OPEC và một số nước xuất khẩu dầu lớn không thuộc khối này, trong đó có Nga, sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày cho tới hết tháng 3-2018. Đây là thỏa thuận có thời hạn ban đầu là sáu tháng được OPEC đưa ra vào cuối năm ngoái, và là một quyết định gây thất vọng cho các nhà đầu tư.
Theo hãng tin CNBC, trước cuộc họp lần này của OPEC, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng khối này cắt giảm sản lượng mạnh hơn để lượng dầu dư thừa trên thị trường toàn cầu giảm nhanh hơn. Trong khoảng ba năm trở lại đây, nguồn cung dầu thừa mứa là nguyên nhân đẩy giá dầu giảm sâu.
Ông Michael Cohen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường năng lượng thuộc Barclays, nói: “Thị trường đã kỳ vọng OPEC có những động thái như giảm sản lượng sâu hơn hoặc hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự tăng giá của dầu trong một vài tháng tới, bởi lượng dầu tồn kho sẽ giảm xuống”.
Tại một buổi họp báo sau cuộc họp OPEC, ông Khalid Al-Falih, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Công nghiệp Saudi Arabia, nói ông không lo ngại về những diễn biến hằng ngày của thị trường dầu.
Các quan chức của đoàn Saudi Arabia nói rằng trước khi đi đến quyết định, OPEC và các nước trong liên minh đã cân nhắc tất cả mọi lựa chọn, bao gồm cắt giảm sản lượng sâu hơn và gia hạn thỏa thuận thêm sáu tháng. Cuối cùng, nhóm đã chốt gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm chín tháng.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ gia tăng nhờ giá dầu đi lên, kết hợp với nhu cầu tiêu thụ xăng còn yếu và mức xuất khẩu dầu cao của các nước OPEC trong sáu tháng đầu năm nay đã khiến nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC mất tác dụng. Lượng tồn kho dầu toàn cầu hiện nay vẫn đang ở gần mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ hiện đã tăng thêm khoảng 10% so với thời điểm giữa năm 2016, lên mức 9,3 triệu thùng/ngày. Các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã tranh thủ mức giá dầu cao hơn nhờ OPEC giảm sản lượng, nhảy vào lấp đầy phần nguồn cung bị hụt mà OPEC và các nước đồng minh tạo ra thông qua thỏa thuận giảm sản lượng.
- Đ.N
Xem thêm:
- Mỹ tăng sản lượng dầu thô khiến OPEC bị động
- Giá dầu tăng sau khi Opec giảm sản lượng
- Quyết định của OPEC gây bất lợi cho các công ty lọc hóa dầu châu Á