Cuối năm 2014, tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Hongkong, một tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ đã được bán với giá 840.000 USD, đạt kỷ lục về giá tranh của ông, đồng thời đây cũng là giá cao nhất của một tác giả Việt Nam được bán trên thị trường quốc tế từ trước đến nay.
Người bán bức tranh này là Patrick Lorenzi, quốc tịch Pháp nhưng sống ở Oslo (Na Uy); cháu nội của thống sứ Bắc Kỳ thời Pháp thuộc tại Việt Nam, người đã mua bức Nhìn từ đỉnh đồi được Lê Phổ vẽ năm 1937 trước khi họa sĩ sang Pháp và định cưở đó cho tới năm ông qua đời (2001), thọ 94 tuổi. Theo ông Jean-François Hubert, chuyên gia hàng đầu về mỹ thuật Việt Nam của nhà Sotheby’s thì bức Nhìn từ đỉnh đồi đã đi từ Hà Nội qua Paris rồi tới Oslo và từ gia đình ông Patrick Lorenzi, tác phẩm được đưa sang Hongkong đấu giá. Với giá đạt được là 840.000 USD, Nhìn từ đỉnh đồi đã qua mặt bức Người bán gạo của Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá 390.000 USD tại nhà Christie’s ở Hongkong vào tháng 5-2013.
Trước khi Nhìn từ đỉnh đồi lập kỷ lục, giá cao nhất mà tác phẩm của Lê Phổ đạt được là Bức màn tím: 2,9 triệu đôla Hongkong (HKD) tương đương 373.520 USD cũng tại nhà Sotheby’s. Trước đó nữa, tại các nhà đấu giá danh tiếng, nhiều bức tranh của Lê Phổ đã từng lập kỷ lục vào nhiều thời điểm, chẳng hạn: bức Hoài cố hương được bán tại với giá 222.325 USD năm 2009 tại Sotheby’s ở Singapore; bức Thiếu nữ bên hoa được nhà Christie’s Hongkong bán vào tháng 4-2008 với giá 216.673 USD… và từ gần 20 năm trước với bức Cho chim ăn, Lê Phổ đã trở thành họa sĩ Việt Nam đầu tiên lập kỷ lục về giá tranh: gần 100.000 USD tại nhà Sotheby’s ở Singapore. Có thể nói, trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Lê Phổ là họa sĩ duy nhất đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm có giá trị không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn có giá trị thương mại bậc nhất.
Trong một cuốn sách viết về Lê Phổ xuất bản năm 1970, tựa sách cũng là tên người họa sĩ, tác giả Waldemar George – nhà phê bình nghệ thuật người Pháp từng viết sách về Pablo Picasso, Maurice Utrillo, Fernand Leger, Juan Gris, Marc Chagall, Amadeo Modigliani… – đã gọi Lê Phổ là “họa sĩ siêu đẳng” và theo ông thì hội họa Lê Phổ (từ sau ngày sang Pháp) có hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu là thời kỳ vẽ sơn dầu trên lụa khi mới sang Pháp, khi đó họa sĩ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hội họa Pháp, Ý, Đức và xứ Flanders thời Phục hưng cũng như từ các họa sĩ cổ điển Trung Hoa; giai đoạn sau bắt đầu từ thập niên 1950 khi Lê Phổ đã già dặn, từng trải và tự tin về nghề nghiệp của mình, lúc này ông vẽ nhiều hơn tranh sơn dầu trên bố, với kỹ thuật và tư duy tạo hình chịu ảnh hưởng khuynh hướng Ấn tượng và hậu Ấn tượng, song cả hai giai đoạn đều có sự kết hợp các ảnh hưởng Đông – Tây mà ông tiếp thu từ nhà trường và từ thực tế. “Những con đường của châu Á và châu Âu giao thoa, nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật phương Tây mở ra một cuộc đối thoại thân tình”, Waldemar viết.
Trong tranh Lê Phổ từ những năm đầu tiên sáng tác cho tới cuối đời đều tràn ngập những hoa và hoa bởi, như Waldemar George viết trong sách thì họa sĩ là người yêu thích hoa một cách đặc biệt, và vẽ ngàn hoa trong tranh cũng là cách Lê Phổ thể hiện nỗi nhớ nhung quê nhà mà từ khi rời xa cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay ông chưa một lần trở lại. “Những tranh vẽ hoa của Lê Phổ đã biến đổi một cách tự nhiên chốn ngụ cư tầm thường nhất trở thành ngôi nhà của sự đắm say. Trong nhiều trường hợp, những bông hoa như được đưa từ thiên nhiên đến nơi chốn chúng bừng nở như trong một giấc mơ của ngàn sao…”, Waldemar George nhận định. Và cũng luôn có mặt trong tranh Lê Phổ là hình ảnh người nữ.
Trong cuốn sách Những tác phẩm hội họa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, nữ tác giả Corinne de Menonville viết: “Ở giai đoạn đầu, người phụ nữ (trong tranh Lê Phổ) thường mỏng manh, e ấp, khuôn mặt trái xoan, có ánh sáng tạo hiệu ứng cho hồn tranh. Họ đều toát nên sự trang nhã, nhẹ nhàng, duyên dáng, lịch thiệp. Với tranh lụa, màu sắc nguyên chất và đậm sắc thái tạo nên khung cảnh lãng mạn. Giai đoạn tiếp theo, tranh sơn dầu, vẫn đặt phụ nữ là tâm điểm, nhưng có thêm những cảm giác về tự do qua cử chỉ và màu sắc. Tranh lụa, người vẽ mất nhiều thời gian, cần sự tinh tế và tỉ mỉ, trong khi tranh sơn dầu, người nghệ sĩ được phép sáng tạo hơn với nhiều cử động và mức độ của màu sắc. Ảnh hưởng bởi trường phái Ấn tượng, các tác phẩm thời gian sau này thể hiện sự tự do, tính hoa mỹ, hân hoan trong ánh sáng, nhịp nhàng trong nét cọ”. Còn Waldemar thì viết: “Một con thuyền lướt giữa những bông súng, những cô gái ẩn hiện hái trái cây trong vườn địa đàng, họ thật kiểu cách và được nhớ đến bởi sự duyên dáng, niềm vui của cuộc sống phát ra từ tất cả, trong tiết trời xuân vô tận, những thiếu nữ mảnh mai đang dùng bữa trưa trên một hiên nhà, những đĩa trái cây trên bàn phủ khăn, bình đựng đầy hoa dại: thế giới của Lê Phổ là một thiên đường trên trái đất”.
Năm 1964, Lê Phổ ký hợp đồng độc quyền với gallery Wally Findlay lúc đó đã có các chi nhánh ở Chicago, New York, Florida (sau này mở thêm ở Los Angeles và Paris) để quảng bá, đưa tác phẩm của ông đến với thị trường Mỹ và châu Âu. Đó là một quyết định khiến ông không khỏi day dứt vì bao nhiêu năm trước đó đã gắn bó với gallery André Romanet, nơi đã nhiều lần tổ chức triển lãm tranh cho Lê Phổ tại Pháp. Song chỉ với gallery Wally Findlay thì tranh Lê Phổ mới đến được các sàn đấu giá quốc tế lớn và giá tranh nhờ đó tăng dần, tạo động lực cho ông sáng tác nhiều hơn. Và với tín hiệu mới từ bức Nhìn từ đỉnh đồi, những cá nhân hay các phòng tranh hiện đang lưu giữ tác phẩm của Lê Phổ đang hy vọng giá tranh của ông còn tiếp tục đi lên và sẽ lập nhiều kỷ lục mới nữa…
“Kỹ thuật của họa sĩ là sự kết hợp độc đáo của mô-típ phương Đông với sự thấu hiểu phương Tây một cách sắc sảo; những bức tranh của ông chuyên chở cảm xúc tinh khôi, đầy chất thơ và bí nhiệm. Được coi là một bậc thầy nổi bật về tranh lụa Việt Nam thế kỷ XX, Lê Phổ ở trong số những họa sĩ được trọng vọng bậc nhất tại Đông Nam Á ngày nay”. (Lời giới thiệu của nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong)
- Lê Bản