Theo thông lệ, cứ vào tháng Tư hằng năm, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lại tổ chức một triển lãm tranh tượng với quy mô lớn. Cũng theo thông lệ, triển lãm tháng Tư năm nay được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 23-4 đến 4-5-2016).
Thật ra, khó có thể tìm kiếm những sáng tạo đáng kể tại một cuộc tập hợp mang tính “mặt trận”, “phong trào” như thế này, đơn giản bởi cuộc triển lãm không hội tụ được những tên tuổi nổi bật, tiêu biểu mà chỉ là cách biểu thị sự phát triển của đội ngũ nghệ sĩ tạo hình tại một khu vực quan trọng của mỹ thuật cả nước. Song khách thưởng lãm sẽ có được những thời khắc thú vị và thoải mái khi xem toàn bộ 142 tranh và tượng nhiều thể loại tại các gian trưng bày và cả ngoài trời.
Trước hết, có thể thấy sự lớn mạnh của giới điêu khắc qua số lượng tượng góp mặt tại triển lãm – nhiều nhất từ trước tới nay – dù đa số là tượng cỡ nhỏ và chưa có tác phẩm nào gây được ấn tượng đặc biệt về tạo hình hay xử lý chất liệu. Khá nhiều tên tuổi mới của làng điêu khắc thành phố hiện diện tại đây. Cũng vậy là sự xuất hiện của khá đông các bạn trẻ và mới ở mảng hội họa, đồ họa tham dự triển lãm. Theo ban tổ chức, trong số 97 tác giả góp mặt tại triển lãm, có đến gần 30 người trẻ chưa là hội viên của Hội Mỹ thuật Thành phố. Đây là một điểm son đáng ghi nhận của triển lãm. Hội Mỹ thuật cần tập hợp rộng rãi hơn nữa nhiều người trẻ có năng lực và đam mê nghệ thuật vào các sinh hoạt như thế này. Chính họ sẽ góp phần tạo sự sinh động, tươi mới cho các triển lãm đông người nhưng thường rơi vào tình trạng “góp mặt cho vui”, dễ nhàm chán vì lặp đi lặp lại.
Các tác phẩm tranh – tượng phần lớn có đề tài trong cuộc sống đời thường “thật” và “ảo”. Chẳng hạn, bức Khát của Huỳnh Trường Giang mô tả tình trạng hạn hán khốc liệt đang diễn ra trên diện rộng, trong khi tác phẩm điêu khắc Thế giới ảo của Nguyễn Uyên Khoang thể hiện cuộc sống của con người đương đại trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Trên facebook của mình, họa sĩ Ngô Đồng – người có hai tác phẩm tham dự triển lãm đã bày tỏ: “Một triển lãm giản dị với những bức tranh nhẹ nhàng, dễ xem và những bức tượng hay. Các họa sĩ trẻ đã xuất hiện nhiều hơn. Tuy không có nhiều tranh để ta phải sửng sốt trầm trồ, nhưng cũng không có tranh quá tệ và đương nhiên vẫn có những bức tranh đẹp”. Một nhận xét khá xác đáng.
- Ngã Văn