Facebook là một trong 4 mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay tại Mỹ. Ngoài những gì đã biết, trang mạng này còn chứa đựng cả những điều bất an.
Tham khảo nhanh về Facebook
Theo trang tin Listverse, hàng ngày có tới hơn 1,2 tỷ người “lên phây” hay 2,23 tỷ người dùng trên quy mô toàn thế giới, khiến Facebook trở thành nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất hành tinh hiện nay.
Đây là sản phẩm của Facebook, Inc. (Mỹ), công ty do Mark Zuckerberg, cùng các bạn học ở Đại học Harvard là Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes thành lập, có trụ sở tại Menlo Park, California, và được xem là 4 ông lớn (Big Four) trong ngành công nghệ thông tin Mỹ những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, 3 công tay kia là Amazon, Apple và Google.
Theo trang tin Webwise (Anh) tuy là mạng xã hội “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Facebook lại thiên về một trang web với nhiều tính năng tiện ích trong việc kết nối hay một app (ứng dụng) được cài trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Chỉ cần có trong tay máy tính hoặc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, người dùng có thể khai thác được Facebook.
Người ta dùng Facebook để chia sẻ thông tin hoặc bất kỳ những gì họ muốn, thậm chí có thể dùng Facebook để phục vụ mục đích kinh doanh, quảng cáo… Ngay cả các chính khách nổi tiếng như tổng thống, người đứng đầu quốc gia hoặc các ca sĩ, dân thường cũng dùng hay có trang Facebook riêng. Chỉ cần qua các thủ tục đăng ký đơn giản là có thể sở hữu ngay một trang Facebook.
Nguyên thủy, phiên bản Facebook là tiếng Anh, nhưng có thể chuyển đổi sang tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác để tiện sử dụng. Do sản phẩm mang tính toàn cầu nên Facebook rất phổ thông, tiện lợi, ai cũng có thể dụng được. Không phải mọi thông tin của người dùng được công khai nó có thể thiết lập theo ý cá nhân, cái nào cần công khai, cái nào không hoặc công khai một phần đều do chủ nhân quyết định.
Vài sự thật đáng ngại về Facebook
1. Facebook thu lợi từ hoạt động khủng bố?
Năm 2018, một nhà báo đang làm việc tại Facebook đã tiết lộ một sự thật. Năm 2010, phóng viên này được nhận vào làm việc tại một công ty CPL Resources (CPL) có trụ sở tại Dublin. Đây là phân ban chuyên phụ trách đào tạo của Facebook. Phóng viên này đã bí mật thu thập tài liệu cho một bộ phim tài liệu của Kênh Channel 4 có tên là Inside Facebook: Secrets of the Social Network (Bên trong Facebook: Bí mật của mạng xã hội) và phát hiện thấy những chuyện động trời của mạng xã hội này.
Chuyên viên đào tạo của CPL đã cung cấp cách để những kẻ chống đối xã hội viết các dạng bài xúc phạm. 2 ví dụ được CPL đưa ra như cảnh quay thực của một đứa trẻ đang bị một người đàn ông trưởng thành đánh đập. Năm 2012, video clip được gắn cờ là không phù hợp. nhưng không hiểu sao vẫn trôi nổi trên Facebook.
Ví dụ kia là một meme (meme là một quan niệm, hành vi, hoặc phong cách lan truyền từ người này sang người khác trong một nền văn hóa) đăng một bé gái bị chết đuối kèm theo dòng chú thích: “Khi con gái bạn bắt đầu thích một cậu bé da đen”. Khi Channel 4 đưa thông điệp này lên công luận, ngay lập ức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Cả 2 thông tin trên thực sự có hại cần xóa, nhưng không hiểu sao CPL lại dùng làm “tài liệu đào tạo”.
- Xem thêm: Những rắc rối của Facebook
Về phần mình, Facebook đã phản đối và cho rằng họ không dùng bạo lực để tăng số lượng và doanh thu quảng cáo vì khán giả ngày nay không dễ bị dụ dỗ. Một huấn luyện viên CPL nói với báo giới rằng nếu kiểm duyệt quá nhiều thì mọi người sẽ mất hứng với thông tin cũng như dịch vụ Facebook bởi mỗi ngày họ đều phải kiếm tiền.
Nhân sự kiện trên, dư luận giật mình nhớ lại vụ xả súng ở New Zealand hồi tháng 3.2019 tại thánh đường Linwood Masjid, trong cùng một ngày có 2 vụ tấn công diễn ra tại thành phố Christchurch, New Zealand. Trước đó, thủ phạm Brenton Tarrant người Úc đã dùng Facebook để tường thuật vụ tấn công đầu tiên vào thánh đường Hồi giáo Al Noor, khiến 40 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
2. Facebook cố gắng thu thập các thông tin của ngân hàng
Năm 2018, Facebook đã thâm nhập vào một số ngân hàng, yêu cầu tiếp cận chính khách hàng Cụ thể hơn, Facebook cần số dư tài khoản của người dân và những gì họ đã mua bằng thẻ tín dụng. Sự thật trên đã được tờ Wall Street Journal đưa ra ánh sáng và công bố cả tên một số ngân hàng mà Facebook đã tiếp cận gồm Wells Fargo, JP Morgan Chase và Citigroup.
Đổi lại, các ngân hàng sẽ được cung cấp ứng dụng Messenger. Điều này thật hấp dẫn bởi các ngân hàng hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty cùng có dịch vụ tương tự như PayPal chẳng hạn. Messenger có hơn một tỷ người dùng; đây là một thị trường rộng lớn và cũng là trung tâm thương mại của Facebook.
Ứng dụng trên đã khiến ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng hơn, tạo thêm lợi thế cho các ngân hàng trước đối thủ của mình. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng này từ chối vì sự bất an của khách hàng, mặc dù Facebook hứa sẽ không lạm dụng. Trong thực tế, Facebook đã làm được điều này, theo dõi được sản phẩm hoặc dịch vụ mà người dùng thanh toán bằng thẻ tín dụng.
3. FBI tuyển dụng điệp viên trên Facebook
Theo tờ Business Insider, năm 2019, FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) đã quảng cáo tuyển dụng điệp viên trên Facebook. Đúng như Business Insider đã đưa ra, và theo dữ liệu còn lưu tại Thư viện Quảng cáo (Ad Library), 3 quảng cáo đã được đưa ra vào ngày 11 tháng 9 được FBI quảng cáo cho mục đích này, thậm chí chủ đề này FBI cũng không hề giấu giếm. FDI mở rộng cánh cửa cho những ai cung cấp thông tin bí mật của Nga. T
hượng vàng hạ cám, từ thông tin những người say mê cuồng nhiệt Tổng thống Putin cho tới các thông tin mật có hàm lượng chất xám “tình báo” cao. Quảng cáo của FBI đã dẫn các điệp viên tương lai đến các trang web khác, tất cả đều có nguồn gốc từ Chương trình Phản gián của Văn phòng hiện trường Washington của FBI.
Một thông điệp, được viết bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga, cho hay Mỹ sử dụng thông tin tình báo cho các quốc gia nước ngoài để bảo vệ công dân của mình. Bất cứ ai có thông tin hữu ích đều được mời đến FBI trực tiếp. Điều này có vẻ như là một gợi ý lạ, nhưng trong thực tế có tới 99% điệp viên Nga chỉ cần đi vào một tòa nhà lạ thì ngay lập tức đã có thông tin “tia ra”. Khi được hỏi tại sao Mỹ lại nhắm vào người Nga, FBI nói thẳng: số lượng lớn các hoạt động của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay đều là nguy cơ an ninh lớn với Mỹ.
4. Quét não có thể thấy Facebook
Hầu hết mọi người khi dùng Facebook thường trải qua tâm lý ám ảnh, thậm chí có người còn có triệu chứng cai nghiện Facebook (Facebook withdrawal syndrome), nghĩa là xuất hiện một loạt những triệu chứng như dùng Facebook không nhằm phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần, nhưng sau đó phát triển sự phụ thuộc thể chất nếu giảm hoặc ngưng dùng Facebook.
Sự gia tăng phụ thuộc này đã dẫn đến những triệu chứng cai nghiện Facebook giống như nghiên các chất kích thích. Những triệu chứng đặc trưng của cai nghiện Facebook bao gồm rối loạn giấc ngủ, kích thích, gia tăng căng thẳng, bồn chồn, cáu gắt, lo lắng, hoảng loạn, khó tập trung, nhầm lẫn…
Năm 2014, một nhóm các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu để quyết định xem liệu cái gọi là Hội chứng nghiện Facebook này có xuất hiện trong não giống như một loại thuốc hay không và kết quả nghiên cứu thật thú vị. Nghiên cứu tuyển dụng 20 tình nguyện viên tham gia, tất cả trả lời các câu hỏi về thói quen sử dụng Facebook; toàn bộ đã được chẩn đoán là nghiện Facebook ở thể nhẹ. Sau đó, mỗi người được quét não trong khi vào “phây” và nhấn nút.
Các hình ảnh đều có liên quan đến Facebook và các dấu hiệu lộ trình của não. Những người tham gia có thể chọn thời điểm nhấn nút, nhưng những người đạt điểm cao hơn trong nghiên cứu đều cảm thấy hưng phấn, hạnh phúc mỗi khi Facebook được bật lên. Các bản quét cho thấy quá trình này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong não bộ tương tự như người dùng cocaine, đặc biệt các vùng bốc đồng sáng lên rõ nét.
Có một sự khác biệt lớn giữa những người nghiện ma túy và những người nghiện Facebook. Người nghiện cocaine thì vỏ não trước trán không hoạt động, nhưng khu vực kiểm soát bốc đồng này lại hoạt động tốt trong các tình nguyện viên Facebook. Những người nghiện truyền thông xã hội không bị điều khiển bởi sự thèm muốn thực sự mà họ không kiểm soát được, nhưng lại có sự sự pha trộn phức tạp các yếu tố liên quan đến thói quen, văn hóa và xã hội.