Từ ngày 7-7 vừa qua, Công ty Du lịch Global Holiday Tour chính thức hoạt động với tên gọi mới là Global Holiday Tour – Lufthansa City Center. Theo hình thức nhượng quyền thương hiệu, Global Holiday Tour trở thành trung tâm Lufthansa City Center đầu tiên mang tiêu chuẩn châu Âu tại Việt Nam.
Trao đổi với báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, ông Lưu Đình Thịnh, Giám đốc điều hành Global Holiday Tour – Lufthansa City Center cho biết doanh nghiệp này kỳ vọng việc kết hợp cùng hệ thống Lufthansa City Center trên 87 quốc gia khác sẽ mang đến cho du khách một thương hiệu quen thuộc trên thế giới với dịch vụ chất lượng đồng nhất toàn cầu.
Là công ty du lịch đầu tiên của Việt Nam áp dụng hình thức nhượng quyền thương hiệu, ông có thể chia sẻ quá trình Global Holiday Tour tìm đến Lufthansa và đạt đến thỏa thuận như hôm nay?
Tôi làm trong ngành du lịch đã 20 năm và nhận thấy tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt theo chiều hướng không lành mạnh. Nhiều đối tác vào làm ăn tại Việt Nam bị lúng túng: Chọn công ty lớn thì giá cao, chọn công ty nhỏ thì không an tâm về chất lượng, sản phẩm du lịch thì sao chép lẫn nhau mà không theo một tiêu chuẩn cụ thể nào.
Sau khi trao đổi với đồng nghiệp tại Thái Lan, Anh, Singapore, Đức, tôi nghĩ trước tiên mình phải có một cái tên nghe gần gũi với bạn bè thế giới hơn, sau đó phải theo một số tiêu chuẩn quốc tế nào đó. Gia nhập các hiệp hội du lịch như PATA (Hiệp hội Du lịch châu Á – TBD), JATA (Hiệp hội Du lịch Nhật Bản) hay ASTA (Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ) thì các hãng lữ hành lớn của ta đã làm từ hàng chục năm trước, hiệu quả không lớn. Tham gia các liên minh du lịch như BCD Travel, Amex, CWT… là cách làm mới nhưng cũng có không ít khiếm khuyết.
Áp dụng hình thức nhượng quyền thương hiệu là phải chấp nhận thay đổi, sau khi tìm hiểu tôi thấy Lufthansa City Center có những điểm mà Công ty Global Holiday Tour cần nên tôi mạnh dạn đi đến thỏa thuận. Những thay đổi sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn khi đi ra biển lớn trong xu thế hội nhập như hiện nay.
Lufthansa đòi hỏi những điều kiện gì ở Global Holiday Tour để đồng ý cho nhượng quyền? Ông có thể chia sẻ về chi phí nhượng quyền và lợi ích của mỗi bên sau khi hợp tác?
Đầu tiên, tôi xin giải thích về mối liên hệ giữa Hãng hàng không Đức Lufthansa và tổ chức Lufthansa City Center (LCC). Lufthansa sở hữu một phần hai Lufthansa City Center, một phần hai còn lại thuộc về các công ty du lịch Đức. Sau khi nhận được hồ sơ giới thiệu năng lực của một công ty thành viên Lufthansa City Center khác, LCC cử người sang Việt Nam kiểm tra năng lực. Họ kiểm tra về tiêu chuẩn văn phòng, nhân viên, gửi phiếu đánh giá chất lượng dịch vụ của 40 khách hàng trong thời gian gần nhất… Do phía LCC làm việc kỹ và nghiêm túc nên phí nhượng quyền của LCC cũng khá cao, năm gia nhập đầu tiên, chi phí lên đến hơn 10.000 USD/năm.
Trong năm đầu, ngoài việc cử người sang Việt Nam huấn luyện, LCC sẽ tài trợ chi phí tham dự một cuộc họp LCC cấp vùng để giới thiệu doanh nghiệp và Việt Nam đến các thành viên khác và một khóa học tại Đức cho nhân viên của Global Holiday Tour. Ngoài ra là hỗ trợ tham dự cuộc họp toàn cầu để tạo cơ hội kết nối với bạn bè các nước. Các cuộc họp và các khóa huấn luyện được thường xuyên tổ chức nhiều kỳ hằng năm.
Ngoài việc giúp tăng lượng khách vào Việt Nam, với mạng lưới LCC trên 87 quốc gia sẽ tạo lợi thế cạnh tranh về giá cũng như chất lượng tour cho khách Việt Nam đi du lịch các nước. Qua mạng extranet dành cho các thành viên LCC, thành viên chúng tôi có thể nói chuyện với nhau để có được những thông tin nhanh chóng nhất cho khách hàng. Bây giờ chuyện cần tìm một vé xe lửa ở Argentina hay đặt một nhà hàng ở Úc, hay cần phòng VIP cho giải bóng đá ngoại hạng châu Âu không còn mất quá nhiều thời gian nữa.
Ông kỳ vọng sau khi gia nhập LCC, lượng khách Đức của Global Holiday sẽ tăng bao nhiêu phần trăm?
Với việc Chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách mở rộng miễn thị thực với một số nước kể từ ngày 1-7 bao gồm Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Belarus vừa rồi, cùng với sự kiện gia nhập LCC này, chúng tôi kỳ vọng lượng khách tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Quyết định mở rộng miễn thị thực sẽ đóng vai trò tích cực để góp phần tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Nhưng là một thành viên đầu tiên của LCC tại Việt Nam, tôi vẫn xem sự hài lòng của du khách đến Việt Nam mới là điều quan trọng. Hiện nay, LCC có đến 300 công ty du lịch tại Đức, tôi hy vọng Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn với thị trường khách châu Âu nổi tiếng là khó tính này. Đưa khách đến và khiến khách quay trở lại vì hài lòng thật không đơn giản chút nào.
Theo ông, hình thức nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực du lịch sắp tới có phổ biến hơn ở Việt Nam hay không? Tại sao?
Khi mức độ cạnh tranh ngày càng cao hơn và thị trường cần những hãng lữ hành chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế thì hình thức này sẽ phổ biến hơn. Tuy nhiên, theo tôi chỉ là phổ biến hơn chứ khó thịnh hành được. Lý do là phí nhượng quyền cao và tâm lý ngại thay đổi của các doanh nghiệp Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!