Một cô gái đong đưa trên độ cao hơn 90 m với sợi dây thừng kéo căng giữa hai vực núi, bộ áo giáp bảo hộ của cô đã bị đứt. Cô thét lên khi sự cố nguy hiểm chết người xảy ra. Hy vọng duy nhất của cô là người hùng Sylvester Stallone dũng cảm đu vắt vẻo trên sợi thừng không vật bảo hộ để nắm lấy cổ tay cô gái sắp bị rơi, giữ cả sức nặng của cô bằng sức mạnh của anh.
Khoảnh khắc gây cấn này là một cảnh nổi tiếng trong phim Cliffhanger (1993, tựa tiếng Việt: Vách đá cheo leo). Dĩ nhiên, trong phần lớn những cảnh như thế nhà làm phim phải sử dụng hiệu quả đặc biệt. Nhưng đây là một trong những cảnh cascadeur hấp dẫn nhất trong lịch sử điện ảnh. Muốn đạt hiệu quả lôi cuốn này, đạo diễn phải hội đủ 3 yếu tố: tài chính, sự can đảm và nguy cơ chấn thương.
Trên thực tế, diễn viên Jason Statham đang vận động một chiến dịch nhằm kêu gọi trao cho những pha đóng mạo hiểm này một hạng mục giải Oscar riêng, công nhận những nguy hiểm và kỹ năng thông qua những pha cascadeur mạo hiểm do chính anh đã đảm nhiệm. Những diễn viên khác cũng có những màn cascadeur nổi tiếng của riêng họ như Tom Cruise và Daniel Craig. Sau đây là một số pha cascadeur tốn kém nhất trong điện ảnh.
1. Cảnh đu dây thừng trên không trung trong phim Cliffhanger
Trở lại với phim Cliffhanger năm 1993, đây là phim có nhiều cảnh đóng gây cấn ngoạn mục. Nổi bật nhất và được Sách Kỷ lục Guinness Thế giới xếp vào hạng mục pha cascadeur trên không tốn kém nhất lịch sử điện ảnh, đó là cảnh chàng cascadeur người Anh Simon Crane leo dây thừng giữa hai chiếc phi cơ đang bay ở độ cao gần 5.000 m và không có trang bị an toàn.
Cảnh này quá nguy hiểm đến mức khi biểu diễn, tập đoàn bảo hiểm cho bộ phim đã từ chối bảo hiểm cho cảnh đóng này của Crane vì nếu các phi cơ không giữ được tốc độ chính xác 150 dặm/giờ, nếu chúng bay nhanh hơn, sức gió có thể xé cơ thể của Crane ra thành các mảnh.
- Xem thêm: Bỏ nghề khi vẫn kiếm được tiền
Không khí cực lạnh và thiếu dưỡng khí, tạo thêm những cam go mà Crane phải chịu đựng. Sylvester Stallone, diễn viên cùng đóng phim và đồng viết kịch bản, đã cung cấp các thiết bị và trả thù lao cho cảnh diễn đặc biệt này là một triệu USD. Cuối cùng, tổng doanh thu của phim là 250 triệu USD trên toàn cầu, được đề cử 3 giải Oscar về âm thanh xuất sắc, biên tập hiệu quả âm thanh xuất sắc và hiệu quả thị giác xuất sắc nhất.
2. Cảnh nhảy dù trượt ski trong phim James Bond: The Spy Who Loved Me
Một cảnh đóng mạo hiểm trong phim The Spy Who Loved Me (1977), qua đó chàng James Bond do Roger Moore đóng đào thoát khỏi bọn khủng bố bằng đôi ski trượt tuyết, cuối cùng là màn nhảy dù từ sườn núi chót vót để hoàn tất cuộc đào thoát, pha nhảy dù ngoạn mục của anh đã chinh phục lòng hâm mộ lẫn thán phục của người xem phim.
Toàn bộ là cảnh có thực, người đóng thế cho Roger Moore là Rick Sylvester. Cảnh quay diễn ra trên đỉnh Asgard Peak ở đảo Baffin, Canada. Đoàn làm phim phải chờ đợi mấy ngày cho đến khi điều kiện thời tiết cho phép quay. Với các camera đặt ở mỗi góc độ, Sylvester bắt đầu màn trượt dốc, một số máy camera bị mất hình ảnh của anh sau khi anh nhảy xuống từ vực núi ở độ cao hơn 900 m. May mắn là có một camera còn quay được toàn bộ cảnh nhảy xuống của Sylvester, toàn cảnh pha nhảy dù nổi tiếng này đều để nguyên, không cắt.
Cựu cascadeur leo núi Sylvester đã trở thành một biểu tượng của thế giới sau pha diễn xuất này. Thù lao anh nhận được là 30.000 USD, với khoản tiền thưởng thêm do đã thực hiện hoàn tất và sống sót sau cảnh diễn.
3. Cảnh trèo nhà chọc trời trong phim Mission: Impossible – Ghost Protocol (Nhiệm vụ bất khả thi 4: Chiến dịch bóng ma)
Cảnh mạo hiểm này được thực hiện tại tòa nhà cao nhất thế giới. Một bản sao mini về tòa nhà đã được dựng lên để tập trèo, và người tập lẫn người biểu diễn chính đều do diễn viên Tom Cruise đảm nhiệm.
Cao ốc chính là Burj Khalifa ở Dubai cao 830 m. Quang cảnh trong cuốn phim năm 2011 này yêu cầu Tom Cruise phải leo trèo giống như một người nhện trên bề mặt ngoài của tòa nhà khi vai diễn Ethan Hunt của anh sử dụng cặp găng tay điện tử giúp bám dính vào mặt kính tòa nhà. Cảnh diễn yêu cầu mấy tuần lễ chuẩn bị, với một bản sao của Burj Khalifa dựng lên ở Prague để phục vụ thực tập leo trèo. Đến ngày quay, những dụng cụ bảo hộ đã được bố trí chung quanh địa điểm, bảo đảm an toàn cho Tom Cruise, đoàn phim và các camera; tuy đoàn quay phim đều ở cả phía bên trong, nhưng các cửa sổ đặc biệt đều phải mở ra để thu hình, làm tăng thêm nguy cơ là điểm biểu diễn nằm ở độ cao ngất trời 244 m.
Cùng với nguy cơ về sức gió, ở vị trí quay, nhiệt độ mặt kính mà Tom Cruise chạm vào thực sự có thể trực tiếp đốt cháy người anh. Thậm chí những đèn chiếu sáng khổng lồ kích cỡ 15 m mỗi cái đã được lắp đặt kèm với biến trở để mô phỏng ánh sáng mặt trời trong thời gian quay phim. Để khắc phục sự cố thiếu gió, một máy thổi gió đặc biệt với vận tốc 120 dặm/giờ đã được bố trí, làm cho tóc và quần áo của Tom Cruise bay phần phật trong gió. Cuối cùng, giá bảo hiểm cho một ngôi sao lớn như Tom Cruise lên đến 150 triệu USD.
4. Cảnh đua ngựa trong phim Ben-Hur
Cuộc đua ngựa vĩ đại trong phim Ben–Hur được xem là cảnh quay hoành tráng nhất của siêu phẩm điện ảnh này. Khi phim được chiếu ra thị trường vào năm 1959, Ben–Hur đã trở thành bộ phim có kinh phí tốn kém nhất vào thời đó, với ngân sách 4 triệu USD chưa từng có tiền lệ, chỉ riêng quang cảnh đua ngựa vĩ đại đã ngốn hết một phần tư trong toàn bộ ngân sách làm phim.
Cảnh diễn này bao gồm rất nhiều kế hoạch, huấn luyện, nhân lực và xây dựng phim trường. Công cuộc kéo dài đến vài tháng chuẩn bị với hơn 1.000 người. Các chuyên gia về đóng cảnh mạo hiểm do cascadeur nổi tiếng Yakima Canutt chỉ đạo làm việc với diễn viên hàng đầu Charlton Heston (đóng vai Ben-Hur) và những người khác trong mấy tháng để huấn luyện hoàn hảo 82 con ngựa được mang từ Nam Tư vào Rome để trình diễn.
Ngay từ ban đầu, những nhà làm phim đã nhận thấy rằng cảnh đua ngựa sẽ tạo được hiệu quả ấn tượng nhất cho bộ phim với dày đặc những chiếc xe ngựa phi nước đại. Bị bao quanh bởi những xe ngựa phi như bão tố, các máy quay phim và người điều khiển dễ bị nguy cơ va đụng hoặc bị hất đi bất cứ lúc nào. Riêng diễn viên Charlton Heston xuất hiện nhiều nhất với cảnh điều khiển chiếc xe đua bốn ngựa kéo, anh có sự hỗ trợ của cascadeur Joe Canutt, con trai của một cascadeur lão thành, người sẽ đóng thế anh trong một số cảnh.
Canutt đã suýt bị thiệt mạng trong một cảnh nổi tiếng, lúc anh nhảy qua chiếc xe ngựa đua bị sụp đổ; không nghe thấy tiếng quát của cha anh: “Nhanh quá! Nhanh quá!”. Canutt liều lĩnh nhảy xuống, va mạnh vào mặt trước chiếc xe ngựa đua, gần như nằm phía dưới bụng của những con ngựa đang sẵn sàng giẫm nát anh. May mắn là anh đã nắm được một thanh ngang và bò lên trở lại chỗ ngồi của người lái xe; chiếc cằm anh bị xây xát đẫm máu, phải khâu lại mấy mũi.
Nhờ vào cảnh đua ngựa nghẹt thở này và nhiều cảnh hoành tráng khác, cho đến nay phim Ben–Hur vẫn tiếp tục là một trong những phim có những thành tựu điện ảnh sáng chói nhất trong lịch sử.