Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện vừa công bố ngày 13-7 cho biết tỷ lệ nợ trên GDP của nước ta tăng khoảng 10% trong năm năm qua, thuộc hàng các quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất.
WB cho rằng Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ nhằm khôi phục kỷ cương ngân sách và để làm được điều đó vào thời điểm này, cần phải có các biện pháp củng cố tình hình ngân sách chất lượng cao.
Nhấn mạnh từ báo cáo chuyên đề là bội chi ngân sách (tính cả nguồn ngoài ngân sách) ước tăng lên khoảng 6,5% GDP trong năm 2016 so với 6,2% năm 2015, dẫn đến tổng nợ công của Việt Nam ước khoảng 63,7% GDP vào cuối năm 2016, tăng gần 13 điểm phần trăm so với năm 2011, và đang tiến sát mức trần quy định là 65% GDP.
Theo phân tích của chuyên gia WB, cho dù có thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhưng nếu xu hướng gia tăng nợ công nói trên tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những mối lo về bền vững tài khóa.
Vẫn liên quan đến xu hướng nợ công và bền vững tài khóa, báo cáo cho rằng, dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng – bao gồm những rủi ro tiềm ẩn từ các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng – khi được hiện thực hóa, có thể làm cho Việt Nam thêm dễ tổn thương.
Với nợ công đang ở mức cao, Việt Nam còn ít dư địa để có thể vận dụng chính sách tài khóa nhằm đối phó với biến động chu kỳ. Theo chuyên gia WB, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phải củng cố tình hình tài khóa và đẩy mạnh cải cách cơ cấu.
Một vấn đề khác cũng được nhấn mạnh tại báo cáo này, là tỷ lệ huy động thu trên GDP đang có xu hướng giảm dần, trong khi áp lực chi tiêu công cả về đầu tư và thường xuyên vẫn cao, và các chỉ số an toàn nợ đã gần sát các giới hạn an toàn theo luật định.
Báo cáo cho rằng, trong thời gian tới cần có một lộ trình củng cố tài khóa để đảm bảo sự bền vững tài khóa song không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Khuyến nghị từ WB là cần tiếp tục cải cách chính sách thuế theo hướng đẩy mạnh huy động thu nội địa, cân nhắc từng bước thu hẹp danh mục không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng, chuyển các mặt hàng chịu thế 5% sang 10%, tiến tới áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng duy nhất.
Việt Nam còn được khuyến nghị từng bước tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng (như thuốc lá, rượu bia…), để không chỉ giúp huy động thu được cao hơn, mà còn hạn chế được những thói quen không lành mạnh.
Trong báo cáo chuyên đề, WB cũng khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cân nhắc một số nội dung trong quá trình sửa Luật Quản lý nợ công, trong đó có việc cần làm rõ sự khác biệt giữa chức năng chính sách tài khóa và chức năng quản lý nợ.
Đâu là nguyên nhân nợ công tăng dần qua các năm? Theo các chuyên gia kinh tế thì có bốn nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất là do ngân sách nhà nước bị thâm hụt triền miên và ở mức khá cao. Thứ hai là do nhu cầu đầu tư của chúng ta rất lớn trong khi bố trí nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước bị hạn chế. Vì thế, chúng ta phải trông cậy nguồn vay ở bên ngoài, đặc biệt là vay các nguồn ưu đãi hỗ trợ ODA. Thứ ba là nợ công có phần bảo lãnh cho vay nợ các doanh nghiệp nhà nước, trong thực tế thì thời gian vừa qua một mặt nhu cầu lớn nhưng hiệu quả thì không cao nên nhu cầu bảo lãnh tín dụng không hẳn đi vay, tăng cao. Thứ tư là chúng ta có ít nguồn thu để trả nợ cả gốc lẫn lãi khi đến hạn và phải thực hiện việc trích chi ngân sách nhà nước.
Cũng có ý kiến cho rằng căn nguyên nợ công tăng cao là do mô hình tăng trưởng của chúng ta đã lạc hậu. Vừa qua chúng ta đầu tư rất nhiều, hiệu quả thấp tăng trưởng chậm buộc lòng vẫn phải đầu tư thêm. Hiện chưa có yếu tố nào khác thay thế cơ bản về đầu tư. Do đó, càng đầu tư nhiều, hiệu quả vẫn thấp thì phải vay nợ. Vay nợ nhiều thì nợ công tăng lên.
Được biết một trong những dự luật được Quốc hội bàn thảo trong kỳ họp sắp tới là Luật Quản lý nợ công, trong đó có nhiều điểm chặt chẽ và rõ ràng hơn, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Các chuyên gia cho rằng phải gắn Luật Quản lý nợ công lần này với Luật Quản lý đầu tư công và Luật Quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp.
Bởi một phần nợ công đó có phần không nhỏ là Nhà nước đi vay và sau đó cho doanh nghiệp vay lại. Hay một phần không nhỏ khác là Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay nợ nhưng lại sử dụng không hiệu quả làm gia tăng gánh nặng nợ công. Trong dự thảo lần này, vấn đề đó cũng phải đặt ra, như vậy mới hy vọng giải được bài toán tổng thể.
Không chỉ chuyện nợ công mà nợ thuế của doanh nghiệp cũng đang gây áp lực lên ngân sách.
Cục Thuế Hà Nội và TP.HCM vừa tiếp tục công khai danh sách hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế tính đến tháng 7-2017. Tại Hà Nội có 147 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ 63.443 triệu đồng. Trong số đó có năm đơn vị nợ 4.963 triệu đồng tiền thuê đất, gồm Công ty cổ phần Minh Xuân (phường Bồ Đề, Long Biên) có số nợ cao nhất lên đến 3.176 triệu đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần Bất động sản thương mại và dịch vụ Quang Chung có địa chỉ tại ngõ 219 Trung Kính nợ 922 triệu đồng. Ba đơn vị còn lại nợ tiền thuê đất là Công ty TNHH Đức Hải Thanh (128C Đại La), Công ty TNHH Lê Giang (11 Hàng Đồng), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đồng Tiến (110 Hàng Gai).
Theo Cục Thuế Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm 2017 đã công khai danh sách 792 đơn vị nợ tiền thuế phí, tiền thuê đất với tổng số tiền là 2.793 tỉ, sau đó đã có 249 doanh nghiệp nộp 101.701 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.
Tại TP.HCM, Cục Thuế Thành phố cũng vừa công bố danh sách 209 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số nợ hơn 2.118 tỉ đồng, dù đã bị áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, cưỡng chế tài khoản ngân hàng… Trong đó có tới 33 doanh nghiệp nợ thuế trên 10 tỉ đồng. Ngoài ra 12 doanh nghiệp khác nợ thuế lớn với tổng số tiền lên đến gần 500 tỉ đồng, tính đến quý II-2017.
Đứng đầu doanh nghiệp nợ thuế khủng, lên tới 100 tỉ đồng, là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng công trình và Đầu tư Địa ốc Hồng Quang (quận 4). Công ty cổ phần Cát Long Hải (quận 4) nợ thuế 52,6 tỉ đồng, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Trang Thiên Phát nợ thuế 44,4 tỉ đồng, Công ty Xây lắp công nghiệp (quận 4) nợ thuế 43,89 tỉ đồng và Công ty cổ phần Thép Thăng Long (quận Bình Tân) nợ thuế 43,84 tỉ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tân Phong (quận 4) nợ thuế 37,4 tỉ đồng, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Kinh doanh nhà Tân Hồng Uy nợ thuế 36,9 tỉ đồng.
Cục Thuế TP.HCM đã đề nghị thu hồi Giấy đăng ký Kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp trên.
- Gia Minh