Đã hai mươi năm kể từ khi tái lập tỉnh, với những lợi thế, tiềm năng được khai thác, đến nay Ninh Bình đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhất là về kinh tế. Từ một vùng thuần nông, tỉnh đã bắt đầu phát triển công nghiệp hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý, các khu công nghiệp nằm xen với khu dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường, không khí, nước, đất đều bị ô nhiễm. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng không hợp lý dẫn đến lãng phí tài nguyên và còn phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Các chất thải nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt đô thị… chưa được xử lý đúng quy trình là bài toán cần sớm có lời giải cho môi trường của địa phương.
Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Ninh Bình thường xuyên kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn vì tiến độ sửa chữa đường rất chậm
Thành phố bụi, bẩn
Tại khu vực thành phố Ninh Bình và vùng phụ cận, hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất, cầu cảng, kinh doanh vật liệu xây dựng, nung vôi, đóng gạch thủ công… cùng nhiều nhà máy đang trong quá trình xây dựng nên đất đá rơi vãi trên đường, khói bụi rất nhiều. Nước sông Vân và các hồở nội ô thành phố bị ô nhiễm và có chiều hướng gia tăng do lượng nước thải chưa được xử lý đổ ra. Mật độ giao thông trên các tuyến đường quốc lộ rất lớn, thường xuyên có tiếng ồn và lượng khí thải đậm đặc. Quốc lộ 1A đoạn từ Ninh Bình đi Thanh Hóa dài 60km được thi công, tôn tạo đã ba năm qua nhưng chỉ mới hoàn thành được một phần ba công trình nên thường xuyên kẹt xe, nhất là đoạn ngã ba Cầu Yên.
Tại làng nghề truyền thống chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, nhà nhà làm đá dọc theo đường làng luôn mù mịt bụi mà không có bất cứ cách xử lý bụi, tiếng ồn nào
Với nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ là núi đá vôi, Ninh Bình giữ kỷ lục là tỉnh có nhiều nhà máy xi măng nhất trong cả nước với chín nhà máy đang hoạt động (Vicem Tam Điệp 1, 2, The Vissai, Cầu Yên, Hệ Dưỡng, Duyên Hà, Pomihoa, Xuân Thành, X18). Chưa kể một số nhà máy nhỏ và đang xây dựng. Hệ lụy về môi trường cũng xuất phát chính từ đây. Có nhà máy đã xả khí thải không qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ban đêm, thời điểm các lò lọc bụi tĩnh điện không hoạt động khiến mùi khí thải nồng nặc. Sáng ra, trên trần nhà, bàn ghếở các gia đình xung quanh phủ đầy bụi than. Chỉ riêng tại xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) đã có hai nhà máy xi măng Hệ Dưỡng và Duyên Hà hoạt động.
Ninh Vân còn là nơi có làng nghề truyền thống chế tác đá mỹ nghệ nổi tiếng. Làng nghề đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá, biệt thự, nhà lầu mọc lên, xe hơi chạy đầy trên đường làng, nhưng người dân ở đây phải sống trong ô nhiễm cùng khói bụi, tiếng ồn triền miên. Dọc theo đường làng đã đổ bê tông bằng phẳng, nhà nhà bày hàng ra đường, thợ đục đẽo đá ngay bên đường. Xe tải cùng nhiều loại xe công nông tự chế thường xuyên ra vào chở hàng khiến không gian lúc nào cũng đặc quánh bụi, tiếng ồn vọng suốt ngày đêm.
Nhà máy đạm Ninh Bình (Khu công nghiệp Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh) mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 3-2012 nhưng cũng nằm trong danh sách các nhà máy gây ô nhiễm, xả khí thải ra môi trường, đã bị bắt quả tang khi xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra sông Đáy. Nguồn nước xung quanh nhà máy bị ô nhiễm nặng đến nỗi người dân không dám dùng nước ấy để tưới hoa màu. Ngay việc chăn thả gia súc cũng phải trông coi. Đã có trường hợp bò chết bất thường mà nguyên nhân do chúng uống nước ở kênh bị ô nhiễm. Nguy hiểm hơn là có rất nhiều nhà dân trong khu vực vẫn đang dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Khánh Phú vẫn còn chưa hoàn thiện, nhiều chỗ vẫn còn bỏ trống. Lợi ích kinh tế từ khu công nghiệp còn thấp, nhưng người dân đang phải gánh chịu sự ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Nước xả thải của Công ty Nhiệt điện Ninh Bình đổ ra hồ chứa còn nhiều xỉ than
Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình tiền thân là Nhà máy Điện Ninh Bình được xây dựng trong những năm đầu 1970 là một trong những nhà máy điện đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên nhà máy có công nghệ của những năm 1960, lại xây dựng trên địa hình chật hẹp, một nửa thiết bị chính của nhà máy nằm sâu 7m dưới mặt đất gây không ít khó khăn cho việc quản lý vận hành, sửa chữa thiết bị và tác động không tốt đến môi trường. Nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố, dù đã được phục hồi và nâng cấp nhưng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường khí quyển của các cơ quan chuyên môn, các chất thải bụi lơ lửng như SO2, NO2, CO2, CO… của nhà máy gây ra ô nhiễm về khí thải, tiếng ồn và chất thải rắn. Chưa kể hồ xử lý chất xỉ than nằm gần khu dân cư, bụi xỉ than bám đầy mặt đường.
Người dân buồn, bực
Người dân Ninh Bình tự nhận thành phố của mình có đặc trưng “4B – Bụi, bẩn, buồn, bực”. Đã có nhiều đoàn quan trắc môi trường đến khảo sát, nhưng giải quyết thế nào thì không ai biết. Chỉ thấy tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Nhà máy xi măng, phân bón vẫn mọc lên. Nhiều doanh nghiệp khai thác đá, chế tác mỹ nghệ vẫn biết việc trực tiếp thải bụi đá ra môi trường là vi phạm luật môi trường nhưng vẫn làm, bị kiểm tra, xử phạt xong rồi đâu lại vào đấy. Ô nhiễm môi trường đã xảy ra từ nhiều năm nay, người dân rất bức xúc, đã nhiều lần phản ánh nhưng vẫn chưa có chuyển biến nào đáng kể.
Tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân. Có khi cả nhà cùng bị các chứng bệnh về đường hô hấp mãn tính. Nhiều người không dám phơi quần áo ngoài trời vì bụi bám đầy. Có khi ngủ dậy sờ tay lên mặt cảm thấy như đá mạt bám vào, dù nhà đã được lắp kín hai lớp cửa. Nhiều nhà trong thôn đều bị rạn nứt, rung lắc do người ta nổ mìn khai thác đá. Nguồn nước thải từ các nhà máy xi măng xả ra môi trường có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối, trên những vạt cỏ ven đường, cánh đồng lúa khu vực xung quanh nhà máy có lớp màng bụi bám dày.
Tìm hiểu vấn đề quản lý môi trường ở đây, chúng tôi được biết do tính chất phức tạp của công tác môi trường nên bộ phận quản lý môi trường của tỉnh đang trong tình trạng quá tải. Dù thời gian qua thành phố có đưa ra một số biện pháp khắc phục, nhưng xem ra còn mang tính đối phó, chưa thật sự căn cơ từ gốc để tạo bước ngoặt về cải tạo cảnh quan, môi trường. Thiết nghĩ, nếu không có những giải pháp cấp bách, kịp thời và hợp lý thì Ninh Bình – vùng đất danh thắng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa sẽ có nguy cơ bị đe dọa, mất đi nhiều lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan để phát triển du lịch.
Ngân An
Ảnh văn thắng