Trong thời gian ngắn sau khi ông giữ nhiệm vụ chủ tịch thường trực VAMA, tổ chức này đã liên tục có phản ứng khá mạnh trước một số dự thảo chính sách thuế và phí liên quan tới thị trường ôtô. Theo ông, sau những động thái như tổ chức đối thoại trực tuyến với báo giới, gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Giao thông vận tải về vấn đề phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, kiến nghị Tổng cục Thuế áp thuế thống nhất ở các địa phương đối với cùng một dòng xe… thì kết quả có được như mong đợi không? Ông có cảm thấy mệt khi vừa phải điều hành công việc của một hãng xe, vừa phải bỏ công sức vì những việc chung như vậy?
Mặc dù đã có hơn năm năm kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc, nhưng quả là thời gian làm việc tại Việt Nam hiện nay cho tôi những kinh nghiệm sâu sắc và thú vị nhất. Áp lực công việc, những góc nhìn mới, những cuộc họp và tranh luận với nhiều cơ quan thực sự đã gây kích thích và hứng thú cho tôi hơn là mệt mỏi. Tôi luôn muốn tách biệt rõ ràng lúc nào đội “chiếc mũ” của Ford và lúc nào dùng “chiếc mũ” của VAMA để công việc được minh bạch và chu toàn.
Thuộc loại người lạc quan, nhưng tôi cũng hiểu là không thể một sớm một chiều thay đổi được các chính sách hay cục diện của thị trường. Dù sao thì tôi đã nhìn thấy sự chuyển biến và tiếp thu kiến nghị của các cơ quan chức năng. Khi Bộ Giao thông vận tải phúc đáp chính thức về việc chưa áp dụng phí hạn chế phương tiện cá nhân, tôi cũng ghi nhận được sự phản hồi rõ rệt từ phía các cơ quan báo chí, các diễn đàn và người tiêu dùng. Chúng tôi cảm ơn nỗ lực của tất cả quý vị nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng.
Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 sẽ có sự tham gia lần đầu tiên của các nhà nhập khẩu xe. Xin ông cho biết tại sao VAMA đưa ra sự thay đổi như vậy?
Chúng tôi muốn tạo ra nơi mà người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm toàn bộ các loại xe hơi có mặt trên thị trường. Dù đem tới triển lãm xe lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu chính hãng, xe hạng nhỏ hay xe hạng lớn, xe bình dân hay xe sang trọng thì tất cả các hãng khi đó đều có dịp phô diễn sức mạnh của mình và người tiêu dùng sẽ có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn. Tôi tin rằng việc mời các nhà nhập khẩu ôtô tham gia các kỳ triển lãm của VAMA sẽ được duy trì từ nay về sau vì mục tiêu quan trọng là tạo ra một sân chơi phong phú và đa dạng cho giới tiêu dùng Việt Nam.
Được biết không ít thành viên của VAMA, kể cả thành viên đang nắm giữ thị phần lớn nhất như Thaco Trường Hải, sẽ không tham gia triển lãm sắp tới. Vậy Triển lãm ôtô Việt Nam 2012 sẽ thực sự hấp dẫn và có hiệu quả đối với các nhà sản xuất?
Triển lãm sắp tới sẽ có sáu thành viên của VAMA và sáu nhà nhập khẩu chính thức, không phải thành viên VAMA tham gia. Việc tham gia triển lãm là tự nguyện và được quyết định bởi chính đơn vị được mời. Tôi hy vọng việc mở cửa cho cả các nhà nhập khẩu chính thức tham gia triển lãm sẽ là một bước tiến mới, tạo nên sân chơi tổng thể và toàn diện về thị trường, tăng hiểu biết cho khách hàng và các thành viên VAMA.
Có lẽ giới tiêu dùng đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện này. Với tư cách chủ tịch VAMA, ông có thể tiết lộ triển lãm năm nay sẽ có những gì được cho là hấp dẫn nhất?
Trong thời gian từ 26 đến 30-9, tại Hà Nội, các doanh nghiệp tham gia triển lãm sẽ giới thiệu đầy đủ về các sản phẩm và dịch vụ mới nhất của họ. Ngoài sự tham gia của các nhà nhập khẩu xe, một thay đổi cũng quan trọng với chúng tôi là quy trình đấu thầu và chọn nhà cung cấp dịch vụ triển lãm được nâng cấp. VAMA đã chọn được một đơn vị cung cấp dịch vụ mới, trong đó công tác truyền thông phục vụ triển lãm được đặt lên hàng đầu. Tôi hy vọng các khách tham quan năm nay sẽ hài lòng với những nỗ lực của chúng tôi trong việc trình diễn các sản phẩm và công nghệ của mình.
Cuối cùng, ông có thể nêu dự báo của mình về xu thế thị trường trong sáu tháng cuối năm nay?
Với những tín hiệu tích cực từ chính sách của Chính phủ, tôi nghĩ rằng quý III sẽ nhỉnh hơn quý II và quý IV sẽ tốt hơn quý III một chút. Tổng mức tiêu thụ trên toàn thị trường sẽ đạt mức 90 đến 95 ngàn xe trong năm nay.
Xin cảm ơn ông!
(Thủy Phạm thực hiện)