Điện ảnh với mục đích giải trí cũng giúp cho người xem nâng cao hiểu biết về một số phương diện. Nhưng một số chi tiết cường điệu được lặp đi lặp lại trong các bộ phim lâu ngày đã làm cho nhiều người bị hiểu sai, khiến cho khi họ đối diện với tình huống thực tế, những điều ngộ nhận kia có thể dẫn đến những tổn thất đáng tiếc.
Đánh thuốc mê bằng khăn tay chứa chloroform
Xem các phim hình sự, chúng ta hay thấy cảnh một người đánh thuốc mê người khác bằng cách thấm chloroform vào chiếc khăn và úp lên mặt đối tượng, lập tức người ấy bị mê ngay.
Trên thực tế, chloroform không tác động như thế. Mặc dù nó có thể hạ gục một ai đó chỉ với liều lượng nhỏ, nhưng tác dụng không xảy ra ngay lập tức. Ngay cả với những liều cao hơn, chloroform cũng phải mất ít nhất năm phút mới có hiệu quả. Chloroform cũng không thường được sử dụng cho các hoạt động tội phạm.
Hổ phách không thể giữ ADN quá lâu
Hiện tượng tìm thấy ADN trong hổ phách đã xuất hiện trong nhiều bộ phim, ví dụ như trong phim Công viên kỷ Jura, khiến nhiều người xem tin rằng điều này là có thật. Qua bộ phim đó, các khán giả nghĩ rằng ADN có thể tồn tại qua hàng thiên niên kỷ nếu nó được bảo tồn trong hổ phách (hoặc bất kỳ loại đá nào khác) và nếu cần, nó có thể được sử dụng để hồi sinh những động vật thời tiền sử.
Mặc dù ADN có thể tồn tại trong một số phương tiện nhất định, nhưng chắc chắn nó không thể tồn tại đủ lâu để người ta có được các ADN của loài khủng long. Người ta có thể hy vọng có được ADN của voi ma mút bị mắc kẹt trong băng ở Siberia, nhưng đó là vì voi ma mút tồn tại gần đây hơn so với khủng long.
Có một nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát để cải chính điều ngộ nhận này. Tuy nhiên, nhờ có phim Công viên kỷ Jura, những con khủng long huyền thoại đã sống lại.
Cảnh sát Mỹ không đọc cảnh báo trong khi còng tay đối tượng
Bất cứ khi nào một vụ bắt giữ được thực hiện trong các chương trình truyền hình hoặc trong một bộ phim, ít nhất là các vụ bắt giữ tại Hoa Kỳ, các cảnh sát luôn luôn chú ý đọc Cảnh báo Miranda (Miranda warning: “Bạn có quyền giữ im lặng, v.v.” cho đến khi người đó chịu thẩm vấn) đối với một nghi phạm. Trong đời thực không phải lúc nào cũng như vậy.
Mặc dù đúng là cảnh sát phải đọc cho người ta nghe các quyền hạn của người đó tại một số thời điểm sau khi họ bị bắt, nhưng nó hầu như không bao giờ được thực hiện vào thời điểm họ còng tay đối tượng. Cảnh báo Miranda thường được đọc cho một người nghe sau khi họ đưa người đó vào tù và đang chuẩn bị cuộc thẩm vấn, hoặc tại một số thời điểm khác trong khi bị bắt giữ. Chỉ cần xem bất kỳ video thực tế nào khi cảnh sát thực hiện một vụ bắt giữ, người ta có thể biết được điều này.
Những thiên thạch thực sự đã đóng băng
Những bộ phim có cảnh các thiên thạch rơi xuống trái đất và gây ra ngày tận thế giờ đây đã hiếm hơn so với thời điểm sợ hãi lần cuối vào năm 2012. Tuy nhiên, hiện tượng này đã xuất hiện trong nhiều bộ phim được thực hiện về chủ đề này, nhất là với phim Deep Impact (Thảm họa hủy diệt, ra mắt năm 1998).
Tuy chúng ta nghĩ rằng tất cả các thiên thạch xuất hiện trên bề mặt trái đất đang nóng lên và bốc cháy, nhưng đa số chúng không đủ lớn để gây ra sự cố trên toàn cầu. Nếu bạn am hiểu về không gian, thì bạn sẽ nhận ra rằng các thiên thạch thực sự đã đóng băng trong tự nhiên.
Vệt dài bốc cháy mà chúng ta nhìn thấy trên bầu trời xung quanh thiên thạch là do không khí bắt lửa chung quanh nó. Bản thân thiên thạch vẫn lạnh như trước khi nó tiến vào bầu khí quyển.
Phát súng không đủ làm người ta bay bổng lên
Xem phim thấy cảnh nổ súng khiến kẻ bị trúng đạn văng xa ra khỏi chỗ đứng rất ấn tượng. Tuy nhiên, điều đó đã gây ra một ý tưởng sai lầm về cách những khẩu súng đã tác động như thế nào.
Trên thực tế, nếu một khẩu súng có thể làm được như vậy, nó sẽ tạo ra một lực tương đương trên người bắn. Điều đó đúng với tất cả các khẩu súng bất kể loại và cỡ nòng của chúng. Đó chỉ là một quy tắc cơ bản của vật lý. Nếu các bộ phim mô tả chính xác điều đó, phim sẽ kết thúc với những cảnh buồn cười khi các xạ thủ bắn súng cũng bị đánh bật trở lại cùng với nạn nhân của họ.
Không thể gọi điện thoại khi bị bắt giữ
Có nhiều bộ phim và phim truyền hình vẫn mô tả cảnh các nghi phạm nhận được một cuộc gọi khi họ bị bắt. Trên thực tế, không có luật lệ nào cho phép bạn có thể thực hiện bao nhiêu cuộc gọi điện thoại trong khi đang bị cảnh sát giam giữ. Bạn không thể gọi cho bất cứ ai nếu tội danh mà bạn đã phạm phải đủ nghiêm trọng và những người điều tra tin rằng việc gọi cho ai đó có thể gây nguy hiểm cho quá trình điều tra của họ.
Ngược lại, bạn cũng có thể nhận được nhiều hơn một cuộc gọi tùy theo mức độ nghiêm trọng và địa điểm của vụ án khi bị bắt giữ. Nhưng cho dù bạn có nhận được bao nhiêu cuộc gọi chăng nữa thì cũng coi như không bao giờ có cuộc gọi nào.
Bắn một lúc hai súng chỉ có trên phim
Những bộ phim hành động của các thập niên 1980 và 1990 trông sẽ rất khác nếu không có những người hùng màn bạc sử dụng cùng lúc hai tay hai súng trong các trận chiến của họ. Lý do là hai luôn tốt hơn một, đồng thời bạn sẽ nghĩ rằng hai khẩu súng sẽ có nhiều đạn hơn và có thể hạ được nhiều kẻ địch hơn.
Bắn hai súng rõ ràng là không thực tế và thực sự làm giảm cơ hội bắn chính xác vào mục tiêu. Nếu muốn chiến thắng thì tốt hơn chỉ cần chọn một vũ khí. Số lượng đạn hiệu quả và độ chính xác sẽ cao hơn nếu chỉ sử dụng một khẩu súng. Điều này cho bạn nhiều cơ hội để hạ thủ kẻ xấu trước khi hắn giết bạn.
Không thể dùng răng rút chốt lựu đạn
Có một số huyền thoại xung quanh những trái lựu đạn trong các bộ phim. Nhưng ở đây sẽ tập trung vào cách các bộ phim cho thấy những diễn viên đã dùng răng của họ để rút chốt lựu đạn trước khi ném nó. Nhưng trong đời thực, điều này hoàn toàn sai.
Vì trong lựu đạn chứa đầy những mảnh đạn có thể vô hiệu hóa và thậm chí giết chết nếu đủ gần mục tiêu; do đó, các chốt của chúng được thiết kế đặc biệt để không dễ dàng rơi ra. Điều đó cũng phụ thuộc vào loại lựu đạn.
Trong khi một số loại chốt lựu đạn được trải rộng ra, một số loại khác đòi hỏi phải xoắn một chút và xoay. Trong đa số các trường hợp, việc kéo chốt bằng răng sẽ khiến cho người kéo không còn chiếc răng nào nữa!
Cát lún tự nó chưa hẳn là hiểm họa
Nếu vô tình bị rơi vào vùng cát lún mà không được ai cứu cho, đây là một tình huống chắc chắn tử vong trong các bộ phim. Điều này là một trong những ngộ nhận có thể gây ra vấn đề trong đời thực khi một người bị kẹt trong cát lún, người đó thường hoảng loạn và rốt cuộc càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn nếu họ không biết cách thức hoạt động của cát lún.
Về cơ bản, cát lún chỉ là bùn trộn với nước (và đất sét trong một số trường hợp). Nó có thể hơi nhớp nháp và làm bẩn quần áo nếu bạn rơi vào nó. Tuy nhiên, điều này hầu như là rủi ro duy nhất mà nó gây ra, vì đa số các loại cát lún đều cho phép bạn thả nổi tự do một khi bạn chỉ mới lún sâu tới vùng eo. Có thể bạn chưa tin, nhưng điều đó đã được chứng minh trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Khả năng đánh hơi của cá mập đã được phóng đại
Các phim Jaws (Hàm Cá Mập) đã làm rất nhiều chi tiết để củng cố sự ngộ nhận sai lạc của khán giả về khả năng đánh hơi vô cùng nhạy bén của những con cá mập gieo rắc chết chóc nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn của phim. Chúng ta đã từng nghe nói về lập luận “những con cá mập có thể ngửi thấy một giọt máu từ hàng dặm”, điều này có lẽ góp phần cho nỗi kinh hãi của nhiều người.
Không thể nói rằng cá mập có khứu giác xấu; nó thực sự khá tốt. Nhưng nó không tốt như chúng ta nghĩ. Tất cả các nghiên cứu được thực hiện về đề tài này cho thấy, nhiều lắm là cá mập có thể đánh hơi thấy một giọt máu trên một bể bơi có kích cỡ Olympic.
Điều đó cũng tùy thuộc vào thứ mùi chúng ngửi thấy, chẳng hạn như phạm vi đánh hơi của chúng sẽ bị giảm đáng kể nếu đối tượng là một chất lỏng đậm đặc hơn. Tuy nhiên, có thể đoan chắc để nói rằng cá mập không thể ngửi thấy bất cứ thứ gì qua hàng dặm trên đại dương.