Cuộc sống luôn ẩn chứa những nghịch lý thú vị, như càng nhiều lựa chọn bạn sẽ càng có ít sự thỏa mãn, càng học nhiều bạn càng thấy mình còn biết quá ít, hay càng gặp nhiều thất bại bạn càng dễ có được thành công.
Trong vấn đề tài chính, cũng tồn tại những nghịch lý thú vị như vậy. Những nghịch lý đôi khi chính là thứ khiến chúng ta dù cố gắng và nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không hoàn thành được mục tiêu tài chính mà mình kỳ vọng.
Nếu cứ phải làm việc chăm chỉ cả đời, bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có
Ric Elderman, chuyên gia tài chính cá nhân, đồng thời là chủ tịch công ty tài chính Edelman Financial Services, cho rằng, việc chúng ta phải làm việc chăm chỉ cả đời là biểu hiện cho sự thiếu thông minh và hiểu biết trong vấn đề tài chính, và đó là nguyên nhân khiến chúng ta khó đạt được sự giàu có.
“Từ nhỏ chúng ta đã được dạy câu chuyện của kiến và ve sầu. Đó là phải chăm chỉ, cần mẫn và như chú kiến, không được rong chơi như con ve, để đến mùa đông chúng ta không bị chết đói. Tuy nhiên, trong vấn đề tài chính, làm việc chăm chỉ như chú kiến suốt đời sẽ không giúp bạn trở nên giàu có. Bởi thực ra đó chỉ là nửa đầu của vấn đề. Nghịch lý tài chính, là vì phải làm việc chăm chỉ cả đời nên bạn không có thời gian cho tiết kiệm, đầu tư và tạo nên các kế hoạch cho tương lai nhằm khiến tiền bạc làm việc cho bạn. Có chăng, làm việc chăm chỉ cả đời, bạn có thể dành dụm tiền và đầu tư ở những kênh đơn giản, an toàn với mức lãi suất 5 – 6%/năm, thực ra chỉ đủ để bạn tránh được phần nào tác động của lạm phát, chứ không thể giúp bạn giàu có.
Tất nhiên, tôi không nói rằng lười biếng tạo ra giàu có. Những người giàu luôn làm việc cực kỳ chăm chỉ ở giai đoạn đầu, họ có thể làm việc hơn 70 giờ một tuần, ròng rã vài năm trời, nhưng họ luôn hiểu rằng mình không làm việc chăm chỉ mãi như thế cho tới cuối đời. Khi đã đủ kỹ năng và tiềm lực để khiến tiền bạc làm việc cho mình, họ giảm năng suất làm việc lại, chỉ còn làm vì đam mê và sở thích”.
Hạn chế thu nạp thêm kiến thức trong giai đoạn thực hiện kế hoạch
Đó là lời khuyên của Chad Carson, chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ. Thay vào đó, hãy bắt tay vào việc hành động, tạo những thói quen tốt cho bản thân, càng sớm càng tốt.
“Tôi không nói rằng việc học hỏi, thu nạp thêm những kiến thức tài chính là một điều hữu hạn và bạn nên dừng chúng lại khi cảm thấy đủ. Không bao giờ là đủ cả. Nhưng cần hiểu rằng, một khi kế hoạch tài chính đã được lập ra, bạn nên chuyển sự tập trung vào hành động, tập những thói quen tốt và thực hành kế hoạch tài chính của mình”.
Trong việc giảng dạy và tư vấn, Chad Carson nhận ra một nghịch lý thú vị, đó là sau khi lập kế hoạch tài chính, những học viên và khách hàng nào càng dung nạp thêm kiến thức bao nhiêu thì càng ít hoàn thành được mục tiêu bấy nhiêu. Họ cứ như kiểu đứng núi này trông núi nọ, lo lắng và phân vân, để rồi không có thời gian hành động và kết quả là chẳng đi đến đâu cả.
“Để hoàn thành mục tiêu tài chính, bạn cần 80% hành động và chỉ 20% sự hiểu biết – dồn vào giai đoạn lên kế hoạch và nghiệm thu thành quả. Khi lập kế hoạch tài chính, nếu không chắc chắn, bạn có thể chia nó ra những phần nhỏ thử nghiệm. Một tháng, hai tháng hay ba tháng. Tạo ra những khoảng nghỉ nhỏ để tổng kết, rút kinh nghiệm, tìm gặp chuyên gia tư vấn và đọc sách thêm để tự hoàn thiện. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bạn phải hành động. Chỉ có thôi đắn đo, tập trung vào hành động, hoàn thành mục tiêu, mới là thứ quan trọng nhất giúp bạn đạt được mục tiêu”.
Nếu ghét người giàu, bạn không thể giàu có
“Sự giàu có luôn bắt nguồn từ suy nghĩ. Và có một nghịch lý, rằng bạn càng ghét người giàu, xem thường và đánh giá thấp họ bao nhiêu, thì bạn càng khó giàu có bấy nhiêu. Bởi bạn không thể ghét hình ảnh mà bạn muốn trở thành trong tương lai”.
Theo Christian Roach, chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ, tác giả quyển sách Becoming Superhuman (tạm dịch: Để trở thành siêu nhân), thì việc ghét người giàu là điều vô nghĩa và không nên nhất mà chúng ta phải từ bỏ, nếu muốn trở thành người giàu có.
“Người giàu luôn có thứ để chúng ta học hỏi. Chúng ta có thể không thích họ, nhưng nên tôn trọng họ. Dành sự tôn trọng cho họ, chúng ta sẽ có được thái độ đúng mực để nghiên cứu, thậm chí là kết thân và nhận ra điều gì khiến họ giàu có, từ đó học hỏi cũng như noi gương cho hành trình kiếm tìm sự giàu có của mình.
Tất nhiên, không phải tất cả người giàu đều trong sạch và có những bài học bạn muốn noi gương. Chỉ cần nhìn vào thời gian giàu có của họ và những người xung quanh họ, như con cái và những người cấp dưới, bạn cũng nhận ra được một người giàu bằng cách nào. Điều quan trọng, là hãy luôn nhớ, phương pháp tốt chưa chắc tạo ra sự giàu có, nhưng sự giàu có chắc chắn ẩn chứa một phương pháp tốt, một phương pháp bạn có thể học hỏi để thay đổi cuộc đời bạn, giúp bạn có được cuộc sống như mình mong muốn”.
- Tuấn Thành
Xem thêm:
Những thói quen tốt cho mục tiêu tài chính
Những vấn đề tài chính dễ lầm tưởng
Ba câu hỏi thường gặp về tài chính cá nhân