Sau gần bốn năm với một cuộc trưng cầu dân ý, hai cuộc tổng tuyển cử, ba vị thủ tướng, nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào 23 giờ GMT ngày 31/1/2020 ( tức 6 giờ sáng ngày 1/2/2020 giờ Việt Nam), chấm dứt 47 năm sống dưới “mái nhà chung” và mở ra một chương mới khó đoán định.
Khởi động cho các sự kiện kỷ niệm ngày lịch sử này, sáng ngày 31/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt tại thành phố Sunderland, nơi đầu tiên tuyên bố ủng hộ “ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu… một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự”.
Đêm 31/1, tất cả các tòa nhà chính phủ ở khu Whitehall được chiếu sáng, cờ EU được treo trên các cột cờ ở Quảng trường Quốc hội ở thủ đô London, một đồng hồ đếm ngược xuất hiện trước cửa số 10 Phố Downing để đánh dấu việc nước Anh rời khỏi EU.
Lễ kỷ niệm sự kiện không diễn ra rầm rộ để thể hiện sự tôn trọng đối với một nửa dân số nước Anh muốn ở lại EU và những người vẫn lo ngại về tương lai phía trước.
Vài giờ trước khi Anh chính thức rút khỏi EU, không ít người dân nước này đã đổ xuống phố và các không gian công cộng ở quận Wesminster của Anh, nơi có cơ quan lập pháp, để chào mừng sự kiện. Ở chiều ngược lại, lá quốc kỳ của Anh đã bị nhấc khỏi khu vực cắm cờ các nước thành viên Hội đồng châu Âu.
Có thể người dân Anh sẽ không lập tức cảm thấy bất kỳ sự khác biệt nào sau ngày 31/1, nhờ giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới ít nhất là hết năm 2020 như một phần của thỏa thuận ”ly hôn” giữa Anh và EU được Nghị viện châu Âu thông qua trong tuần này. Theo thỏa thuận, công dân Anh vẫn được làm việc và giao dịch tự do với các quốc gia EU cho đến ngày 31/12/2020. Ngược lại, người EU cũng có quyền tương tự tại nước Anh, dù quốc gia này sẽ mất quyền đại diện và quyền biểu quyết trong các tổ chức của khối, bao gồm cả việc không có thành viên người Anh tại Nghị viện châu Âu.
Thỏa thuận ”ly hôn” đã giải quyết vấn đề nợ của London, quyền của người EU tại nước này, tình trạng biên giới của khu vực Bắc Ireland (Ai-len) và giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng ông Johnson đã chỉ cho mình 11 tháng để đàm phán một thỏa thuận quan hệ đối tác mới với EU, bao gồm tất cả mọi lĩnh vực từ thương mại đến hợp tác an ninh và tình báo, tiêu chuẩn hàng không dân dụng, tiếp cận vùng biển quốc tế để đánh cá…
Thủ tướng Johnson đã cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU để nước này có thể đàm phán được các thỏa thuận thương mại khác trên toàn thế giới. Nhưng chính xác quá trình này sẽ diễn ra như thế nào và việc các công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh với EU sẽ bị ảnh hưởng ra sao vẫn chưa rõ ràng.
Dưới đây là những mốc thời gian cần lưu ý phía trước:
• Tháng 2-3/2020: Anh và EU bắt đầu đàm phán thương mại
Nước Anh cho biết họ đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại vào ngày 1/2, song các quốc gia thành viên EU vẫn đang thảo luận về những gì họ muốn từ các cuộc đàm phán. Thủ tướng Anh Johnson dự định sẽ đưa ra các ý tưởng cho một hiệp định thương mại tự do theo hình thức như thỏa thuận gần đây giữa EU với Canada (Ca-na-đa).
Các mục tiêu của EU trong thỏa thuận thương mại với Anh dự kiến sẽ được các bộ trưởng phê duyệt vào ngày 25/2 tới, điều có nghĩa là các cuộc đàm phán có thể bắt đầu vào khoảng ngày 1/3. Anh đang hy vọng sẽ mở các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và các nước ngoài EU khác trong cùng một khoảng thời gian. Tuy nhiên, thương mại không phải là vấn đề duy nhất mà Anh cần giải quyết với Brussels. Hai bên còn hợp tác chặt chẽ về an ninh và thực thi pháp luật, giáo dục và năng lượng trong số nhiều vấn đề khác.
• Ngày 1/7/2020: Thời hạn gia hạn
Thời gian chuyển tiếp của Brexit dự kiến kéo dài đến ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, Anh có thể yêu cầu gia hạn điều này trong một hoặc hai năm, nhưng phải thông báo cho EU về yêu cầu của họ trước ngày 1/7/2020. Ông Johnson khẳng định sẽ không làm điều này, khi cho rằng Anh phải thoát khỏi các quy tắc và quy định của EU càng sớm càng tốt, cho dù theo ông, 11 tháng là không đủ để đạt được một thỏa thuận thương mại “không thuế, không hạn ngạch” giữa Anh và EU
• Ngày 31/12/2020: Quá trình chuyển tiếp kết thúc
Nếu gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hoặc đạt được một thỏa thuận thương mại, quan hệ giữa Anh và EU sẽ bị cắt đứt vào cuối năm 2020. Một thỏa thuận mới sẽ cho phép hai bên bắt đầu một quan hệ đối tác mới. Nếu không, hoạt động trao đổi thương mại, di chuyển và vô số các mối quan hệ khác giữa hai bên sẽ thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm. Hàng hóa trao đổi giữa Anh và 27 nước EU sẽ bị đánh thuế, kiểm soát nhập khẩu theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.