Trở nên cực kỳ lợi hại trong các cuộc bầu cử khi cho phép phổ biến các thông tin giả và kích động hận thù, mạng xã hội Facebook trở thành mục tiêu đả kích của các nhà chính trị và các hiệp hội dân sự. Người ta đòi khống chế Facebook, thậm chí còn muốn triệt tiêu nó.
Facebook dường như thoát ra khỏi sự khống chế của chủ nhân nó và gây lo ngại cho các chính quyền trên khắp thế giới.
Bị tố cáo khuếch đại tuyên truyền ác độc, dễ kích động khủng bố và khống chế dư luận quần chúng, mạng xã hội Facebook phải liên tục tự biện hộ.
Thậm chí CEO Mark Zuckerberg còn phải đến Paris vào ngày 10-5-2019, gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để giải trình.
Mark Zuckerberg đến để nói về cuộc chiến chống kích động hận thù trên mạng, một dự án cộng tác với Chính phủ Pháp.
Anh công nhận công ty của mình hiện có quá nhiều quyền lực, yêu cầu các quốc gia thiết lập những luật lệ rõ ràng và tích cực hơn để chỉnh sửa internet. Đó là một thủ lĩnh sẵn sàng lôi các nước vào trong những rắc rối của mình.
Một sai lầm lớn, theo lời cố vấn Roger McNamee của Mark Zuckerberg, nhưng cũng là một thái độ tương tự như Nicolas Machiavel: “Trong chính trị, khó có chọn lựa giữa tốt và xấu, mà chỉ là giữa cái xấu nhất và cái ít xấu hơn”.
Một cái ít xấu hơn để không làm hại sự phát triển của công ty Facebook vốn có sức mạnh tài chính đứng hàng thứ 5 toàn cầu!
Cho đến nay, mặc dù bị hàng loạt tai tiếng đủ các loại, dường như chẳng có gì làm cho Facebook và hàng loạt ứng dụng khác của nó như Messenger, WhatsApp, Instagram… ngưng phát triển. Một con quái vật có bốn đầu, mà sự lệ thuộc hằng ngày của con người vào nó chỉ mới bắt đầu.
Với doanh số hằng năm 55 tỉ USD, chỉ riêng năm 2018 tăng 37%, 384 triêu người dùng chỉ riêng tại châu Âu và giá trị chứng khoáng tại New York là 552 tỉ USD, Tập đoàn Facebook này mạnh hơn ba đại gia của Pháp cộng lại: LVMH (nước hoa, mỹ phẩm, rượu…), L’Oréal (thời trang) và Total (dầu hỏa).
Ngay cả số tiền phạt 3-5 tỉ USD mà Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) áp đặt trong vụ án Cambridge Analytica cũng chẳng có tác dụng gì với Facebook!
Facebook đã từng thu thập dữ liệu của người dùng, mà họ không hề hay biết, để tuyển chọn mục tiêu và quảng cáo cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump vào năm 2016.
Ngay cả khi Facebook có dấu hiệu suy thoái thu nhập tại Hoa Kỳ và châu Âu, đã có ngay Instagram và WhatsApp tiếp sức.
Cho đến nay, còn độc lập, các phần mềm kỹ thuật này sẽ được sáp nhập lại để cho phép người dùng đối thoại với nhau trên những hệ thống liên lạc khác nhau mà vẫn hoàn toàn bảo mật. Một sáng kiến làm yên tâm các cổ đông và chính quyền ở tất cả các nước!
Thế nhưng, khẩu hiệu mới của Mark Zuckerberg: “Tương lai là đời tư” lại bị thiên hạ giễu cợt ngay tức khắc.
Anh phải thú nhận tại cuộc họp báo ngày 30-4-2019 tại California: “Tôi biết nhiều người không tin chuyện này là nghiêm túc. Nói thẳng ra, chúng tôi đã bị mất uy tín rất nhiều rồi. Nhưng tôi cam kết sẽ làm tốt và mở ra một chương mới trong lịch sử của chúng tôi”.
Một đồng sáng lập viên yêu cầu chia cắt Facebook
Trong thực tế, không có lựa chọn. Các cách thông tin thay đổi và Facebook đang lo sợ đánh mất vị trí dẫn đầu thế giới. Laurent Solly, Tổng giám đốc Facebook tại Pháp, cho biết: “Chúng tôi luôn có hai không gian. Thứ nhất để dành cho công cộng là Facebook, trong khi những cái khác dành cho đối thoại trong phòng riêng. Đó là thông điệp của chúng tôi”.
Nhất là những tương tác đó mở đường cho trả tiền trên mạng như WeChat của Trung Quốc, ở đó người ta có thể gọi taxi, thanh toán tiền hàng hay chia nhau hóa đơn nhà hàng.
Phát hành đồng tiền riêng của mình có thể giúp cho công ty bớt lệ thuộc vào quảng cáo mà vẫn tạo cơ hội bảo vệ an ninh giao dịch của khách hàng.
Chiến lược này có thể giúp Facebook giới hạn trách nhiệm của mình trong các nội dung thông tin trao đổi bởi không thể tiếp cận dễ dàng được nữa.
Từ nhà đồng sáng lập Chris Hughes cho đến các chính trị gia, có nhiều tiếng nói yêu cầu “chia cắt” công ty này như nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Theo bà, Facebook đã từng tái phạm nhiều lần nên vẫn có thể vi phạm luật riêng tư một lần nữa! Khẩu hiệu của công ty: “Di chuyển nhanh không vấp ngã” (Move fast and break things) trở nên khó chịu với nhiều người.
754 triệu tài khoản giả bị gỡ bỏ
Từ nay bị nằm trong tầm ngắm, Facebook không cho phép mình phạm một chút sai lầm nào nữa bởi sẽ phải trả giá rất đắt.
Katie Harbath đã biết quá rõ. Phụ trách giám sát bầu cử của Facebook, luôn phải đối mặt với các chính phủ, cô luôn bảo đảm các biện pháp chống thao túng công luận.
Áp lực ngày càng tăng khi đến gần ngày bầu cử 23-5-2019, khi 300 triệu công dân châu Âu đến các phòng bỏ phiếu sau cuộc bầu cử tại Ấn Độ vào tháng 4 và tại Canada vào tháng 10-2019.
Trong năm 2019, người phụ trách kỹ thuật số của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa tại Thượng Viện phải giám sát hơn 100 cuộc bầu cử diễn ra trên khắp thế giới.
Trở thành nguồn thông tin thứ nhì dành cho lứa luổi 18-29 tại Pháp, Facebook có một trách nhiệm cực lớn cho một công ty được điều hành bởi một chàng trai chỉ mới 35 tuổi: Mark Zuckerberg. Đó là giám sát dân chủ cho cả hành tinh!
Facebook trở thành… cảnh sát toàn cầu mà nhiệm vụ chính là phát hiện trước những thông tin giả, gây hận thù và tuyên truyền khủng bố, bắt chúng phải im lặng.
Chỉ riêng trong quý III năm 2018, Facebook đã đóng cửa 754 triệu tài khoản giả, trong đó một số nhằm lôi kéo lá phiếu của cử tri. Chỉ mới 15 tuổi đầu, công ty Facebook đã trở thành kẻ lập vua và phế chúa!
Katie Harbath nói: “Tôi không ngủ được vào ban đêm. Nhưng vì đã đầu tư ồ ạt để xử lý vấn đề, dù sao cũng còn ngủ được vài giờ trong một đêm!”.
Công ty Facebook có 2,3 tỉ khách hàng bị áp lực nặng nề trong mỗi cuộc bầu cử. Các chiến dịch phao tin đồn nhảm, can thiệp của các thế lực ngoại bang, Facebook đã trở thành một công cụ quấy rối chính trị.
Có ai còn nhớ vào năm 2004, Facebook chỉ là “một nhóm bạn bè”, thế nhưng 15 năm sau đã trở thành một siêu nhân khổng lồ có thể thay vua hoán chúa chỉ trong nháy mắt?
Một thách thức phức tạp của người châu Âu
Tại Brazil, trang tin WhatsApp, có 120 triệu khách hàng, đã cho phép ứng cử viên tổng thống cực hữu Jair Bolsonario hạ uy tín của đối thủ Fernando Haddad. Tại Ấn Độ, 549 tài khoản giả do đảng đối lập Quốc đại thiết lập bị đóng cửa trước khi bầu cử vì có thái độ bất thường.
Tại Tây Ban Nha, nhiều bài báo đưa thông tin giả tố cáo ông nội của Tổng thống đương nhiệm Pedro Sanchez là thành viên theo tướng Franco, lưu hành trên WhatsApp.
Gần 10 triệu người Tây Ban Nha bị lay động bởi những thông tin dỏm hay gây hận thù, trước khi đi đến thùng phiếu vào tháng 4-2019. Vẫn còn chưa hết.
Nick Clerg, cựu Phó Thủ tướng Anh, lãnh đạo một công ty lobby tại Mỹ, công nhận: “Bầu cử tại châu Âu là một thách phức tạp nhất mà chúng ta gặp phải. 28 quốc gia, với 24 ngôn ngữ chính thức, và vô số khuynh hướng chính trị. Nhưng hiện nay chúng tôi có gần 40 nhóm làm việc về vấn đề này trên các ứng dụng Facebook, Instagram, Messenger, WhatsApp. Chúng tôi còn mở một trung tâm chiến dịch bầu cử tại Dublin, Ireland để phối hợp hoạt động và phản ứng nhanh”.
- Xem thêm: 18 thứ đừng bao giờ chia sẻ lên Facebook
Mặc cho những công cụ này, kèm theo những chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên báo chí trong những ngày gần đây để cho công luận yên tâm, theo Camille Francoise, Giám đốc nghiên cứu của Văn phòng tư vấn Graphica, nguy cơ vẫn còn.
Người phụ nữ Pháp sống tại New Yok này đã tham gia viết một báo cáo cho Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ về các chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga trên internet trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Bà giải thích: “Ngày nay tại châu Âu, người ta nhìn thấy có sự phối hợp của các phong trào khác nhau cổ vũ ly khai ra khỏi đồng euro như Brexit, Frexit, Italexit… Cánh cực hữu Mỹ cũng say mê theo.
Tuy nhiên tôi không quá lo lắng cho sự chệch hướng bầu cử bởi vì Thung lũng Silicon bị khủng bố bởi các biện pháp mà Ủy ban Bruxelles có thể thực hiện trong trường hợp thất bại. Lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, tất cả các công ty khổng lồ trên internet đều biết rõ ngày bầu cử trên cựu lục địa.
Facebook là kẻ tiên phong. Nó không ngần ngại thiết lập các phương tiện. Hơn 15.000 điều phối viên canh gác hay được báo động bởi khách hàng về các nội dung bị nghi ngờ lưu hành trên mạng. Tất cả còn được giám sát phía trên bởi một hệ thống trí thông minh nhân tạo.
Laurent Solly nói rõ: “Từ hai năm qua, chúng tôi đâu tư ồ ạt vào kỹ thuật cũng như nhân sự để bảo vệ toàn bộ tiến trình một cuộc bầu cử. Dĩ nhiên là chưa hoàn hảo, nhưng nỗ lực đã mang lại kết quả”.
Một nguy cơ cho dân chủ
Với một số người chống đối, vẫn còn chưa đủ. Chẳng hạn những người thân thích với Mark Zuckerberg như Aaron Greenspan, người đầu tiên có ý tưởng thiết lập một nhóm giáo sư đại học trên internet tại Harvard từ năm 2003.
Trong một báo cáo công bố vào tháng 1-2019, ông bạn cũ của “Zuck” (Zuckerberg) cho rằng phân nửa tài khoản là giả.
Anh ta mô tả một đế chế bịp bợm xây dựng trên “hệ thống tập trung lừa đảo và tuyên truyền cấp chính phủ lớn nhất, chưa bao giờ có”.
Những cáo buộc bị Facebook gạt phăng. Roger McNamee còn đi xa hơn nữa. Nhà đầu tư của Thung lũng Silicon, hỗ trợ tài chánh cho công ty khởi nghiệp từ năm 2007, bên cạnh ca sĩ Bono thuộc nhóm nhạc U-2 cũng là một trong những cố vấn của Zuck.
Theo anh ta, Facebook là một nguy cơ cho dân chủ và nhiều lần cảnh cáo bạn mình có thể bị lợi dụng vào năm 2016. Nhưng vô ích.
Anh ta kể lại trong quyển sách mang tên Zucked! Coi chừng tai họa của Facebook! Chính sự vận hành và thuật toán tìm kiếm của nó không chỉ thu hút người sử dụng internet, mà còn giúp họ tham gia trao đổi với những like, chia sẻ hay bình luận tạo ra cảm giác lo lắng hay thiếu thốn, nếu không thường xuyên sử dụng smartphone. Một dạng nghiện gọi là “Fomo” (fear of missing out – Lo sợ bị lỗi thời).
Theo anh ta, đã đến lúc phải phát động chiến dịch giải độc giống như chống thuốc lá vào cuối những năm 1990. Roger McNamee giải thích: “Thuật toán của nó khuếch đại phổ biến các nội dung gây ra sợ hãi và giận dữ. Trong thực tế, những cảm xúc của con người này khiến cho chúng ta hành động. Tất cả nhằm phục vụ mô hình kinh tế dựa trên quảng cáo của họ. Tất những nhượng bộ mà Mark làm ngày hôm nay chỉ là tượng trưng, chỉ cho phép bảo vệ tốt hơn cái cốt lõi hệ thống của anh ta. Nhưng cho đến khi nào?”.
Ông vua xin lỗi
Một thời gian sau scandal cuối cùng của Facebook, trên trang web có tên như thế (dayssincelastfacebookscandal.com) xuất hiện con số màu đen: 14.
Bên dưới là những cuộc phiêu lưu gây ồn ào mới nhất của trang mạng này qua nhiều tuần lễ, kèm theo số lần xin lỗi của Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook.
Anh ta chẳng chút buồn phiền nào cả! Trang mạng này chọc quê như vậy. Anh ta đã từng xin lỗi khi còn là sinh viên tại Đại học Harvard năm 2004 và tiếp tục như thế trước mặt các thượng nghị sĩ Mỹ vào năm 2018. Nhưng họ không tin anh ta nữa và yêu cầu từ nay phải hành động.
Facebook biết gì về bạn bè tôi, người tình của tôi, những nhãn hiệu tôi ưa thích? Muốn rõ ràng, tôi yêu cầu nó cung cấp dữ liệu cá nhân của mình, và nhất là danh sách các công ty khác đã lấy dữ liệu cá nhân của tôi.
Thật đáng kinh ngạc: hơn 80! Với các trang mạng âm nhạc Spotify, xem phim Netflix hay bóng đá Paris Saint-Germain, chẳng có đáng ngạc nhiên.
Tôi đã đăng ký và họ xin phép thu thập những thông tin này. Nhưng tôi cũng có tên trong danh sách của ngân hàng Tây Ban Nha Santander, một trò chơi điện tử của Trung Quốc, một huấn luyện viên thể hình trên Instagram… trong khi tôi chưa hề biết những trang này.
Các dữ liệu này đã bị đánh cắp? Hay tôi cho phép mà không đọc kỹ nội dung để những trang này sau đó lại bán cho những nơi khác nữa? Thật khó nói.
Mạng xã hội này giống như một cửa hàng tạp hóa khổng lồ chứa dữ liệu cá nhân mà tôi chẳng chút quan tâm. Còn chưa kể hoạt động của tôi trên Instagram và WhatsApp vốn cũng nằm trong túi tền của con quái vật Facebook.