Thảo nguyên hóa sa mạc là kỳ tích của người Nội Mông. Không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền bạc đã đổ ra, có cả máu vì cuộc chiến sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt.
Thảo nguyên hóa sa mạc là kỳ tích của người Nội Mông. Hạt thị Ordos (Ngạc Nhĩ Đa Tư) có diện tích 87.890km2 (gấp 44 lần TP.HCM) nhưng dân số chỉ khoảng 1.700.000 người.
Kubuqi (Khả Bố Kỳ) thuộc Ordos rộng 18.600km2 (gấp 26 lần đảo quốc Singapore), là sa mạc lớn thứ 7 ở Trung Quốc. Hơn 40 năm trước, đây là vùng đất chết. Mùa xuân và mùa đông, bão cát từ Kubuqi thường xuyên ghé thăm không chỉ Bắc Kinh mà cả Thiên Tân, Hà Bắc; cách xa hơn 800km. Những “vị khách” không mời mà tới che khuất tầm nhìn, mịt mờ sương cát, làm cản trở giao thông, ảnh hưởng tới sức khỏe và đảo lộn mọi sinh hoạt.
Kỳ tích Kubuqi
Không còn lựa chọn nào khác, nhà nước và người dân Nội Mông khởi động cuộc chiến thảo nguyên hóa sa mạc. Không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền bạc đã đổ ra, có cả máu vì cuộc chiến sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt.
Gần nửa thế kỷ, cuộc chiến đầy gian nan trường kỳ vẫn tiếp tục và phần thắng đang nghiêng về phía con người Nội Mông. Kubuqi ngày càng xanh hóa, như vết dầu loang, thảm xanh thảo nguyên ngày càng mở rộng. Những rừng kiến, gồm các cây thân mộc đặc hữu được trồng theo cảm hứng về tính kiên trì và kỷ luật của loài côn trùng này. Những thảm cỏ và vùng đất ngập nước xuất hiện ngày càng nhiều giữa sa mạc.
Cảnh quan ngoạn mục đến khó tin. Nhiều quốc gia đang đối mặt thảm họa sa mạc hóa đã tìm đến Kubuqi để tìm lời giải cho bài toán hóc búa. Thực địa, tham quan, thảo luận và cùng tìm đáp số chung với nhiều bài học lý thú. Có thể nói, Kubuqi là cuốn sách giáo khoa về thảo nguyên hóa và quản trị sa mạc của thế giới. Ngày nay, Kubuqi có cả công viên sinh thái tuyệt vời, điểm đến ấn tượng của du lịch Nội Mông. Du khách bị cuốn hút bởi nhiều trò vui cả ngày.
Khách sạn quanh khu vực thảo nguyên đều mô phỏng Yurt, còn gọi là Ger; dân gian gọi là “Mong Co Bao” (lều kiểu bánh bao). Bề ngoài giản đơn nhưng thiết kế sang trọng với tiện nghi bốn sao thoáng mát, sạch sẽ.
Từ khách sạn, du khách đi bộ, lần lượt di chuyển bằng “xe trượt cỏ”, xe lửa thảo nguyên rồi tham gia các trò chơi như xe đua, xe đụng; bắn cung Mông Cổ, bắn súng thần công, bắn ná thun khổng lồ, phóng tên; cưỡi ngựa hoang, cưỡi bò rừng, cưỡi bò tót… Hành trình trở lại thay xe lửa bằng xe ngựa, Việt Nam gọi xe là thổ mộ cách tân.
Đám cưới Mông cổ và những điều chưa biết về văn hóa nơi đây
Kubuqi còn giới thiệu với du khách “Đám cưới Mông Cổ” qua show diễn đậm chất dân gian truyền thống với bốn nghi lễ là: Quà đính ước – Thách thức sức mạnh chàng rể – Chạy đua đến lễ cưới – Lễ cưới.
“Quà đính ước” lần đầu do người mai mối mang đến nhà gái gồm đường, trà tươi, cổ chân ngựa; gói trong khăn trắng, biểu tượng cho sự hòa hợp, mặn nồng, thịnh vượng. Nhà gái nhận quà là đồng ý. Những lần sau quà gồm khăn choàng cổ truyền thống, sữa, đường. Nhà gái chấp nhận đính ước thì nhà trai mang rượu đến nhà gái ba lần liên tiếp.
Gần ngày cưới, chú rể mang sinh lễ lần cuối gồm một con cừu đã nướng chín, rượu, trà tươi và khăn choàng. Hai nhà sẽ sưởi ấm, hát đối đáp, cùng nhau múa hát mừng đính ước hôn nhân.
Với “Thách thức sức mạnh chàng rể” thì nhà gái mở tiệc lớn đón nhà trai đến rước dâu. Tại phòng cô dâu là đầu cừu nướng chín, có cây sắt hoặc gỗ liễu xuyên giữa, thách chú rể dùng tay bẻ gãy. Chàng rể nhanh trí, rút thanh sắt hoặc gỗ ra ngoài nên dễ bẻ. Ngược lại sẽ khổ sở và bị chọc quê.
Vào ngày diễn ra đám cưới, thông gia hai bên sẽ đua xem ai đến nhà chú rể, nơi tổ chức tiệc đầu tiên. Nhà gái sẽ cho “mật thám” tìm ngựa của chú rể, quất mạnh vào mông. Ngựa đau, sẽ trốn biệt và chú rể phải cất công tìm kiếm.
Để tránh thua cuộc, nhà trai chuẩn bị mở thêm tiệc gần nhà, nhà gái đi qua sẽ dừng lại tham gia, chú rể có thời gian chạy về nhà trước.
Tại “Lễ cưới” ở nhà chú rể, đôi tân hôn sẽ cùng mổ gà để tìm sự may mắn trong gan gà. Trước mặt gia đình hai bên, có vò rượu trét bơ trên miệng. Cô dâu múc rượu mời cha mẹ chồng rồi sớt vào chén của mình và của chồng, uống một nửa. Phần còn lại, chú rể sẽ uống hết.
Gia đình hai bên sẽ khai tiệc cưới, ăn uống, nhảy múa, hát hò đến tận nửa đêm. Đám cưới ngày nay đơn giản hóa nhưng vẫn còn bốn bước tượng trưng như vậy.
Văn hóa Mông Cổ được hình thành từ những con người khoáng đạt, độc lập, hiếu khách gắn liền với sa mạc và thảo nguyên nên có nhiều khác biệt thú vị.
Mông Cổ có lẽ là nước ít lễ hội nhất. Các lễ hội lớn là Tsagaan Sar (Tết Mông Cổ, trùng với Tết Nguyên đán), Trung thu, Đua lạc đà hai bướu Bactrian, Naadam (nghĩa là Trò chơi), các lễ tế cúng Thành Cát Tư Hãn…
Hai lễ hội lớn nhất là Tsagaan Sar và Naadam, mỗi lễ được nghỉ 3 ngày. Lễ hội nào cũng có đua tài, nhảy múa và ăn uống. Lễ hội Naadam có ba cuộc thi là bắn cung, đua ngựa, đấu vật cho các lứa tuổi rất sôi động.
Khách quý đến nhà sẽ được mời rượu ngựa. Khách hơi cúi đầu, nhận rượu bằng hai tay, sau đó chuyền rượu qua tay trái. Các ngón tay phải nắm lại, dùng ngón tay áp út (đeo nhẫn) nhúng vào ly ba lần. Lần thứ nhất búng rượu lên không để tạ ơn trời. Lần thứ hai búng rượu xuống để xin phép đất. Lần thứ ba bôi rượu vào trán cầu sức khỏe. Sau đó dùng cả hai tay, nâng ly và uống hết rượu.
Người Mông Cổ thường đón khách quý bằng khăn choàng lụa màu xanh, gọi là hada. Khách sẽ nhẹ nhàng cầm tấm lụa bằng cả hai tay và từ từ cúi người xuống, trân trọng choàng lên cổ mình. Khi chào nhau, người Mông Cổ thường dang cánh tay, hai bàn tay người này sẽ đỡ mạnh khuỷu tay người đối diện, như vừa kiểm tra sức khỏe, vừa chúc nhau tốt lành.
- Xem thêm: Đi tìm ngày xưa ở Mông Cổ
Mông Cổ (Ngoại Mông) đất rộng người thưa, là quốc gia có mật độ dân số thấp thứ 2 thế giới. Bình quân 1km2 chưa tới hai người ở. Thấp nhất là Vương quốc Greenland (Bắc Mỹ) thuộc Đan Mạch. Đây là hòn đảo lớn nhất địa cầu, diện tích 2.166.086km2 nhưng chỉ 55.877 dân cư, mật độ là 0,028 người/km2.
So với thời cực thịnh vào thế kỷ 13, lãnh thổ quốc gia Mông Cổ (Ngoại Mông) hiện nay chỉ bằng 1/19. Nếu tính luôn cả Nội Mông (khu tự trị thuộc Trung Quốc) thì cũng chỉ bằng 1/11. Về dân số, người Mông Cổ hiện có khoảng 7.500.000 người (cả Ngoại và Nội Mông), bằng khoảng 1/50 số người mà đế quốc Mông Cổ từng chiếm đóng và thu phục.
Nội Mông được xem là nghĩa địa của khủng long hóa thạch. Vào thập niên 1920, đoàn thám hiểm người Mỹ đã bất ngờ phát hiện hàng chục bộ xương đủ loại của khủng long hóa thạch tại vùng đất hoang dã không có người ở, cạnh sa mạc Gobi, có tên là “Đầm muối” (theo tiếng Mông Cổ), bao phủ bởi cát đỏ và đá bùn. Vào năm 1982, tại Nội Mông còn khai quật được tám bộ hài cốt dị thường, có chiều dài tới 4m. Công viên Erenhot, Nội Mông là bảo tàng khủng long lớn nhất thế giới.
Người Mông Cổ hiện đã định cư vào các thị tứ, gần như không còn sống du cư nên không thấy làng mạc. Xe chạy mấy trăm km, vẫn bạt ngàn thảo nguyên hoặc sa mạc. Bù lại là những”Mong Co Bao” cải tiến, kể cả khách sạn 4-5 sao và sân bay. Gọi là “Mong Co Bao” vì nhà lều Mông Cổ có hình tròn, gần giống chiếc bánh bao. Kiến trúc này chống bão, tận dụng được diện tích tối đa, giữa nhiệt rất tốt vào mùa lạnh.
Xe cộ và máy móc ở Nội Mông Cổ không dùng xăng mà dùng khí hóa lỏng, loại tài nguyên phong phú bản địa. Dùng khí hỏa lỏng vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường vì khí thải ít hơn xăng dầu.
Các trạm bơm khí hóa lỏng tự động được đặt tại bãi đậu xe của những khu vui chơi hoặc thị tứ. Cả vùng đất rộng gần gấp 4 lần Việt Nam không hề có trạm thu phí giao thông.
Ở Mông Cổ, chất thải rắn của gia súc ăn cỏ là chất đốt phổ biến chứ không phải là phân bón hữu cơ cho cây trồng như nhiều nước. Phân được nắng và gió sấy khô, khi đốt giữ nhiệt tốt, rất lâu tàn và có mùi cỏ úa. Tốt nhất là phân bò, trâu; có thể giữ lửa hàng giờ, bất chấp gió.
Sinh nhật là sự kiện quan trọng nhất của người Mông Cổ, từ lúc sinh ra cho đến năm 12 tuổi. Các buổi tiệc sinh nhật được tổ chức trang trọng, ấm cúng với mong muốn đứa trẻ sớm sẽ trở thành những người lớn khỏe mạnh, có ích cho cộng đồng. Thôi nôi (sinh nhật 1 tuổi) và sinh nhật 12 tuổi được tổ chức to nhất. Lên 13 tuổi, sẽ không còn tiệc sinh nhật.
- Xem thêm: Lễ hội huấn luyện đại bàng ở Mông Cổ
Khác với địa táng của nhiều dân tộc, thổ táng là nét văn hóa của người Mông Cổ du mục trước đây. Người chết sau khi được tắm rửa sẽ đem chôn giữa thảo nguyên hoặc sa mạc. Những người thân sau lễ cúng tiễn biệt sẽ dùng vó ngựa san lấp mộ. Thân xác người chết sẽ hòa vào đất cát mênh mông, không để lại dấu vết gì.
Không có biển, lại nằm ở độ cao hơn 1.000 mét trở lên, nên nước và muối là hai thứ quý giá gắn liền với cuộc chiến sinh tồn và phát triển của người Mông Cổ. Điều ngạc nhiên là dù thiếu muối nhưng không người Mông Cổ nào bị bệnh bướu cổ do thiếu iôt.
Thiếu nước, người Mông Cổ rất ít tắm. Họ thường dùng những loại cây dược liệu để làm sạch cơ thể, hoặc dùng khăn ướt để lau. Gió nhiều, độ ẩm rất thấp, khí hậu mát và lạnh, người Mông Cổ hiếm ra mồ hôi. Thủa xưa, cả đời người Mông Cổ chỉ tắm 3 lần là lúc chào đời – làm đám cưới và chết. Ngày nay, nhờ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nước được cung cấp khá đầy đủ nhưng nhiều người Mông Cổ vẫn lười tắm.
Trong các bữa ăn Mông Cổ, thịt là thức ăn chủ yếu và nướng là phổ biến nhất. Rau củ và trái cây ít vì thường phải nhập từ những vùng khác. Ngoài ra còn bánh nướng từ bột kê, bột bắp, bột gạo. Món lẩu cừu và sườn cừu nướng ngon bá cháy. Thịt cừu nhúng lẩu mềm, thơm, ngọt hơn thịt bò. Món dê mổ bụng, nhét rau củ, gia vị và cả đá (để làm chín đều từ bên trong) nướng nguyên con, ngon miệng và ngon mắt nhưng mùi hơi nặng nếu ăn không quen.
Thiếu nước và muối, lại nuôi nhiều gia súc, trà sữa là thức uống quốc túy và phổ biến nhất. Người Mông Cổ uống trà sữa hằng ngày, như uống nước. Có màu nâu nhạt, trà sữa Mông Cổ không ngọt mà có vị mặn. Không quen thì khó uống nhưng sau đó thì ghiền. Về mặt y học, trà mặn (phải nói là lợ) tốt hơn nhiều so với trà sữa.
Sữa bò, dê thì quá bình thường. Người Mông Cổ có sữa ngựa. Sữa ngựa được lên men, chưng cất thành rượu đặc sản, đựng trong chai có bao bì bằng da bò, trang trí sừng dê hai bên rất đẹp và hài hòa.
Người Mông Cổ không phân biệt cừu hay dê mà gọi “Mian yang” (cừu nuôi) và “San yang” (dê thả), cùng với bò và ngựa là ba loại gia súc nhiều nhất ở đây.
Ngoài sữa tươi, trà sữa, sữa ngựa còn được chế thành kẹo sữa nguyên chất, kẹo yaourt và phô mai sợi khô. Cùng với trà sữa, đây là những món không thể thiếu trong các bữa ăn Mông Cổ.
Du khách rất khoái món kẹo sữa, kẹo yaourt lẫn yaourt hủ. Lạ nhất là phô mai sợi khô, có hương vị rất riêng.