Gần đây có nhiều khẩu hiệu, bích chương, bài báo… kêu gọi phải “Nói không với cái xấu”, như phải nói không với xì ke, ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục sớm… Thế nhưng nói không không phải là chuyện dễ, nhất là ở tuổi vị thành niên! Ngay cả người lớn chúng ta nhiều khi từ chối, nói không, cũng đã thấy khó! Đã có những trường hợp bị ép rượu đến nỗi say xỉn, rồi tiếp đó là tăng hai tăng ba, để cuối cùng dính HIV như vẫn thường gặp ở các phòng tham vấn!
Tại các nước, dạy trẻ cách nói không “How to say NO” là một trong những kỹ năng sống quan trọng hàng đầu. Phải dạy từ rất sớm, ở lứa tuổi học sinh tiểu học. Không phải là với những bài giảng “moral” mà là những tình huống cụ thể đặt ra để trẻ tập đương đầu, đối phó, thương thảo, lấy quyết định đúng đắn.
Nhiều bậc phụ huynh có con em ở tuổi mới lớn luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Cha mẹ thì bận rộn tối tăm mặt mũi vì công việc làm ăn, thăng tiến, thành đạt… rất ít thì giờ dành cho con, để rồi một hôm nào đó bị đổ sụp khi thấy đứa con ngoan hiền bỗng nghiện xì ke, ma túy, bỗng thành một tội phạm đua xe, cướp giật…
Phần lớn các em tìm đến những thói xấu đó thực ra là vì đã có những nỗi khổ riêng: muốn tìm một cảm giác dễ chịu, tìm một cách sống tưởng là “tốt hơn”. Chẳng hạn, cho rằng hút thuốc là để tỏ ra mình trưởng thành, tự tin hơn, bớt rụt rè, bớt cô đơn, bớt buồn chán. Có người rơi vào hoàn cảnh nghiện ngập do muốn có thêm bạn, muốn được nhóm bạn chấp nhận, hoặc để làm giảm những nỗi thất vọng của mình.
Những thói quen xấu đó lúc đầu quả thực có làm cho dễ chịu, có làm cho quên đi những nỗi muộn phiền, nhưng chỉ có tác dụng chốc lát rồi sau đó càng bị lún sâu vào và kết quả là lợi bất cập hại, có thể hủy hoại cả cuộc đời! Với lòng cảm thông sâu sắc, với sự tôn trọng cần thiết và chịu khó lắng nghe, dành nhiều thì giờ hơn cho các em, ta có thể giúp giải quyết vấn đề.
Dạy trẻ tính toán “lợi hại” trước khi có một quyết định và đừng bao giờ nghĩ rằng: “Chuyện đó không bao giờ xảy ra cho tôi!”. Tỷ lệ phá thai ở em gái dưới 18 tuổi ngày càng nhiều, tai nạn do những cuộc đua xe của các bạn trẻ ngày càng nhiều, tỷ lệ nhiễm HIV ngày càng tăng ở lớp trẻ là những thực tế. Dạy trẻ nói “Không” là một điều cần thiết! Nhưng vì sao khó nói không?
– Thường là vì sợ mất bạn bè, sợ bạn bè coi thường. Thực ra khi nói không thì trẻ đã chứng tỏ có nghị lực, có quan điểm riêng, có sức mạnh tinh thần cứng cỏi, đã trưởng thành và có ý thức trách nhiệm với bản thân. Có thể có người trong nhóm bạn chê cười nhưng đa số chắc chắn sẽ nể phục. Một người bạn tốt luôn tôn trọng quan điểm cá nhân của người khác chớ không ép uổng, bó buộc người khác phải giống mình. Một người bạn ép ta làm một điều gì ta không thích thì rõ ràng đó là một người bạn không tốt. Mất càng hay chớ sao!
– Vì bản thân muốn tìm kiếm sự dễ chịu khi bị thất bại, buồn lo, chẳng hạn thi rớt, bị cha mẹ mắng, cha mẹ ly dị, học kém… nên dùng rượu, dùng ma túy để giải sầu! Như đã nói, các “biện pháp” này chỉ có hiệu quả tạm thời, do vậy cần thay thế bằng những biện pháp tích cực và hiệu quả hơn như chia sẻ, bày tỏ với một ai đó (một bạn tâm giao, một người thân trong gia đình, thầy cô, tham vấn viên, chuyên gia tâm lý hoặc ngay cả gọi điện thoại nóng đến các trung tâm tham vấn).
Có thể nghe nhạc. Có thể viết nhật ký. Có thể khóc. Có thể chơi thể thao hoặc chỉ đơn giản chạy bộ, nhảy dây, vận động gì đó. Lúc vận động thể lực như vậy, trong người sẽ tiết ra chất endorphine, một thứ “thuốc phiện” nội sinh làm cho ta được thư giãn, sảng khoái một cách lành mạnh và không tạo lệ thuộc dẫn đến nghiện ngập. Có thể tập nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận nó và tìm một giải pháp thay đổi tình thế. Rớt đại học thì học cao đẳng, học nghề. Thua keo này bày keo khác…
– Cũng có khi vì cho rằng phải “theo phong trào”. Thấy người ta hút thì mình cũng hút. Thấy người ta đồng tính luyến ái thì mình cũng “đồng tính” cho vui. Hãy nhìn vào con số thống kê. Cả nước hiện có hai chục triệu sinh viên, học sinh thì chỉ có khoảng năm ba chục ngàn người nghiện ngập. Đa số thanh niên đang phấn đấu lập thân, lao vào học tập, xây dựng sự nghiệp, giữ gìn sức khỏe. Như vậy, nếu muốn “theo phong trào” thì phải theo đám đông mới đúng chứ!
Cách nói “Không” tốt nhất khi bị lôi kéo, ép uổng, đó là nói rất đơn giản: “Không. Cảm ơn!”. Càng đơn giản càng hiệu quả. Không cần làm ra vẻ quan trọng. Không cần tỏ vẻ khẩn trương, bức xúc, bối rối, biện giải dài dòng. Vì như vậy thì sẽ càng bị ép uổng, bị thuyết phục. Trong một số trường hợp có thể giải thích thêm: “Thử rồi, không hạp!”. “Chút nữa phải lái xe”, “Bị dị ứng”, “Phải đi trực, đi học…”.
Trong trường hợp lỡ có thói quen xấu rồi thì phải biết rằng, chuyện từ bỏ là rất khó khăn. Cần kiên nhẫn, cố gắng và tốn nhiều thời gian. Không thể bỏ cái rụp được! Nhớ lại hồi mới tập hút thuốc lá chẳng hạn, cũng phải mất đôi ba tuần mới quen thì bỏ thuốc lá cũng phải tốn nhiều thời gian hơn mới thành công. Đừng bỏ cuộc. Cũng đừng quên tìm sự giúp đỡ của những bạn bè tốt, của gia đình. Phải kiên nhẫn và độ lượng với chính mình. Đừng coi mình như kẻ không ra gì, kẻ bỏ đi, vì tương lai vẫn còn đang ở phía trước.
Có một chuyện vui về “How to say NO” đọc trên mạng: Một cô gái bị dính bầu, bà mẹ tức giận quát: Mẹ đã dặn con bao nhiêu lần là với bọn sàm sỡ thì phải quyết liệt nói “Don’t!”; còn gặp bọn lì lợm thì phải kêu lên: “Stop!”. “Nhưng mà mẹ này, con đã làm đúng y như lời mẹ dặn. Hắn ta vừa sàm sỡ lại vừa lì lợm nên con phải la to: “Don’t stop, Don’t stop!” đó chứ!”. Dĩ nhiên đó là một chuyện vui nước ngoài. Tóm lại, nói “Không” đâu có dễ phải không?
Hẹn thư sau. Thân mến.