Võ sư Thu Vân nhiều năm là trưởng khoa Cải lương Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh nhưng lại được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực võ thuật. Hơn 50 năm theo nghiệp võ, hiện là Chưởng môn Nguyễn Phương Danh – Thu Vân Quốc tế Võ đạo, bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất hai lần được Liên đoàn Võ thuật Quốc tế mời tham dự Đại hội Võ thuật Quốc tế Paris (Pháp).
Mới đây, bà đã trở thành hội viên của Tổng hội Võ thuật Thế giới, được tổ chức này mời đích danh tham dự Đại hội Võ thuật Quốc tế tại Mỹ vào tháng 7-2011. Bà cũng là nữ cascadeur đầu tiên của Việt Nam, tham gia nhiều bộ phim trong và ngoài nước.
Võ học mang lại cho bà nhiều thứ – tình yêu, sự quý trọng của bạn bè đồng nghiệp, cơ hội “xuất khẩu” võ thuật cổ truyền… với hai võ đường tại Pháp. Cũng chính võ học đã góp phần đáng kể trong hành trình bà giành lại sự sống từ tử thần.
Sắp bước sang tuổi 70, nhưng bà vẫn không ngừng hoạt động, âm thầm góp nhặt những tinh hoa của võ học, cũng như nghệ thuật cải lương, để lại cho đời.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu khi bà vừa kết thúc buổi học đầu tiên tại lớp võ dưỡng sinh ở Bệnh viện Y học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh.
____
Là chưởng môn một phái, đâu là lý do khiến bà quyết định ghi danh tập võ dưỡng sinh?
Cái gì chưa biết thì học. Còn học là còn có cơ hội tiến bộ. Bây giờ tôi lớn tuổi rồi, học dưỡng sinh giúp mình giữ sức. Thêm nữa, không khí tập luyện rất vui. Niềm vui của những người già. Các động tác trong dưỡng sinh trông thì chậm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều đòn thế. Ngoài dưỡng sinh, hiện tôi còn là môn sinh của phái Vịnh Xuân quyền.
____
Thông thường, người học võ chỉ đi theo một tông phái. Còn bà lại theo học khá nhiều môn phái?
Chuyện khá dài. Mùa xuân năm 1975, tôi được điều động về đoàn Cải lương Giải phóng lên đường vào Nam phục vụ chiến dịch. Sang năm 1976, tôi được bố trí làm việc tại khoa Cải lương, Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Cũng kể từ đó, tôi lần lượt gõ cửa nhiều võ đường xin thọ giáo. Mục đích của tôi không phải là để đấu đài, mà là vận dụng võ học vào múa và trình thức vũ đạo trong nghệ thuật sân khấu điện ảnh. Chẳng hạn, dựng vở Hoa anh đào người biên đạo cần biết đánh kiếm Nhật, dựng vở Tôn Ngộ Không tam đả Bạch Cốt Tinh phải rành côn thuật. Mặt khác, là người mê võ, nên tôi lo ngại tinh hoa võ thuật sẽ bị mai một, thất truyền khi các thầy khuất núi. Tôi cũng muốn lưu trữ những tinh hoa võ học cho sau này. Thành ra, tôi xin phép được quay phim, chụp hình khi các thầy biểu diễn.
____
Có vẻ như đây là trách nhiệm của ngành thể dục thể thao, hơn là của một cá nhân?
Có lẽ ngành thể thao còn nhiều mối quan tâm khác, cấp thiết hơn, nên chưa có những động thái thiết thực nhằm bảo tồn võ cổ truyền. Nhưng cứ trông chờ vào Nhà nước thì biết đến bao giờ, trong khi các thầy ngày càng già yếu.
____
Nói đi cũng phải nói lại. Những tuyệt chiêu của các môn phái cũng giống như cái “cần câu cơm”, đâu dễ truyền ra bên ngoài?
Đúng là việc thuyết phục các thầy truyền thụ những chiêu thức sở đắc là rất khó. Võ sư Sa Long Cương là một trường hợp. Chưởng môn phái Sa Long Cương này có một nguyên tắc là không biểu diễn võ thuật bên ngoài võ đường của mình, huống chi là chụp hình, quay phim. Vậy mà tôi thuyết phục được ông ấy biểu diễn trọn vẹn một bài kiếm. Giờ đây thầy Cương đã khuất núi, nhưng bài kiếm của thầy thì vẫn còn mãi, hiện được lưu giữ trên website của tôi (www.thuvanvodao.edu.vn).
____
Bà thuyết phục bằng cách nào?
Thái độ chân thành, sự kiên trì, chịu khó và không vụ lợi. Phần lớn những võ sư tôi thọ giáo đều chấp thuận cho tôi ghi hình.
____
Có thể hiểu còn một phần nhỏ khước từ nguyện vọng của bà?
Nhưng tôi không bỏ cuộc. Trong trường hợp này, tôi chọn giải pháp là đến võ đường ghi danh, nhập môn như những võ sinh bình thường khác.
____
Thọ giáo nhiều thầy như vậy nhưng tại sao môn phái của bà lại chỉ lấy tên là Nguyễn Phương Danh – Thu Vân Quốc tế Võ đạo?
Đối với những võ sư mà tôi có cơ hội thọ giáo sau này, tôi không phải là đệ tử chân truyền. Còn với võ sư Tám Danh, ông là người đầu tiên dìu dắt tôi vào nghiệp võ. Tôi vốn xuất thân là diễn viên cải lương. Năm 1959, ở tuổi 13, tôi theo học khoa Diễn viên Cải lương tại Trường Nghệ thuật Ca kịch Dân tộc Hà Nội. Năm 1962, tôi bị mất tiếng sau một cơn trọng bệnh. Cú sốc đó khiến tôi suy sụp. Với người diễn viên cải lương, mất giọng cũng giống như người lính tay không ra trận. Nhận thấy tôi có năng khiếu về võ thuật, thầy Tám Danh khuyên tôi chuyển sang học võ và trình thức vũ đạo cải lương (hiểu nôm na là dạy diễn viên cách tạo dáng trong diễn xuất, chẳng hạn đào văn thì đứng thế nào, đào võ đi ra làm sao, rồi say – ghiền – điên – loạn…). Sang năm 1964, tôi trở thành giảng viên bộ môn này. Nghệ danh Thu Vân cũng là của thầy Tám Danh đặt cho. Nhờ theo nghiệp võ nên tôi vẫn còn cơ hội gắn bó với ánh đèn sân khấu. Đương nhiên, mình chỉ vào những vai phụ, không đòi hỏi phải ca. Thí dụ như vào vai chim hạc. Cũng nhờ vai diễn nhỏ này mà trong một lần đi biểu diễn ở Trường Sĩ quan Lục quân tại tỉnh Bắc Ninh, tôi đã gặp được người đàn ông của đời mình. Anh là người Bến Tre, tập kết ra Bắc.
____
Một người phụ nữ gốc Bắc, đam mê quyền cước, làm dâu phương Nam thì thế nào nhỉ?
Lần đầu tiên về ra mắt nhà chồng, vừa vào bếp là tôi thú nhận liền với mẹ chồng rằng mình rất dở chuyện nữ công gia chánh, ngoài múa võ ra chẳng biết làm gì. Được mẹ chồng khích lệ, tôi nhặt hai thanh củi, đi một bài song đao. Không ngờ gia đình bên chồng tôi đều là những người rành võ nghệ. Thành ra, mẹ chồng tôi tỏ ra vô cùng thích thú. Khi tôi ngừng múa, bà còn bổ khuyết cho tôi một số chỗ khiếm khuyết. Lúc ấy, tôi òa khóc. Tôi kể với bà rằng mình mồ côi mẹ từ lúc lên năm. Chịu tang mẹ xong, gia đình gửi tôi đi sơ tán, bắt đầu cuộc sống tập thể cho đến ngày lấy chồng. Sau này mẹ chồng rất cưng tôi, bà dạy tôi từ cách nạo trái dừa, cho đến chuẩn bị một mâm cơm.
____
Cũng nhờ võ mà bà có hai võ đường ở Paris?
Hai võ đường đó không phải của tôi, cũng như không hề có bất kỳ quyền lợi và ràng buộc với hai võ đường này. Chủ nhân hai cơ sở đào tạo võ thuật này là hai người khác nhau, trong đó có một người Việt và một người Pháp.
____
Vậy tại sao hai võ đường này lại mang tên Thu Vân Quốc tế Võ đạo?
Năm 1998, võ sư Vĩnh Long có mời tôi qua dạy tại võ đường của ông ấy. Lúc ấy, hai chủ võ đường này còn là môn sinh. Khi tôi về nước, họ theo qua Việt Nam, học thêm tôi. Khi ông Vĩnh Long qua đời, hai người này đứng ra thành lập võ đường riêng, có mời tôi qua Paris thêm hai lần nữa, để huấn luyện cho võ đường của họ.
____
Bà có giấu nghề không?
Không. Tôi quan niệm truyền (võ) là trao. Mình chết có mang đi được đâu. Vả lại, môn sinh toàn là người nước ngoài. Họ rất sòng phẳng. Nếu thấy rằng mình không mang lại cho họ giá trị mới thì họ chỉ mời mình một lần thôi, không bao giờ có lần sau. Cũng nhờ những tuyệt chiêu học hỏi từ các thầy mà tôi chế ngự được các môn sinh nước ngoài, khiến họ tâm phục khẩu phục. Điều tôi buồn nhất là khi người nước ngoài đến tham quan võ đường của chúng ta, vừa đưa máy quay lên là mọi người ngồi thụp xuống, không tập nữa. Họ nói rằng chúng tôi muốn tuyên truyền võ thuật của các bạn, nhưng các bạn lại giấu, thì làm sao chúng tôi giới thiệu cái hay của các bạn đối với thế giới.
Nói tiếp câu chuyện về hai võ đường tại Paris. Năm 2003, khi đang tham gia một bộ phim, tôi thường xuyên bị đau ngực. Đi khám mới hay mình bị ung thư, khối u dài 6cm, bắt đầu di căn lên não. Biết tin tôi mắc bệnh nan y, hai người chủ võ đường ấy quyết định đổi tên võ đường thành môn phái của tôi, như một lời cảm ơn, một niềm an ủi, động viên tôi trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Tôi quan niệm truyền (võ) là trao. Mình chết có mang đi được đâu.
____
Từ thời điểm phát bệnh đến nay cũng đã gần tám năm. Bệnh trạng của bà hiện nay ra sao?
Theo các bác sĩ thì tôi khá ổn, đến thời điểm này thì tế bào ung thư không còn phát triển nữa.
____
Bà điều trị bằng cách nào?
Vừa hoàn tất cảnh cuối của phim thì tôi lên bàn mổ. Sau khi phẫu thuật khoét một phần bầu ngực, tôi tiến hành hóa trị theo chỉ định của bác sĩ. Vô hóa chất nên người rất mệt, mình lại lớn tuổi, nên sức khỏe ngày càng suy kiệt. Một môn sinh của tôi ở dưới Bến Tre mách tôi uống huyết rắn hổ mang đất. Để khỏi bị tanh, sau khi cắt đuôi con rắn, hứng huyết vào trái dừa dâu, rồi uống liền. Bài thuốc này giúp tôi phục hồi thể lực, nhưng chỉ hiệu nghiệm đối với những người đã trải qua phẫu thuật như tôi, còn những bệnh nhân ung thư chưa qua phẫu thuật thì không nên áp dụng. Một người bà con của tôi, cũng bị ung thư nhưng chưa phẫu thuật, sau khi bắt chước tôi thì khối u phát triển rất nhanh, vì trong huyết rắn có rất nhiều chất dinh dưỡng, kích thích tế bào ung thư phát triển. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, tôi vẫn tập khí công hằng ngày. Thành ra, điều trị theo cách nào thì tôi không dám nói, bởi y học không phải chuyên môn của tôi.
____
Ung thư được xem như án tử hình. Khi biết mình mắc bệnh, có bao giờ bà cảm thấy nản, muốn buông xuôi?
Có. Tôi chán nản. Thế nên, thời gian này tôi thường xuyên đi chùa, ghé thăm những mái ấm, nhà mở, những cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ, hoặc trẻ bị khuyết tật. Tiếp xúc với các em, lắng nghe tâm sự của các em, tôi nhận ra bệnh tật của mình chưa thấm tháp gì đối với nỗi bất hạnh của các em. Vậy mà trong khi các em vui vẻ thì bà già gần kề miệng lỗ như mình lại rầu rĩ. Cái vòng sinh diệt chẳng buông tha ai bao giờ. Nghĩ được đến đó thì tự nhiên tinh thần mình lên lại. Tôi ở lại chùa dạy võ cho các em, dạy các em múa lân, dạy các em đờn, hát… Khi đứng lớp, tự nhiên bệnh tật bỏ tôi đi chơi chỗ khác. Chính niềm vui của các em đã tiếp thêm cho tôi nghị lực trong hành trình giành lại sự sống. Tôi có một niềm tự hào nho nhỏ là trong những môn sinh của mình, có cả những em bị khiếm thính, khiếm thị… ngồi xe lăn.
Khi đứng lớp, tự nhiên bệnh tật bỏ tôi đi chơi chỗ khác. Chính niềm vui của các em đã tiếp thêm cho tôi nghị lực trong hành trình giành lại sự sống.
____
Bà có thể nói rõ hơn làm cách nào để có thể dạy cho những đối tượng kém may mắn này?
Tôi nhớ buổi đầu đứng lớp, theo thói quen, mình nói: “Các con nhìn bà này…”. Một em lên tiếng: “Con nhìn thấy bà thì con chết”. Tôi biết mình lỡ lời. Tập cho các em vừa phải kiên trì, vừa phải thận trọng từng lời ăn tiếng nói, để không đụng chạm đến nỗi bất hạnh của các em. Những em mù không nhìn thấy động tác, mình dạy bằng xúc giác, cầm tay từng em để đưa ra một tư thế. Những em khiếm thính thì tuy nhìn thấy, nhưng lại không nghe được, không hiểu mình muốn nói gì. Thế nên, phải “cầm tay chỉ việc” cho từng người. Đến khi dựng các trích đoạn lịch sử như Trần Quốc Toản ra quân, Cờ lau tập trận… còn mệt nữa.
Còn với những em bị liệt, không thể tập võ được, tôi dạy các em múa lân. Theo đó, em ngồi xe lăn cầm đầu lân, em khiếm thính đẩy xe, còn em khiếm thị thì cầm đuôi lân, chạy theo rũ. Khi tiết mục của các em được phát sóng trên truyền hình, nhiều người đã không cầm nổi nước mắt. Còn tôi thì mỉm cười.
____
Nhìn lại thì thấy bà “được” nhiều từ nghề võ. Thế còn “mất” thì… có không, thưa bà?
Có. Tôi luôn mang trong mình mặc cảm là người có lỗi với chồng, với con. Khi phát bệnh, tôi bày tỏ tâm nguyện tập hợp những tư liệu mà mình góp nhặt mấy chục năm, in sang thành băng đĩa rồi xây dựng một website để lưu trữ tư liệu. Ước nguyện của tôi là những người yêu mến võ thuật và nghệ thuật cải lương có thể dễ dàng tiếp cận kho tàng này. Để có kinh phí, tôi đã xin chồng con bán căn nhà đang ở, mua một căn nhà nhỏ hơn. Các con tôi phản đối quyết liệt. Nếu bán nhà để trị bệnh cho tôi thì đã đành, đằng này lại dùng vào một việc bao đồng, không phải trách nhiệm của mình. Chỉ có chồng tôi là ủng hộ. Sau khi xây dựng xong trang web, in sang được một phần số lượng băng đĩa thì anh ấy qua đời. Trước lúc nhắm mắt, anh ấy chỉ tiếc là chưa hoàn thành tâm nguyện của tôi.
____
Bệnh tật, tuổi tác đã cao, tâm nguyện thì còn dang dở. Vậy mà bà còn cáng đáng thêm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO võ thuật cascadeur điện ảnh đa truyền thông trong bối cảnh nghề này đang đi vào giai đoạn thoái trào?
Nếu nói về khó khăn thì không ai muốn theo đuổi nghề đóng thế. Cascadeur là một công việc vất vả, thu nhập đã thấp lại không ổn định. Rủi ro chấn thương rất cao. Nhưng biết làm sao khi nghề đã ngấm vào máu, say lắm, không bỏ được. Tôi già thế này rồi mà vẫn mê. Đồng nghiệp cần là đi. Thời gian mang bệnh, gia đình và bác sĩ yêu cầu tôi ngừng các hoạt động xã hội, tập trung điều trị. Có lần đang ở trong bệnh viện chờ xạ trị, thì đồng nghiệp điện thoại báo tin đã chuẩn bị xong, chỉ chờ tôi đến là bấm máy cảnh một bà già bị tung xe. Tôi nói con gái tôi chờ ở ngoài, vờ vào phòng xạ trị, cởi áo bệnh nhân, rồi đi cửa sau đón xe ôm ra hiện trường. Diễn xong là đón xe ôm quay lại bệnh viện, lại thay áo bệnh nhân, đi ra. Nhưng thuốc đỏ dùng làm máu giả còn bám trên đầu, không kịp tẩy trang, nên con gái tôi biết, khóc quá trời. Vừa giận, vừa thương mẹ.
____
Vậy chừng nào bà mới tính đến chuyện nghỉ ngơi?
Đã mang lấy nghiệp vào thân, có chết trên sàn tập, sàn diễn vẫn hơn chết trên giường bệnh. Nếu ngồi yên một chỗ, có lẽ tôi đã không sống được đến bây giờ. Thêm nữa, bây giờ phong trào đang lên, nhất là sau khi diễn ra Đại hội Võ thuật Quốc tế tại Bình Định với sự góp mặt của 36 nước. Khó khăn lắm mới có cơ hội gầy được phong trào, nghỉ ngang thì uổng lắm. Quỹ thời gian của mình có hạn. Trời cho sống được ngày nào thì ráng làm. Hiện tôi đang theo đuổi kế hoạch đưa võ cổ truyền vào học đường, đã tổ chức được hai lớp ngoại khóa ở bậc tiểu học và trung học cơ sở tại Trường Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình. Quý lắm.
Đưa võ vào học đường là một hình thức giáo dục, bảo tồn và phát huy truyền thống.
____
Làm thế nào mà bà thuyết phục được nhà trường?
Tôi dẫn một học trò của mình đến biểu diễn. Em mới sáu tuổi, theo học tôi được hơn một năm, nhưng đã biểu diễn thuần thục một số bài đao pháp, cước pháp, quyền pháp. Màn biểu diễn của em đã thuyết phục được ban giám hiệu ngôi trường này. Tôi muốn chứng minh rằng võ thuật cổ truyền phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Qua những bài học, tôi lồng ghép vào những câu chuyện về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là giai đoạn thử nghiệm. Khát vọng của tôi là đưa võ thuật cổ truyền vào chương trình đào tạo chính khóa, thay thế cho môn thể dục. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh cũng cho con cái đi học võ tại các trung tâm. Như vậy nhu cầu là có. Nếu không ham thích võ thuật thì chí ít cũng giúp các em rèn luyện sức khỏe. Để khuyến khích các em học võ, tôi và giáo sư Trần Văn Khê đang tính toán phương án kết hợp giữa võ thuật cổ truyền và âm nhạc dân tộc, gọi là võ nhạc. Theo đó, các môn sinh sẽ biểu diễn võ thuật theo những giai điệu âm nhạc dân tộc. Làm được điều này thì vẹn cả đôi đường, vừa giúp các em rèn luyện sức khỏe, vừa bồi dưỡng tâm hồn. Đưa võ nhạc vào học đường là một hình thức giáo dục, bảo tồn và phát huy truyền thống.
Ngoài ra, tôi cũng đang xúc tiến ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, nơi tôi từng làm việc nhiều năm sau khi nghỉ hưu, để đưa võ cổ truyền vào chương trình giảng dạy. Đây cũng là một trong những cơ sở đào tạo đại học có hệ cử nhân võ đạo.
____
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.