Thế giới hiện thực sẽ không bày ra trước mắt bạn những quái vật khủng khiếp hay bóng ma rùng rợn song điều đó không có nghĩa là nó thiếu sự bí ẩn. Albert Einstein từng nói: “Điều khó hiểu nhất của vũ trụ là có thể hiểu được nó”.
Bạn đã hiểu bao nhiêu về thế giới? Trong những hiểu biết ấy, có những hòn đảo kỳ quái bậc nhất chưa? Đừng cho rằng nơi bí ẩn luôn nằm tại vị trí khó tìm. Nó có thể ở ngay cạnh bạn.
1. Đảo nói ngược Tangier
Là dải đất uốn cong hình lưỡi câu nằm giữa Vịnh Chesapeake, bang Virginia (Mỹ) cách đất liền chỉ chừng 12 dặm (19km) song đảo Tangier hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, nói bằng thứ tiếng Anh mà không người sử dụng tiếng Anh nào hiểu được.
Kể từ Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), dân trên đảo (chủ yếu là người theo phong trào Giám Lý, một nhóm các giáo hội có mối quan hệ lịch sử với nhau thuộc Cộng đồng Kháng cách) quyết định chọn không tham gia Liên minh, Tangier trở thành vùng đất biệt lập.
Với chiều dài 3 dặm (5km), Tangier có tổng cộng 500 cư dân. Phương tiện di chuyển chính của họ là xe golf. Người đảo Tangier không uống rượu nơi công cộng, rất nghiêm khắc trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống.
Sự tách biệt với thế giới bên ngoài cho phép họ hình thành nền văn hóa độc đáo. So với nền kinh tế truyền thống dựa trên câu cá, bắt cua, ngôn ngữ của họ có lẽ đặc biệt hơn cả.
Dù vẫn là tiếng Anh, đảo Tangier sử dụng nguyên âm khác. Vì thế, cách phát âm của họ trở nên không bình thường, chỉ được hiểu bởi cư dân trên đảo.
Thêm vào đó, người Tangier có thói quen nói ngược, kiểu như nói mỉa, rất chuộng sử dụng từ lóng, thành ngữ. Một số nhà văn, học giả cho rằng đó là kiểu tiếng Anh của thời Nữ hoàng Elizabeth I (1558-1603).
Một vài từ cổ cũng được tận dụng cùng với từ vựng mới. Trên tất cả, cái khiến ngôn ngữ trên đảo trở thành trò đánh đố với thế giới bên ngoài là kiểu “lời nói trái với lòng”.
Hiện tại, do lượng cua cá giảm, người Tangier đang phải nới rộng ngành nghề ngoài truyền thống, ví dụ như tìm việc làm thuê trên tàu hoặc trên đất liền.
Điều này đe dọa phá hủy lối sống cũ, ảnh hưởng đến tiếng nói. Sẽ thật đáng tiếc nếu kiểu tiếng Anh khác biệt này hòa lẫn vào tiếng Anh hiện tại và biến mất.
2. Đảo mèo Tashirojima
Chỉ tốn 40 phút để đi phà từ Ishinomaki, Sendai (Nhật Bản) là đến hòn đảo nhỏ Tashirojima, nơi dân số tổng cộng 100 người nhưng mèo thì đến vài trăm con.
Tất nhiên, nếu bạn bị dị ứng lông mèo, hòn đảo tí hon này chẳng khác nào địa ngục. Ngược lại, nếu bạn yêu mèo, nơi này sẽ là thiên đường.
Sự phổ biến của mèo tại Tashirojima bắt đầu từ thời Edo, khoảng giữa thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XIX. Người Tashirojima lúc ấy chủ yếu nuôi tằm, dệt vải. Họ chuộng mèo vì chúng bắt chuột, loài động vật khoái lấy tằm làm thức ăn.
Ở Tashirojima, công nghiệp đánh cá là ngành nghề truyền thống. Mèo hoang tiếp cận người vì cá. Cư dân thì cần mèo để bảo vệ các lứa tằm.
Rất nhanh, họ xem chúng như sự may mắn, dựng cả đền giữa đảo để thờ. Trải qua trận động đất dữ dội năm 2011, tiếp đến bị quét bởi sóng thần nhưng Tashirojima sống sót. Hầu hết các công trình ven biển đều bị thổi bay song nhà cửa trên sườn đồi thì còn nguyên.
- Xem thêm: 7 hòn đảo bị nguyền rủa khắp thế giới
Đến đảo mèo Tashirojima, nếu mệt mỏi, du khách có thể nghỉ tạm tại các cabin hình con mèo. Bất cứ nơi nào lọt vào tầm mắt, bạn cũng thấy mèo.
Hầu hết chúng đều dạn dĩ, thân thiện với người. Với sự tôn kính của người trên đảo, mèo nghiễm nhiên trở thành chủ nhân Tashirojima, được thờ cúng như thần thánh.
3. Đảo nguyền rủa Gaiola
Nằm ngay ngoài khỏi bờ biển Naples (Ý) được tạo thành bởi hai đảo nhỏ xinh đẹp, nối liền với nhau bằng một cầu đơn chênh vênh, Isola della Gaiola có bề ngoài đẹp như tiên cảnh.
Với vách đá cheo leo, hùng vĩ và kỳ quan tàn tích kiến trúc La Mã cổ đại, nó được xem là một trong những địa điểm đẹp nhất hành tinh.
Người ta tin rằng Publius Vergilius Maro, đại thi hào trước Công nguyên của Ý, người sáng tạo ra thể loại thơ sử thi, đã dạy dỗ học trò ở đây. Vì quang cảnh quá đẹp, cả thầy lẫn trò đều không tập trung được.
Từ thời cổ đại, người La Mã đã hết sức quan tâm tới Gaiola. Họ dựng đền thờ Sao Kim trên đảo nhỏ Euplea. Giữa đảo lớn là một biệt thự, hiện bị bỏ hoang.
Đầu thế kỷ 19, người ta kể rằng có một ẩn sĩ (được cho là pháp sư) sống trên đảo. Người hiện đại làm cầu đi lại. Năm 1920, Hans Braun (Thụy Sỹ), chủ nhân của biệt thự trên đảo Gaiola, được phát hiện bị sát hại, gói trong tấm thảm. Không lâu sau, vợ Braun bị chết đuối trong biển.
Người chủ tiếp theo, Otto Grunback (Đức), đột ngột lên cơn đau tim rồi qua đời. Maurice-Yves Sandoz (Thụy Sĩ), một chủ sở hữu khác, tự sát tại bệnh viện tâm thần. Cả nhà công nghiệp Baron Karl Paul Langheim (Đức) cũng rơi vào phá sản.
Nhiều năm sau những cái chết đáng sợ trên, Gianni Agnelli (Ý) bất chấp bỏ tiền tậu căn biệt thự. Không lâu sau đó, con trai duy nhất của ông tự vẫn. Agnelli cố chuyển đổi vai trò thừa kế từ con trai sang cho cháu trai, Umberto Agnelli. Agnelli lại bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hiếm gặp, từ trần năm 33 tuổi.
Chẳng bao lâu trước khi tỉ phú Paul Getty (Mỹ) ký kết mua hòn đảo, cháu trai của ông bị bắt cóc. Người cuối cùng tiếp nhận Gaiola, Gianpasquale Grappone, chủ tịch một công ty bảo hiểm lớn, rơi vào vỡ nợ, phải vào tù. Bởi những sự kiện trên, biệt thự trên đảo Gaiola giờ đang ở tình trạng vô chủ, dần mục nát.
4. Đảo búp bê Munecas
Nếu là người hâm mộ chủ đề kinh dị, bạn nên một lần đến với Isla de las Munecas, hòn đảo nổi trong con kênh ngoài thành phố Mexico, Mexico.
Hơn 50 năm trước, người coi sóc hòn đảo, Don Julian Santana phát hiện một xác chết thiếu nữ (theo gia đình Santana thì ông chỉ bịa ra chuyện này).
Để an ủi linh hồn cô, ông nhặt nhạnh búp bê vứt đi trong các thùng rác, kênh rạch, treo lên thân cây, rào, bảng gỗ… trên hòn đảo.
Năm 2001, Santana được tìm thấy chết đúng tại vị trí mà ông nói rằng đã phát hiện xác cô gái. Hòn đảo chính thức mở cửa đón khách du lịch kể từ khi Santana qua đời.
Ngay khi tiếp cận Isla de las Munecas, cảm giác ớn lạnh sống lưng sẽ đến với bạn khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của hàng trăm con búp bê cũ nát, mất tóc, mắt hoặc chân, tay treo lủng lẳng khắp chốn.
Đặc biệt, loại búp bê phổ biến toàn là búp bê trẻ sơ sinh, kích thước khá lớn, cơ thể mềm oặt. Cư dân địa phương nói rằng, thỉnh thoảng, họ cảm giác như mắt của con búp bê tự dịch chuyển, tin đó là lúc linh hồn cô gái chết trẻ nhập vào.
5. Đảo ngoài hành tinh Socotra
Sẽ thật khó nếu bạn muốn đặt chân lên sao Hỏa hay sao Mộc vì không đủ tiền, nhưng đừng vội nản chí. Đến với Socotra, bạn chắc chắn sẽ được trải nghiệm cảnh quan không khác gì quang cảnh ngoài hành tinh vẫn thấy trên các phim điện ảnh.
Nằm ngoài khơi Yemen (quốc gia ở Trung Đông), là một phần của quần đảo ở Ấn Độ Dương song Socotra bị cô lập hoàn toàn với các đảo khác, đến nỗi 1/3 các loại thực vật của nó không hề được tìm thấy ở bất cứ nơi nào ngoài Socotra.
Độc đáo nhất có lẽ là cây máu rồng. Phần tán xòe rộng của nó nom hệt một đĩa bay đậu trên thân cây. Kế đến là loại hoa sứ sa mạc khổng lồ, gốc cực to với đám hoa màu hồng chi chít trên đầu.
Không chỉ thực vật, ngay cả động vật tại Socotra cũng có một số loài đặc hữu. Chúng bao gồm sáo Socotra, chim mặt trời Socotra, chim mỏ tù Socotra. Dơi là loại động vật có vú duy nhất của đảo.
Năm 2010, một nhóm khảo cổ Nga phát hiện tàn tích của thành phố có niên đại từ thế kỷ 2 ở Socotra. Trong truyện cổ đại của người Sumer, người ta gọi Socotra là Vườn Địa Đàng. Không có đường ở Socotra nên, nếu có ý định đến thăm, bạn cần chuẩn bị cho việc lội bộ đường dài.
Dân số trên đảo hiện tại vào khoảng 50.000 người, sống nhờ vào ngành du lịch. Socotra cũng sớm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Tiếc rằng, vì bất ổn chính trị ở Yemen trong những năm gần đây, ngành công nghiệp du lịch Socotra không được phát triển cho lắm.
6. Đảo vỏ sò Fadiouth
Toàn bộ hòn đảo Fadiouth, Senegal (quốc gia ở Tây Phi) được cấu thành bởi vỏ sò. Nó bao gồm hàng triệu triệu vỏ sò được tích lũy qua vô số thế hệ nhà sò.
Có thể nói đảo Fadiouth là nghĩa địa sò. Tuy nhiên, ngoài vỏ sò ra, nơi đây dường như chẳng còn gì khác để chiêm ngưỡng. 90% dân số Senegal theo đạo Hồi.
Nghĩa trang của họ là những ngôi mộ đơn giản, đánh dấu bằng cây thập giá màu trắng. Vì được quy hoạch trên đảo sò, nơi mọi milimet đất đều trắng vỏ sò, nó là một kiểu nghĩa trang xinh đẹp thay vì rùng rợn.
Bước xuống Fadiouth, mọi bước chân của bạn đều giẫm trên vỏ sò. Con đường được làm bằng vỏ sò (không có xe hơi). Ngay cả nhà cửa cũng tận dụng vò sò làm nguyên liệu xây dựng. Đồ thủ công mỹ nghệ cũng toàn vỏ sò là vỏ sò.
Điều đặc biệt là tại Fadiouth, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo chung sống hòa bình. Ngay cả trong một gia đình, các thành viên cũng có thể theo các tín ngưỡng khác nhau mà không ai cảm thấy phiền hà. Tín đồ của hai tôn giáo cùng nhau tổ chức đám cưới, lễ rửa tội, tang và những dịp lễ đặc biệt khác.
Dân số Fadiouth vào khoảng 46.000 người. Dù còn nhiều tranh cãi, con người có lẽ bắt đầu có mặt tại đây từ thế kỷ 11.
Thu nhập chính của dân cư đến từ đánh bắt cá, nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là buôn bán lalo, một loại bột làm từ lá cây bao báp khô.
7. Quần thể đảo nổi hồ Titicaca
Không như các hòn đảo thiên nhiên khác, quần thể đảo nổi trong hồ Titicaca, Peru (quốc gia ở Nam Mỹ) bao gồm 70 hòn đảo nhân tạo lớn nhỏ.
Là hồ cao nhất thế giới, tọa lạc trên độ cao 3.812m so với mực nước biển, Titicaca có độ sâu trung bình 107m và độ sâu tối đa 281m.
Hơn 25 con sông đổ vào hồ này. Nhờ nước mưa và băng tan trên các dãy núi chảy xuống, Titicaca luôn ăm ắp nước. Hồ Titicaca cũng nổi tiếng nhờ truyền thuyết đền vàng của người Inca.
Tỷ lệ dân số áp đảo trên quần thể đảo nổi hồ Titicaca thuộc về tộc Uros. Họ chiếm khoảng 43 đảo nổi nhân tạo được làm bằng các bãi sậy.
Nhờ nguồn cây sậy phong phú, cư dân liên tục gia cố sự vững chắc của đảo nổi. Họ cũng dùng sậy để làm thuyền, đồ đạc, nhà cửa.
Dù bên ngoài nhìn vào, Uros giống như bộ tộc nguyên thủy nhưng, người của bộ tộc tận dụng mọi công nghệ hiện đại nhất, bao gồm cả pin mặt trời, xe gắn máy. Họ còn có đài phát thanh tiếng Uros, phát sóng mỗi ngày.
Ban đầu, người Uros xây dựng các đảo nổi nhằm trốn tránh sự đàn áp trên đất liền. Hàng trăm năm trôi qua, giờ nơi này trở thành mái nhà yên ấm, tiện nghi của họ. Thông qua các tour du lịch, buôn bán hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, người Uros phát triển kinh tế, sống khá thoải mái.
Ngoài người Uros, quần thể đảo nổi nhân tạo hồ Titicaca còn là đất sống của người Taquile, dân tộc nổi tiếng có đồ dệt tay tinh xảo, chất lượng cao và người Quechua. Có khoảng 800 gia đình Quechua sống trên đảo nhỏ Amantaní, trồng lúa mì, khoai tây và rau trên các ruộng bậc thang.
8. Đảo dịch hạch Poveglia
Chào mừng bạn đến với Poveglia, hòn đảo ẩn chứa bí mật đen tối nhất của Ý. Được xây dựng bởi chính phủ Venezia từ năm 1793-1814, Poveglia là trạm kiểm tra dịch hạch nằm trong đầm phá Venetian. Hòn đảo bé nhỏ này được cho đang lởn vởn 160.000 linh hồn nạn nhân bệnh dịch hạch.
Người ta nói rằng có đến 50% đất trên đảo là từ xác người phân hủy tạo thành. Gần đây, trên hai đảo Lazaretto Nuovo và Lazzaretto Vecchio lân cận, các ngôi mộ tập thể chứa hàng ngàn xác người cũng được tìm thấy.
Vì kích thước nhỏ bé và không mấy bắt mắt, Napoléon (Pháp) cũng từng sử dụng Poveglia như nơi cất giấu vũ khí.
Năm 1922, một bệnh viện tâm thần được xây dựng trên Poveglia. Truyền thuyết địa phương kể lại, bác sĩ bệnh viện tra tấn, bạo hành, tàn sát bệnh nhân.
Năm 1968, bệnh viện bị đóng cửa, mặc cho cây cối hoang tàn phá. Không khó để hiểu tại sao Poveglia hiện giờ lại là địa điểm săn ma của các nhà điều tra huyền bí.
Năm 2014, trong cuộc đua đấu giá khốc liệt, doanh nhân kiêm chính khách Luigi Brugnaro (Ý) giành được quyền thuê hòn đảo trong 99 năm.
9. Đảo trong lòng đảo Vulcan Point
So với việc được gọi là hòn đảo, giống như tên gọi Vulcan Point, đảo Vulcan chỉ là một nấm đất. Được hình thành sau vụ phun trào núi lửa của đảo nổi Vulcan, hồ Taal, Philippines, Vulcan Point hiện là danh lam thắng cảnh độc đáo có một không hai trên thế giới.
Năm 1991, núi lửa đột ngột bùng phát tại Vulcan sau một thời gian dài không hoạt động, kể từ năm 1977, cướp đi hàng ngàn nhân mạng.
Với tổng cộng 33 vụ phun trào, núi lửa hồ Taal được ghi nhận là ngọn núi lửa hoạt động mạnh thứ 2 ở Philippines, là một phần của “Vòng lửa Thái Bình Dương”.
Sau vụ phun trào, miệng núi lửa Vulcan ngập đầy nước. Nó là miệng núi lửa lớn nhất trên trái đất. Tại trung tâm miệng hồ núi lửa, đảo tí hon Vulcan Point nổi lên, nên thơ giữa làn nước biếc. Tất nhiên, với diện tích chỉ tầm 200m2, Vulcan Point là hòn đảo không có người ở.