Chuẩn bị kết thúc một năm tài chính có quá nhiều biến động cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và Sacombank cũng không ngoài vòng xoáy đó. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, người điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời điểm nhạy cảm đã cho biết:
Có thể nói, năm 2012 ngành tài chính – ngân hàng của Việt Nam có nhiều khó khăn và thách thức. Sacombank cũng không tránh khỏi và còn có thêm một sự kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng là sau Đại hội đồng cổ đông vào ngày 26-5 thì thành phần cổ đông chủ chốt đã có sự thay đổi. Bản thân tôi tham gia Ban điều hành Sacombank từ tháng 4-2012 và được giao trọng trách đứng đầu kể từ tháng 7.
Việc chúng tôi chú trọng nhất là nỗ lực duy trì tốc độ phát triển Sacombank, chú trọng công tác quản trị để những thay đổi không làm ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ – nhân viên toàn hệ thống cũng như tránh những xáo trộn không đáng có.
Cho đến thời điểm này, chúng tôi có thể nói rằng đã rất yên tâm về sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Đối với hoạt động kinh doanh cũng không bị chững lại bởi sự thay đổi trên. Ngược lại, trong thời khắc khó khăn chung và thách thức riêng, Sacombank vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Huy động tăng trưởng khoảng 30%, cho vay tăng trưởng khoảng 12%. Về doanh số kiều hối qua Sacombank đạt 100% kế hoạch với 1,6 tỉ USD. Riêng về lợi nhuận ước đạt 75% kế hoạch của cả năm. Trong tình hình một năm rất khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam thì 75% này là con số khá thành công của Sacombank, và tôi tin rằng các cổ đông sẽ hài lòng về kết quả này cũng như sẽ yên tâm về sự tăng trưởng ổn định trong mọi mặt hoạt động của Sacombank.
Ông có thể nói cụ thể hơn, ở thời điểm khó khăn nhất là thay đổi Chủ tịch HĐQT thì Sacombank đã xoay xở ra sao?
Trong thực tế thì thông tin này đã được thông báo từ Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng vào cuối tháng 5. Trong bài phát biểu tại đại hội, anh Thành (ông Đặng Văn Thành – người giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank từ năm 1995) đã chuyển giao trách nhiệm quản trị cho các cổ đông mới.
Tại thời điểm anh Thành rời vị trí chủ tịch Sacombank, chúng tôi đã truyền tải những thông điệp rất rõ ràng đến tất cả cán bộ – nhân viên, các nhà đầu tư, các cổ đông và các cơ quan ban ngành. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo một cách thông suốt nên không xảy ra tình trạng biến động hay ảnh hưởng đến thanh khoản.
Qua sự kiện này, chúng tôi cũng nhận thấy vai trò của công tác truyền thông trong xử lý các tình huống khẩn cấp là hết sức quan trọng và lãnh đạo doanh nghiệp không nên bỏ qua yếu tố này.
Thưa ông, vấn đề nổi cộm của ngành ngân hàng là nợ xấu, Sacombank có bịảnh hưởng không?
Đây là một vấn đề nóng và hiện chúng ta có thể nhìn thấy qua các kỳ họp, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành và các ngân hàng cùng nhau tìm cách tháo gỡ nhằm lành mạnh hóa ngành tài chính.
Đối với Sacombank, có thể nói điểm mạnh của chúng tôi là uy tín thương hiệu đã được khách hàng tin tưởng trong 21 năm qua và công tác xử lý nợ luôn được chúng tôi hết sức chú trọng. Sacombank áp dụng các quy trình cấp phát tín dụng chặt chẽ và có ban ngăn chặn và xử lý nợ xấu họp định kỳ hằng tuần. Chính vì thế tỷ lệ nợ xấu của Sacombank luôn được kiểm soát tốt, đến thời điểm 15-12-2012 là 1,31%.
Trước những khó khăn chung và sự thay đổi lớn tại Sacombank trong năm nay, liệu rằng các khách hàng có tiếp tục tin và cùng đồng hành với Sacombank?
Mặc dù có sự thay đổi về cổ đông lớn, nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui là đến ngày hôm nay tất cả các khách hàng truyền thống của Sacombank đều tiếp tục giao dịch với Sacombank. Đặc biệt là trong ngày họp mặt truyền thống nhân ngày doanh nhân Việt Nam vừa qua, những doanh nhân – doanh nghiệp đã từng gắn bó với Sacombank cũng đã đến tham dự và cam kết là sẽ gắn bó và đồng hành cùng với Sacombank trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, chính những giá trị Sacombank đã tạo dựng trong quá trình phát triển là nhân tố để giữ chân khách hàng chứ không phải phụ thuộc vào một cá nhân nào, vì vậy chúng tôi luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy các giá trị hướng về khách hàng.
Vậy trong các thời điểm các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn như năm nay thì Sacombank đã có những hỗ trợ gì?
Từ đầu năm 2012 đến nay, nhằm hỗ trợ thúc đẩy kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hệ khách hàng cá nhân kinh doanh, Sacombank đã triển khai hơn 20 gói nguồn vốn cho vay ưu đãi trị giá 13.450 tỉ đồng và 180 triệu USD.
Gần nhất là vào ngày 27-11 vừa qua, chúng tôi đã dành 1.000 tỉ đồng vốn ưu đãi để bình ổn thị trường cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tiểu thương các chợ truyền thống kinh doanh hàng Tết tại 24 quận/huyện thuộc TP.HCM với lãi suất 10%/năm.
Chúng tôi đã ký thỏa thuận và hợp đồng tín dụng với Ban Quản lý 36 chợ, trung tâm thương mại (trong đó có ba chợ đầu mối: Nông sản Thủ Đức, Nông sản Bình Điền, Nông sản Hóc Môn) tại TP.HCM và các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường để kịp thời đưa vốn rẻ vào kinh doanh dịp Tết.
Ông có quan điểm như thế nào về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường – xã hội?
Theo kết quả của cuộc khảo sát về thực trạng hoạt động quản lý rủi ro môi trường – xã hội do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện vừa qua, gần 90% tổ chức tài chính tại Việt Nam chưa có chính sách, quy trình hay hệ thống chính thức để quản lý các rủi ro về môi trường – xã hội của khách hàng. Trong khi các ngân hàng trên thế giới đã và đang hết sức chú trọng phát triển hoạt động này và tôi cho rằng đây là xu thế tất yếu tại Việt Nam trong thời gian tới.
Là một ngân hàng phát triển theo định hướng an toàn bền vững và tiên phong nhận các nguồn vốn ủy thác từ các định chế tài chính quốc tế như IFC, FMO, ADB… nên từ năm 2005 Sacombank đã đưa ra chương trình đánh giá tác động đến môi trường – xã hội đối với các khoản vay, từ khâu thẩm định cho đến suốt quá trình sử dụng vốn của khách hàng. Ngoài ra, Sacombank cũng đã ban hành danh mục 12 ngành nghề không cấp tín dụng có rủi ro cho môi trường – xã hội.
Năm nay, thông qua sự đầu tư kinh phí của Công ty Tài chính Phát triển Hà Lan FMO cùng các định chế tài chính như DEG, BIO, NORFUN và với sự tư vấn của PwC Hà Lan, Sacombank đã hoàn thiện hệ thống ESMS mới gồm bộ quy trình và công cụ giúp đánh giá toàn diện các ảnh hưởng đến môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư tài chính, có kết hợp các chuẩn mực quốc tế và Việt Nam.
Theo ông, những yếu tố nền tảng nào mang tính quyết định cho sự thành công của Sacombank?
Chúng tôi có “tứ trụ” để phát triển. Thứ nhất là có mạng lưới để phục vụ mục tiêu bán lẻ với 416 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh, thành trong nước, tại Lào và Campuchia. Thứ hai, chúng tôi còn có nguồn vốn chủ sở hữu với hơn 14.000 tỉ đồng và cơ cấu tài chính khá cân đối. Thứ ba là hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư.
Bên cạnh trung tâm dữ liệu (data center) được đầu tư từ năm 2008, vừa qua chúng tôi đã ký kết với Công ty Infosys – một trong những tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật, sản xuất phần mềm ngân hàng điện tử để phát triển hệ thống ngân hàng điện tử mới.
Dự kiến sau khi hoàn tất vào tháng 12-2013, ngoài các dịch vụ hiện đang cung cấp qua internet và điện thoại di động như: chuyển khoản trong và ngoài hệ thống Sacombank, thanh toán hóa đơn (điện, nước, viễn thông…), gửi tiền trực tuyến, mua vé máy bay, nạp tiền điện thoại…; khách hàng còn có thể thực hiện các chức năng, dịch vụ tiên tiến hơn như: quản lý tài chính cá nhân, quản lý thanh khoản, mở L/C điện tử…; đặc biệt, khách hàng doanh nghiệp còn có thể duyệt lệnh thanh toán qua điện thoại di động. Thứ tư và quan trọng nhất, Sacombank có hơn 10.300 cán bộ nhân viên được đào tạo bài bản, là những người trẻ đầy tâm huyết cho sự phát triển của Sacombank. Đây là yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Sacombank trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Xu hướng sắp tới của các ngân hàng bán lẻ sẽ là câu chuyện của kênh phân phối và dịch vụ?
Mạng lưới thì Sacombank đã có sẵn, bây giờ là tập trung khai thác thật hiệu quả và mở mới tại các địa bàn có chọn lọc. Về sản phẩm dịch vụ bán lẻ thì chúng tôi quan điểm là đưa ra đầy đủ các sản phẩm phục vụ được nhu cầu tài chính cho người dân và các doanh nghiệp, thậm chí là phải tìm cách khơi gợi nhu cầu. Trong xu hướng không dùng tiền mặt, Sacombank sẽ chú trọng các sản phẩm phù hợp.
Riêng về thị trường thẻ, Sacombank đã đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại, gia tăng số lượng máy ATM, máy POS trên toàn hệ thống và tập trung nghiên cứu đưa ra nhiều sản phẩm thẻ phục vụ nhu cầu giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hết sức chú trọng việc mở rộng hợp tác với các tổ chức thẻ trên thế giới để phát hành hơn 20 loại thẻ nội địa và quốc tế đối với cả ba dòng thẻ chủ đạo trên thị trường hiện nay là thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước.
Đến thời điểm hiện nay, số lượng thẻ phát hành của Sacombank đã đạt con số gần 1,5 triệu thẻ. Đặc biệt, doanh số giao dịch của thẻ tín dụng Sacombank Platinum hiện chiếm hơn 50% thị phần tại Việt Nam. Gần đây nhất, chúng tôi đã đưa ra dịch vụ chuyển tiền qua máy ATM cho phép người nhận tiền không cần có tài khoản ngân hàng vẫn nhận được tiền thông qua ATM, chỉ cần có điện thoại di động là nhận được.
Kế hoạch kinh doanh của Sacombank trong năm 2013 sẽ như thế nào?
Khó khăn thì luôn đi đôi với thách thức, và thách thức thì tạo cơ hội, vì vậy chúng tôi cũng có dư địa để giành thị phần. Dự kiến tăng trưởng huy động khoảng 25%, cho vay 17%, cổ tức 14% và phát triển mạng lưới tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… Định hướng Sacombank từ năm 2013 sẽ là ngân hàng của dịch vụ, của chất lượng phục vụ và hướng đến đối tượng trọng tâm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân.
Xin cảm ơn ông.