Ngày 6-12 vừa qua, đại diện của 15 quốc gia thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) đã nhóm họp tại trụ sở ở Vienna, Áo để thảo luận về mức sản xuất dầu thô trong sáu tháng sắp tới, theo hướng sẽ cắt giảm sản lượng trong tương lai gần để kềm giữ giá dầu không tiếp tục lao dốc như hiện nay.
Trong tháng 11-2018, giá dầu thô chỉ còn 58,76 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2017. Theo các nhà phân tích của OPEC, dù hiện nay giá mỗi thùng dầu có tăng đến hơn 63 USD, cũng chưa đến 50% mức giá cao nhất của tháng 3-2012 là 128 USD/thùng. Sở dĩ OPEC chủ trương cắt giảm mức cung dầu thô là do những dự báo mức cầu trên toàn thế giới trong năm 2019 sẽ giảm hơn so với dự kiến.
Trong khi đó, trên mạng Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Ả Rập Saudi và các nước OPEC không cắt giảm sản lượng nhằm nâng giá dầu thô – một biện pháp có thể làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu trong năm mới. Ả Rập Saudi giữ vai trò quan trọng trong việc điều hành hoạt động của OPEC, song trong thời gian qua mối quan hệ giữa Riyadh và Washington đã xấu đi bởi vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
- Xem thêm: Qatar sẽ rút khỏi OPEC từ năm 2019
Chính yếu tố này và sự sống còn của nền kinh tế các quốc gia thuộc OPEC đã thúc đẩy Ả Rập Saudi cùng các thành viên quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô trong năm 2019 ở mức bình quân 800.000 thùng/ngày; trong khi theo bà Ann-Louise Hittle, Phó chủ tịch phụ trách về dầu hỏa của nhóm nghiên cứu Wood Mackengie, chỉ cần OPEC cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày cũng đủ nâng giá lên “nhiều USD mỗi thùng dầu”. Jim Kane, nhà nghiên cứu thuộc Viện Baker, Đại học Rice ở Houston (bang Texas) cũng cho rằng, trong năm 2019 OPEC sẽ vẫn cắt giảm sản lượng dầu thô cho dù đang có áp lực mạnh mẽ từ phía Mỹ. Theo ông Kane, các nhà sản xuất dầu cần bán với giá 60 USD – 80 USD/thùng để có thể cân đối ngân sách quốc gia của họ, bởi với mức giá dưới 60 USD/thùng, nền kinh tế của các nước OPEC sẽ bị đặt trong tình trạng báo động.
Mặt khác, để đảm bảo sự thành công trong kế hoạch của mình, OPEC cần siết chặt quan hệ với Nga: nếu OPEC cắt giảm sản lượng, Nga cũng sẽ làm thế. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Ả Rập Saudi và Nga xếp thứ hai và thứ ba, vì thế sự kết hợp của hai nước này được coi là một yêu cầu không thể bỏ qua nếu muốn cứu vãn thị trường năng lượng thế giới. Theo nhận định chung của các nhà bình luận quốc tế, cho dù ông Trump có kêu gọi hay gây áp lực thế nào, xu thế của giá dầu thô trong năm 2019 sắp tới cũng sẽ khó duy trì ở mức dưới 60 USD/thùng.