Chưa kịp đặt chân xuống thảo nguyên Nội Mông, đoàn chúng tôi đã thấy “ngợp” khi nghe tiếng vó ngựa rầm rập và nhìn những người đàn ông địa phương tráng kiện phi ngựa phía trước dẫn đường. Dân ở đây ai nấy đều cao lớn, tiếng nói vang như sấm, uống sữa dê thay nước và tài cưỡi ngựa bắn cung thuộc hạng “thiên hạ vô địch”.
Đi chơi ở khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) từ tháng 5 đến đầu tháng 10 thì tuyệt nhất. Lúc này thảo nguyên xanh tươi, không khí mát mẻ. Chúng tôi được mời lên lưng ngựa, có nài ngựa dìu dắt những bước đi ban đầu, khi đã thẳng lưng vững chãi thì có thể thỏa sức phi ngựa lao thẳng vào thảo nguyên ngút tầm mắt mà không lo bị ngã (các chú ngựa này ngày ngày đã quen công việc phục vụ những vị khách phương xa).
Khu vực tập bắn cung cũng được dựng ngay trên thảo nguyên với các lốp xe lô nhô để định hướng cho tầm ngắm chuẩn xác. Cung tên căng ra trên cánh tay, chân bám chặt trên lưng ngựa giữ thăng bằng, dù mũi tên có lao trúng đích hay không thì ai nấy cũng đều bật cười sảng khoái. Có thể nói chất yên hùng luôn hiện hữu ngay trong đời sống và bầu không khí ở Nội Mông bởi nét văn hóa đặc trưng được trân trọng bảo tồn, gìn giữ nghiêm cẩn.
- Xem thêm: Thiên nhiên đa sắc ở Tân Cương
Hầu như ai đến Nội Mông cũng đều đặc biệt có ấn tượng với Mong Co Bao – tên gọi loại lều ở của người Mông Cổ để thích ứng cuộc sống du mục nay đây mai đó. Ngày nay, người dân ở Nội Mông chủ yếu đã định canh định cư nhưng Mong Co Bao vẫn tồn tại như một biểu tượng của kiến trúc và đặc trưng văn hóa.
Bên cạnh những Mong Co Bao dựng cố định trên mặt đất, đoàn cũng được chiêm ngưỡng mô hình Mong Co Bao truyền thống của người Mông Cổ xa xưa: sàn lều bằng gỗ được lắp với bốn bánh xe lớn để có thể di chuyển mỗi khi muốn thay đổi chỗ ở. Có dịp ngủ trong những chiếc lều 3-4 sao mới thấy đây quả là một tuyệt tác của cuộc sống hòa quyện với thiên nhiên.
Mọi kích thước của lều được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè, còn đồ dùng cũng được tính kích thước thích hợp để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho một gia đình và tiện lợi cho chuyên chở khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Về đêm, để du khách cảm nhận sâu sắc hơn đời sống du mục, người dân địa phương niềm nở tổ chức lửa trại lớn. Rượu được đựng trong những chiếc sừng đen bóng và liên tục mời khách uống để giữ ấm.
Cách thưởng thức thịt dê – thực phẩm chủ yếu trong các bữa ăn ở Nội Mông Cổ cũng được tổ chức theo nghi thức tế lễ vô cùng độc đáo: Dê nướng nguyên con được trang trí đẹp mắt đặt trên chiếc bàn có bánh xe do hai cô gái xinh đẹp từ từ đẩy vào trong lều, sau những lời khấn tế của vị chủ lễ tôn kính, hai vị khách đại diện trong đoàn sẽ được mời lên cắt những miếng thịt dê nướng đầu tiên sau đó tung lên cao để cúng dường Trời Đất…
Trong hơi rượu nồng ấm và ánh lửa trại bập bùng, lòng du khách càng như say đắm hơn khi nghe lời ca, điệu múa của các chàng trai, cô gái cùng tiếng đàn Mã Đầu Cầm tấu khúc vó ngựa vi vút trên thảo nguyên lộng gió…
- Xem thêm: Một ngày ở cổ trấn Hoàng Long Khê
Thứ nước uống mà người địa phương mời du khách chính là sữa dê, sữa ngựa kèm sản phẩm trà chế biến cũng từ sữa dê ánh lên màu nâu nhạt như cacao sữa của người thành thị. Sữa vắt ra được chứa trong những thùng sắt để qua đêm, người ta hớp lớp váng sữa trên mặt rồi cho sữa vào những bao da lớn, dùng một cây gỗ khuấy mạnh.
Sữa lên men chua, trở thành món sữa có vị thanh như giấm. Váng sữa cũng để lên men và phơi khô thành những tấm bánh màu trắng đục, rắn như đá nhưng khi cho vào miệng nhai thì thấy dẻo và có vị bùi béo – đây chính là thức ăn khoái khẩu của mùa đông. Các sản phẩm trà, bánh kẹo chế từ sữa ngựa, sữa dê được bày bán nhiều tại chuỗi cửa hàng, siêu thị sang trọng khắp thành phố Bao Đầu cũng như thủ phủ Houhehot. Bữa sáng thông thường của người dân nơi đây chính là uống sữa dê, ăn các loại bánh, pho-mát dê nên cơ thể ai cũng cường tráng, cao lớn.