi lũ tà ma không chịu nổi mùi cay nồng và phải tháo chạy khỏi nhà”, bếp trưởng Jose Thachil nói. Cũng theo ông, người Bhutan còn có niềm tin về Ara, một loại rượu ngô phổ biến được chưng cất trong các gia đình mà khi cho vài quả ớt vào thì rượu tăng thêm hương vị đồng thời đem lại may mắn cho người uống cũng như giải trừ được tà ma có trong thức uống này.
Dù người Bhutan yêu thích ớt đến mức khó tin, thứ gia vị này không có nguồn gốc tại đây cũng như ở khắp châu Á. Theo nhiều cứ liệu lịch sử thì ớt được trồng đầu tiên ở Nam Phi, sau đó được các nhà du hành và thương nhân Bồ Đào Nha đem đến trồng ở Ấn Độ vào đầu thế kỷ XVI cùng với khoai tây và cà chua. Nhưng ớt đã thấm sâu vào ẩm thực và văn hóa Bhutan hơn bất kỳ xứ sở nào khác, và đã trở thành một yếu tố ẩm thực truyền thống từ bao đời nay của quốc gia chỉ khoảng 800.000 dân này. Người Bhutan ăn ớt mọi lúc, mọi nơi, chứ không chỉ vào lúc tiết trời giá lạnh. Nên khi đến với “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” này, nếu là người “ghiền” ớt thì bạn như hổ về rừng, còn nếu không phải “tín đồ” của ớt thì bạn hãy gắng thưởng thức các món ăn rất có thể sẽ khiến bạn ràn rụa nước mắt, lùng bùng lỗ tai khi nếm thử!