Từ Mỹ, Canada đến Malaysia, những hòn đảo chứa đựng lời nguyền đều đẹp như tranh vẽ. Chỉ là bóng ma oán hận của những kẻ đã khuất có thể vẫn lởn vởn đâu đó trên mỗi bãi cát, sau từng gốc dừa. Bạn đã sẵn sàng tinh thần để khám phá chưa?
1. Isola della Gaiola của Ý
Đảo Isola della Gaiola của Ý nằm ngay ngoài khơi bờ biển Naples. Nó bao gồm hai đảo nhỏ được nối liền với nhau bằng một cây cầu rất nên thơ. Từ xưa, người La Mã cổ đại đã rất thích địa điểm này. Họ xây dựng đền thờ Sao Kim trên đảo nhỏ. Có vẻ như Virgil (70-19 trước Công nguyên), bậc thầy thơ ca, cha đẻ thể loại sử thi của La Mã, cũng từng lấy hòn đảo này làm chỗ dạy học trò. Gaiola ngày nay vẫn còn những tàn tích từ thời La Mã và chễm chệ một biệt thự bỏ hoang trên đảo lớn (cả cây cầu lẫn biệt thự đều là sản phẩm của người hiện đại). Không hiểu sao, mọi tỷ phú đến sống trong căn biệt thự này đều lần lượt mất mạng hoặc tán gia bại sản.
Những năm 1920, Hans Braun, doanh nhân người Thụy Sĩ, là chủ nhân đầu tiên của biệt thự. Ông bị sát hại ngay trong phòng, xác gói trong tấm thảm. Không lâu sau đó, vợ của Braun cũng chết đuối dưới biển. Sau Braun, Otto Grunback, một tỷ phú Đức bỏ tiền ra mua căn biệt thự. Ông đột ngột qua đời vì lên cơn đau tim. Ngôi nhà nguy nga lần nữa sang tay, trở thành bất động sản của ông trùm dược phẩm Maurice-Yves Sandoz của Thụy Sĩ. Sandoz tự sát trong bệnh viện tâm thần. Tin đồn Gaiola mắc phải lời nguyền ngày càng lan rộng, dù chẳng ai biết lời nguyền ấy đến từ đâu và do ai đặt. Bất chấp điều đó, nhà công nghiệp người Đức Baron Karl Paul Langheim vẫn mua biệt thự đảo Gaiola. Ông may mắn hơn các chủ nhân trước ở chỗ không mất mạng nhưng lại rơi vào khánh kiệt, nợ nần chồng chất.
Gianni Agnelli của Ý là tỷ phú tiếp theo có được giấy tờ sở hữu biệt thự đảo Gaiola. Agnelli vô sự nhưng con trai độc nhất của ông lại tự vẫn. Ngay cả cháu đích tôn cũng qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 33. Biệt thự đảo Gaiola tiếp tục qua tay chủ mới, lần này là tỷ phú Paul Getty. Getty cũng an toàn, nhưng cháu trai ông thì rơi vào tay bọn bắt cóc. Chán nản, Getty bán gấp biệt thự. Gianpasquale Grappone trở thành chủ hữu cuối cùng. Ông sống sót nhưng bị tống tù vì công ty bảo hiểm của mình vỡ nợ.
Bây giờ, đảo Gaiola vẫn đẹp lộng lẫy như thuở Virgil ngồi thuyết giảng cho học trò. Chỉ biệt thự là mỗi ngày một mục nát, hoang lạnh vì thiếu hơi người và những đôi tay chăm chút. Có thật hay không lời nguyền “tỷ phú phải chết” ở đảo Gaiola, chúng ta vẫn không thể nào biết được.
2. Đảo Palmyra Atoll của Mỹ
Từ Hawaii đi về phía Nam chừng 1.000 dặm là tới Palmyra Atoll, một hòn đảo không người. Dù không có người ở, Palmyra Atoll vẫn là địa điểm yêu thích của những ai ưa phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng rồi vào ngày 30.8.1974, nó đột ngột biến thành địa điểm giết người, chặt xác lạnh sống lưng.
Nạn nhân của vụ án mạng là vợ chồng Eleanor “Muff” Graham. Họ đang trên chuyến du lịch Thái Bình Dương bằng du thuyền. Không muốn lênh đênh mãi trên biển, vợ chồng Graham quyết định tạm thả neo, lên bờ cắm trại tại đảo Palmyra Atoll. Xui cho họ, cặp tình nhân Buck Duane Walker (cựu tù nhân) và Stephanie Stearns cũng chèo thuyền tới nghỉ mát tại đó.
Khi chiếc du thuyền quay trở lại Hawaii, người trên thuyền không còn là vợ chồng Graham mà là cặp Walker – Stearns. Theo lời khai của Walker và Stearns, vợ chồng Graham mời họ lên du thuyền ăn tối, nhưng khi họ tới lại không có ai ra đón cả. Walker đoán rằng cặp vợ chồng này mải câu cá chưa về. Gã quyết định ngồi đợi nhưng, đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng người nào quay lại. Nghi rằng họ đã gặp chuyện chẳng lành, Walker và Stearns đành tự lái du thuyền về Hawaii.
Năm 1981, người ta phát hiện hộp sọ của vợ Graham lăn lóc trên bãi biển. Sau cuộc tìm kiếm, cảnh sát còn tìm thấy xương cốt của bà trong một hộp nhôm bị sóng đánh vào bờ. Khám nghiệm pháp y chỉ ra đầu của vợ Graham bị đánh đập tàn nhẫn trước khi cắt rời khỏi xác. Cả khuôn mặt của bà cũng bị đốt cháy bằng que hàn. Năm 1985, Walker bị kết tội giết vợ Graham. Graham vẫn biệt tăm.
Kể từ sau vụ giết người khủng khiếp ấy, đảo Palmyra Atoll trở thành hòn đảo đáng sợ. Người ta liên tục thêm mắm, dặm muối, biến nó thành nơi bị nguyền rủa. Nếu tới Thái Bình Dương bây giờ, bạn sẽ nghe được đủ kiểu dị bản của “lời nguyền Palmyra”. Thậm chí còn có cả chuyện nói rằng trong Thế chiến thứ hai, một số tàu thuyền và máy bay quân sự ngang qua khu vực rạn san hô của đảo Palmyra đã đột ngột mất tích. Hiện nay, Palmyra vẫn bị đánh dấu là một trong những hòn đảo không người nguy hiểm nhất ở Thái Bình Dương.
3. Đảo Langkawi của Malaysia
Nếu chỉ nhìn vào từ bên ngoài, quần đảo Langkawi ngoài khơi bờ biển Malaysia chỉ là một rừng mưa xanh tốt. Nó còn có cả thác nước tuyệt đẹp và bãi cát trắng trải dài bình yên. Ít ai biết quan cảnh đẹp mê hồn này lại chỉ mới trở thành địa điểm du lịch nóng sốt từ cuối thập niên 1980. Nguyên nhân Langkawi bị bỏ bê lâu đến thế là vì nó bị ám bởi một lời nguyền.
Ngày xửa ngày xưa (thật ra cũng chưa xưa lắm), nàng Mahsuri xinh đẹp của đảo Langkawi kết duyên với chàng chiến binh Wan Darus. Chiến tranh Xiêm – Miến Điện (1766-1767) nổ ra, Darus bị gọi đi tòng quân. Mahsuri phải vò võ một mình chờ chồng. Vốn tính thương người, nàng cho phép khách lãng du đẹp trai tên Deraman tạm trú trong nhà. Ghen tỵ với Mahsuri được sống cùng chàng khách lãng du thanh tú, các nữ nhân trên đảo túm tụm, đơm đặt Mahsuri ngoại tình. Khi sự đố kỵ lên đến đỉnh điểm, họ lao vào tấn công Mahsuri, cuối cùng đâm chết nàng trên cánh đồng lúa. Uất hận, Mahsuri buông lời nguyền: “Sau khi ta chết, người trên đảo này sẽ bị nguyền rủa đến tận 7 đời sau”.
Sau khi chôn cất Mahsuri, cư dân trên đảo Langkawi lần lượt dắt nhau bỏ đi, chỉ sót lại lẻ tẻ vài người. Nhưng bây giờ, khi “7 đời” đã trôi qua, các thế hệ sau của họ lại rục rịch trở về. Langkawi lần nữa trở nên náo nhiệt, thậm chí phát triển du lịch rầm rộ.
4. Peche của Canada
Đảo Peche nằm trên sông Detroit của Canada. Dù cận kề thành phố Detroit, nó vẫn tiếp tục là hòn đảo không người ở. Huyền thoại về sự hình thành của Peche kể rằng Peche vốn là hòn đảo được hình hài từ thân xác trôi dạt của một vị tiên tri. Đến tận thế kỷ XIX, khi nhà Laforet (Pháp) đặt chân lên hòn đảo, Peche mới đón tiếp vị khách đầu tiên. Gia tộc Laforet xây dựng nhà ở, trở thành chủ nhân của hòn đảo.
Năm 1883, ông trùm rượu tên Hiram Walker nảy sinh ý đồ độc chiếm Peche. Hậu duệ nhà Laforet vẫn ghi nhớ Walker đã kéo cả một băng đầu trâu mặt ngựa vào nhà, ép người thừa kế gia tộc lúc đó là bà Rosalie Laforet, phải ký vào hợp đồng sang nhượng hòn đảo. Sau khi lấy được chữ ký của Rosalie, Walker còn ném 300 đô la lên bàn, bắt Rosalie phải rời hòn đảo ngay lập tức.
Rosalie cố nán lại, nhưng Walker liên tục cho người quấy phá. Không thể tiếp tục bám trụ, bà đành dắt cả nhà ra khỏi đảo Peche. Nuốt không trôi cục hận nên trước khi ra đi, Rosalie đã để lại một lời nguyền lên mảnh đất. Bà nguyền rằng “Không một ai có thể làm bất cứ một điều gì trên hòn đảo này”.
Nhà Walker tất nhiên là chẳng thèm đếm xỉa tới lời nguyền ấy. Họ sớm xây dựng dinh thự lớn 40 phòng, quy hoạch một vườn cây ăn trái xum xuê và một sân golf. Không rõ có phải lời nguyền của Rosalie đã linh ứng hay không nhưng nhà Walker bắt đầu rơi vào suy sụp. Sau khi hoàn thành giấy tờ sở hữu hòn đảo cho Walker, luật sư Willis Walker (con trai của Walker) cũng qua đời. Anh chỉ mới 28 tuổi. Ông trùm Walker thì bỏ mạng sau một cơn đột quỵ. Năm 1915, con trai khác của Walker, Edward Chandler Walker, nối gót từ trần. Sự nghiệp của nhà Walker mỗi ngày một lụi bại. Năm 1926, lệnh cấm rượu có hiệu lực. Nó biến thành cú đấm chí mạng vào gia tộc Walker. Và năm 1929, không rõ vì lý do gì, dinh thự nhà Walker bốc cháy. Kể từ đó đến nay vẫn chưa có ai dám đụng tay vào đảo Peche.
- Xem thêm: Tehran, ốc đảo sắc màu nhất xứ Ba Tư
5. Lokrum của Croatia
Lokrum là hòn đảo xinh xắn nằm ngoài khơi bờ biển Croatia, chỉ cách cảng Dubrovnik chừng 600 m. Từ thế kỷ XI, người Croatia đã đặt chân lên hòn đảo. Nhờ khí hậu ôn hòa, Lokrum phát triển nhiều loại cây dại có trái chua chua, ngọt ngọt. Nhiều tu sĩ đã chọn hòn đảo này làm chốn tu trì. Với mớ trái cây sẵn có, họ sẽ không phải lo phần lương thực. Cái tên “Lokrum” cũng có nghĩa “loại trái cây có vị chua chua”.
Đất lành chim đậu, Lokrum ngày càng quy tụ nhiều người nguyện dâng trọn đời cho Thiên Chúa. Tu viện Benedictine và nhà dòng được xây dựng, trở thành nơi định cư lâu dài cho họ. Huyền thoại địa phương kể lại rằng tu viện Benedictine là lòng biết ơn của các cư dân với thánh Benedict. Trước khi tu viện này được xây dựng, đảo Lokrum từng trải qua một vụ cháy lớn. Chỉ với sức người là không đủ để dập lửa, các cư dân bèn ngửa mặt lên trời cầu nguyện thánh Benedict cứu giúp. Họ cũng hứa nếu đám cháy được dập, họ sẽ xây tu viện cho thánh Benedict để trả ơn. Thế rồi một cơn mưa bất thần đổ xuống. Giữ đúng lời hứa, các cư dân địa phương góp công, góp của dựng tu viện, nhà thờ.
Năm 1798, Pháp xâm chiếm đảo Lokrum, đuổi các tu sĩ Croatia ra khỏi tu viện. Năm 1808, khi tu sĩ cuối cùng rời khỏi Lokrum cũng là lúc lời nguyền bắt đầu. Người ta tin rằng đảo Lokrum sẽ nguyền rủa tất cả những kẻ ngoại xâm. Năm 1859, Lokrum trở thành gia sản của nhà Habsburg, một dòng dõi hoàng tộc thế lực nhất ở châu Âu. Quốc vương tương lai của Mexico, Archduke Maximilian Ferdinand, ra lệnh xây dựng một dinh thự vương giả có sân vườn đẹp, rộng trên đảo. Không bao lâu sau khi Ferdinand lên ngôi, ông bị hành quyết. Người Croatia cho rằng đó là vì lời nguyền của đảo Lokrum đã ứng nghiệm.
Ngày nay, nếu đến thành phố Dubrovnik, bạn sẽ vẫn được nghe về lời nguyền của đảo Lokrum, kể cả chuyện một số thuyền bè đánh cá của những kẻ bên ngoài hiếu kỳ mò vào ngó nghiêng Lokrum đã một đi không trở lại.
6. Quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương
Trong tất cả các hòn đảo nguyền rủa, quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương nổi tiếng hơn cả. Năm 1911, William John Wigmore, một người New Zealand, đã thuê một lô đất thuộc quyền sở hữu của gia đình More Uriatua sống trên quần đảo Cook. Chỉ là người đi thuê, nhưng Wigmore lại âm mưu cướp đất. Khi nhà More Uriatua định tiến hành trồng dự án trồng dừa, Wigmore điên cuồng cản trở. Trong lúc tranh cãi, gã còn rút súng bắn chết chủ gia tộc là ông More.
Năm 1913, Wigmore bị trục xuất khỏi đảo Cook vì tội giết người. Dẫu vậy, câu chuyện đã không dừng lại ở đấy. Oán hận Wigmore, con gái của More, Metua A More đặt một lời nguyền lên mảnh đất. Cô nguyền rủa rằng bất kỳ dự án kinh doanh nào được thực hiện trên mảnh đất đã thấm máu tươi của cha cô cũng sẽ thất bại hết.
Những năm 1950-1960, lô đất oan nghiệt này được quy hoạch làm đồn điền trồng thảo mộc, sau đó chuyển sang trồng dứa. Tất cả đều không thành. Cuối thập niên 1980, chuỗi khách sạn Sheraton mua lại mảnh đất. Họ quyết định xây dựng khu nghỉ mát, tính toán chỉ cần đầu tư già 60 triệu đô la là đủ, ai ngờ tốn tận 120 triệu dollar mà vẫn chưa đâu vào đâu.
Ngày 25.5.1990, 77 năm sau khi Metua đặt lời nguyền, cháu trai của bà, More Rua, lại quay về quần đảo Cook. Ông tiến hành một nghi lễ nhằm gia tăng sức mạnh cho lời nguyền của bà ngoại. Với trang phục linh mục đảo Cook, Rua vừa nhảy múa với một cây giáo trong tay, vừa đọc lời nguyền.
Đến năm 1993, 80% dự án xây dựng của Sheraton đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Ngày nay, nó là khu phức hợp nghỉ mát nổi danh với 200 phòng tráng lệ. Lời nguyền của đảo Cook có lẽ đã ngủ yên rồi cũng nên.
7. Đảo Charles của Mỹ
Nằm ngoài khơi bờ biển Connecticut của Mỹ, đảo Charles là một nơi dễ chịu nhưng chỉ rộng có 14 mẫu Anh. Bé tẹo như thế song Charles sở hữu ít nhất là 3 lời nguyền. Lời nguyền thứ nhất có từ năm 1639, được thực hiện bởi tù trưởng của bộ tộc Paugusset địa phương. Người Paugusset coi Charles là hòn đảo linh thiêng song trong cuộc tranh chấp với những người định cư mới, họ đánh mất hòn đảo. Trước khi rút lui, tù trưởng Paugusset đặt xuống đất thiêng một lời nguyền, nguyền rủa tất cả những kẻ đã dẫm đạp đảo thiêng của họ.
Lời nguyền thứ hai là từ gã cướp biển khét tiếng, thuyền trưởng Kidd. Charles là hòn đảo cuối cùng Kidd đặt chân lên. Ông ta có thể đã giấu kho báu của mình ở đây và đặt lời nguyền để bảo vệ chúng.
Lời nguyền thứ ba (cũng là lời nguyền được biết đến nhiều nhất) là lời nguyền của hoàng đế Mexico thế kỷ XVI là vua Guatmozin. Theo truyền thuyết, Guatmozin bị lính của Cortez bắt và tra tấn. Chúng ép ông phải khai ra kho báu bí ẩn của người Aztec. Guatmozin đã không hé miệng nửa lời nhưng vào năm 1721, một nhóm thủy thủ bang Connecticut của Mỹ lại tình cờ phát hiện một kho châu báu giấu trong hang động Mexico. Không cần suy nghĩ, họ lập tức chia chác, của ai nấy khuân về nhà. Và điều đáng sợ đã xảy ra ngay lập tức. Tất cả những kẻ dự phần đều gặp phải tai nạn khó hiểu, sau đó mất mạng. Quá kinh hoàng, lính thủy duy nhất còn sống sót của nhóm đã mang tất cả của nả vô tình có được ấy đem chôn dưới lòng đất đảo Charles. Charles đã tiếp nhận lời nguyền của vua Guatmozin kể từ đó.