Hai giáo sư người Ý nước da đỏ au, đi vòng vòng trong họa thất. Họ không giảng bài, chỉ xem và rồi thỉnh thoảng hỏi chuyện sinh viên kiến trúc Việt Nam, chỉ mới năm hai năm ba, đang tụ tập thành 10 nhóm làm việc ở những chiếc bàn khác nhau.
Các “đệ tử” của Leonard De Vinci chia sẻ những điều họ chiêm nghiệm ở Ý và các nước khác về ý tưởng và phương pháp thiết kế đô thị. Tôi cứ ngỡ mình đang ở một đại học Âu Mỹ nào đó. Càng thích thú hơn khi thấy trên các bản vẽ, mô hình và qua câu chuyện trao đổi, là hình ảnh của một Sài Gòn nối kết ba chiều: quá khứ – hiện tại và tương lai!
Công xưởng thiết kế đô thị di sản
Tổng lãnh sự Ý và Tập đoàn thiết kế SCE đến từ Milan cùng hai Đại học Kiến trúc TP.HCM và Văn Lang đã có một cuộc thi thiết kế mới lạ chưa từng có. Đó là thi thiết kế “Khu phố di sản trong thành phố thông minh”.
Ngay cách tổ chức cuộc thi cũng là một cuộc chơi đồng đội kỳ thú: sinh viên hai trường trộn lẫn nhau thành 10 nhóm để làm đồ án + các giáo sư Ý và Việt Nam hướng dẫn + ban giám khảo quốc tế. Thêm nữa, cuộc thi là hoạt động “song sinh” cùng lúc với hai cuộc hội thảo lớn về kỹ thuật giữ gìn di sản và kinh tế di sản – tập hợp nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, vẫn mở rộng cửa cho sinh viên đến dự.
Trong gần một tuần, sinh viên đã biến một họa thất chưa đầy 100m2 của Đại học Kiến trúc TP.HCM thành một “công xưởng” để tái tạo di sản theo cách của mình. Khắp gian phòng la liệt các hình ảnh tư liệu Sài Gòn xưa và nay, không ảnh Google, bản đồ, bản vẻ phác thảo, mô hình thu nhỏ…
Sinh viên – người vẽ tay, người cắt giấy, người làm đồ họa trên laptop. Không khí làm việc sôi nổi, vui vẻ, nhất là khi có các giáo sư Ý ghé lại xem và hỏi chuyện.
Nhìn các sinh viên làm việc trong họa thất, tôi bỗng tự hỏi xa xưa các kiến trúc sư Pháp – những người kiến tạo quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn từ những năm 1860, 1870, 1880 và rồi 1900 trở đi đến 1940 đã làm việc thế nào? Thời ấy, công cụ trợ giúp họ chỉ là sách vở và có lẽ phương tiện hiện đại nhất là khinh khí cầu, rồi những chiếc “máy bay bà già” giúp họ nắm bắt từ không gian hình ảnh tổng thể Sài Gòn.
Vậy mà, các bản vẽ do họ để lại cho thấy họ phác họa và trong thực tế đã xây dựng được một Sài Gòn mỹ lệ. Sang những năm 1950 cho đến 1975, nhiều kiến trúc sư Việt Nam tài hoa đã nối tiếp xuất sắc công việc quy hoạch và điểm trang thành phố này. Họ để lại một Sài Gòn vừa giữ được “dấu ấn Pháp”, vừa hài hòa vẻ đẹp cổ điển và các đường nét hiện đại cuối thế kỷ XX. Ngày ấy, các kiến trúc sư Pháp và Việt Nam đều ở tuổi thăng hoa 30-40.
Còn bây giờ, các bạn sinh viên kiến trúc tuổi đôi mươi, các bạn dự kiến kết nối thế nào quá khứ thế kỷ XIX-XX với hiện tại và tương lai của thế kỷ XXI?
Những ý tưởng đột phá và táo bạo
Xem kỹ lưỡng các bản vẽ và sa bàn thuộc 10 đồ án dự thi, được trưng bày tại hai cuộc hội thảo kể trên, có thể thấy các sinh viên đem đến nhiều ý tưởng mới – không “hiền hòa” chút nào.
Trong mắt tôi, táo bạo nhất là đề án làm một “Đường đi bộ trên không” của nhóm Prei Nokor 4.0. Đó là một chiếc cầu giống như một dải lụa đào, bắc từ Thủ Thiêm sang phía đối diện là bến tàu Bạch Đằng – công trường Mê Linh, sau đó tiếp nối ngoạn mục, qua đường Phan Văn Đạt đến Mạc Thị Bưởi và luồn ra đại lộ Nguyễn Huệ. Chiếc cầu ở giao lộ này sẽ xoay tròn như một vòng xoay trên không.
Đặc biệt, đại lộ Nguyễn Huệ được các bạn biến thành dòng kênh, với nhiều tiểu đảo cây xanh, chạy dọc bờ kè, lượn hình uốn khúc.
Các bạn muốn tái tạo hình ảnh kênh Chợ Vải – kênh Charner đã biến mất những năm 1880. Một con kênh xanh và một đường đi bộ trên không, cả hai cùng uốn lượn quanh các tòa nhà di sản cổ điển và các cao ốc hiện đại. Thơ mộng, thông minh đồng thời rất thiết thực, vì qua đó tạo thêm nhiều giá trị chưa từng có về cả văn hóa và kinh doanh.
Trong khi đó, ba nhóm Curve Line (Đường cong), History Stream (Dòng chảy lịch sử ) và The Line of History (Đường kẻ lịch sử), cùng thiết kế trục bờ sông Sài Gòn từ công trường Mê Linh đến cảng Khánh Hội trở thành một trục lịch sử – văn hóa – kinh tế rất hấp dẫn bằng những phương án khác nhau.
Nhóm Curve Lines quan niệm cần nối kết cả bốn không gian liên hoàn: bán đảo Thủ Thiêm, đường dọc bờ sông Sài Gòn, quận 1 và quận 4. Tại vị trí Cột cờ Thủ Ngữ, các bạn thiết kế một cầu đi bộ hình tam giác nhô ra bờ sông như một ban công, hay một mũi tàu giao thoa giữa sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé. Từ vị trí bến Nhà Rồng dọc theo cảng Sài Gòn đến vị trí dự kiến cầu Thủ Thiêm 3, các bạn quy hoạch thành công viên và bảo tàng, khu thể thao, “chợ làng” (phục dựng chợ xưa Khánh Hội), các cửa hàng phục vụ du khách.
Rõ ràng, khu bờ sông tân kỳ này vừa kết nối được cảnh quan xưa và nay, vừa tạo nên nguồn sinh lợi mới để quận 4 xóa đi hình ảnh lụp xụp bên cạnh quận 1 nguy nga.
Nhóm History Stream, đề xuất toàn bộ đất từ bến Nhà Rồng đến cầu Thủ Thiêm sẽ là công viên lịch sử. Nơi đây sẽ thể hiện dòng chảy biến đổi Sài Gòn từ trước khi Pháp đến sang thời Pháp thuộc, thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa và sau đó, rồi Sài Gòn thế kỷ XXI.
Nhóm The Line of History điểm danh một loạt di tích, cột mốc ký ức dọc theo bờ sông từ công trường Mê Linh (Bến Ngự thời Khmer) đến Thủy đài Khánh Hội, coi đó là những chấm son nối thành một đường kẻ lịch sử. Đây là khu vực cần kết hợp thành một dãy công viên văn hóa, gắn kết cả ba chiều thời gian, và sức mạnh của cả quận 1 và quận 4.
Xem đề án của các nhóm thiết kế mới khu vực bờ sông và bến cảng Sài Gòn, tôi chỉ tiếc tại sao các bạn không đưa vào khởi điểm khu vực này chính là Ba Son? Phải chăng Ba Son là di sản không còn cơ hội khôi phục?
Những thiết kế trẻ cần giới thiệu ở tòa lâu đài đẹp nhất Sài Gòn
Hai nhóm Break the Boundaries (Phá bỏ ranh giới), Ship of Heritage (Con đường di sản), nghiên cứu khu vực hai con đường song song Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn, quanh Dinh Gia Long (Bảo tàng TP.HCM), Dinh Thượng Thơ (Sở Thông tin và Truyền thông), trụ sở UBND TP.HCM và Tòa án TP.HCM.
Các bạn tái phát hiện đây là khu hành chính thời Pháp ra đời từ những năm 1860-1880, hoàn toàn có thể trở thành khu hành chính kết hợp di sản. Mặt khác, đó còn là khu cây xanh kết hợp thư giãn và sáng tạo, khu văn hóa kết hợp thương mại.
Theo cả ba nhóm, khu vực từ đường Lý Tự Trọng – Nguyễn Du (Tòa án và Thư viện) mở rộng sang đường Lê Thánh Tôn từ góc Pasteur kéo đến công viên Chi Lăng cần trở thành khu vực đi bộ và không xây thêm cao ốc hiện đại. Ở khu vực này, các tòa nhà cổ kể trên đều cần được giữ lại và bổ sung chức năng bảo tàng. Hai công viên Bạch Tùng Diệp, công viên Chi Lăng và các cây xanh trong khu vực này đều cần được giữ gìn không chỉ vì màu xanh mà còn là hình ảnh ký ức quý giá.
Nhóm Ship of Heritage thiết kế khu vườn sau Dinh Gia Long trở thành khu làm việc chung cho sáng tạo và khởi nghiệp.
Các nhóm Blue Corridor (Hành lang xanh), Downtown Generation (Thế hệ khu phố trung tâm), Through the Dire (Xuyên qua những nơi kỳ thú), Pepiphery (Góc nhọn) đưa ra các đề án kết nối di sản ở khu trung tâm, bao gồm hai đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng.
Nhóm Downtown Generation chú ý các con đường được viền bởi các hàng me xanh, coi đó là một biểu tượng độc đáo của Sài Gòn. Các bạn đề xuất đó sẽ là một trục đi bộ mới, nối thành một hình chữ nhật lớn, bao gồm bên trong một loạt kiến trúc xưa và nay.
Xem cách các bạn suy nghĩ và đề án thiết kế, tôi nghĩ rằng không những Sở Quy hoạch và Kiến trúc mà ngay cả các công ty địa ốc, công ty thiết kế đều đang có một nguồn lực năng động và thanh xuân, sẵn sàng tham gia chỉnh trang đô thị, bảo tồn các công trình di sản, xây dựng những công trình mới hài hòa xưa và nay. Các đề án của cả 10 nhóm sinh viên trong cuộc thi này, cần đưa vào triển lãm ngay tại trụ sở UBND thành phố – tòa lâu đài mà các bạn rất trân trọng như một viên ngọc lộng lẫy nhất trong các đề án của mình.
Lịch sử về mọi mặt, trong đó ngay cả một lĩnh vực cụ thể là quy hoạch và thiết kế, cũng luôn cần được tiếp nối và tiếp sức bởi chính những người trẻ.