Quẩn quanh trong thành phố mãi cũng buồn. Tôi khao khát một chuyến đi. Chỉ cần một chuyến đi, cho dù dài hay ngắn, xa hay gần. Một chuyến đi có ý nghĩa làm mới cuộc sống đơn điệu, một ngày như mọi ngày.
Thì vừa lúc có cuộc họp mặt trường cũ. Năm nay, là một chuyến đi dã ngoại tắm biển tại xã Vinh Thanh và tham quan “thành phố ma An Bằng”. Là người địa phương và nghe nhiều trên phương tiện truyền thông nhưng một số trong chúng tôi chưa ai đến đó nên cũng háo hức lắm.
Xe rời quốc lộ, bon bon trên con đường rải nhựa mới tinh viền hai hàng dương thẳng tắp. Cảnh vật trôi nhanh ngoài cửa xe. Bầy vịt đồng tung tăng trên đầm nước tĩnh lặng, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên trên bãi cát trắng, quán xá hai bên đường đông vui, nhộn nhịp. Con đường như mạch máu trên cơ thể đang hồi sinh, bừng bừng sức sống… Càng gần nơi đến, sự đổi thay càng mạnh mẽ. Một khu phố mới xuất hiện một cách thần kỳ trên vùng cát của một làng quê nghèo. Những ngôi nhà mới tinh như vừa đi ra từ truyện cổ tích. Chúng không mang dấu ấn kiến trúc riêng. Nhà nào cũng na ná giống nhau ở cái vẻ bề thế, đồ sộ, kiểu dáng cầu kỳ, xếp hàng, ưỡn người ra cố khoe hết tiềm lực vật chất và thị hiếu thẩm mỹ của chủ nhân nó. Đôi lúc, người tham quan ngạc nhiên khi bắt gặp những ngôi biệt thự xinh xắn. Mái ngói lô xô, cái màu xám sáng thanh nhã và rất thời trang giữa những khu vườn có tường cao, rào kín. Những non bộ cỡ lớn, những gốc kiểng cổ thụ mà mỗi cây giá cũng vài trăm triệu đồng. Điểm thêm những gara với những chiếc ôtô đời mới. Nhà cửa như thế thì những khu quy hoạch mới ở thành phố cũng thua.
Xe lướt qua… Phía sau khu dân cư và dạt ra hai bên, không xa lắm là một vùng lăng mộ. Cũng có chỗ lăng mộ xen kẽ với nhà dân. Kể như người sống và người chết chen chúc. Lăng mộ nối nhau san sát trên một vùng rộng lớn. Đồng loạt, mới toanh… Những trụ biểu ngất ngưởng, những bình phong cỡ đại tỉa tót cầu kỳ. Đủ cả long, lân, quy, phụng, khảm sành, sứ sáng choang. Nghĩa trang ở đây xây cất một cách tự phát, không theo một quy hoạch nào. Hoành tráng và đồ sộ thực đấy vì cái giá tiền tỉ là phổ biến nhưng thiếu hẳn màu xanh của cây cỏ, lố nhố, trơ trụi giữa một vùng cát bỏng.
Thời gian trước, đây là một vùng quê nghèo. Nhiều người vượt biên qua bên kia, làm ăn khấm khá gửi tiền về làm thay đổi diện mạo của một làng chài ven biển. Xây lăng, đắp mộ để tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên là nét đẹp đạo lý có tính truyền thống của người Việt. Nhưng cái gì thái quá cũng phản tác dụng. Có cần phải xa hoa đến thế không? Với những lăng mộ nguy nga như thế giữa những người thân, linh hồn người chết mãi vướng víu với niềm vui trần thế, làm sao siêu thoát được?
Tuy không ai chủ động cách xuất hiện trên cõi đời, nhưng một số người có thể chọn cách ra đi theo ý mình. Victor Hugo, sau khi đạt đến đỉnh vinh quang của một đời cầm bút đã viết di chúc để lại 40.000 quan cho người nghèo và muốn được chôn trong áo quan của một người nghèo. L. Tolstoi, bá tước và là cây đại thụ của văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX, mộ của ông ở trang ấp Yasnaya Polyana như mộ của bất cứ nông dân Nga nào. “Mùa xuân đầy cỏ và hoa. Mùa đông phủ tuyết”, đúng như tâm nguyện của ông lúc sinh thời. Một số người nổi tiếng lại muốn tro bụi của mình để gió cuốn đi giữa mênh mông của biển rộng, sông dài. Hình như, ở những tâm hồn lớn, sau khi đã chắt lọc hết tinh túy của đời mình để lại, họ ra đi, như hạt muối tan trong nước. Nhẹ nhàng, thanh thản…
Chúng tôi nghỉ ngơi trong một quán nhỏ núp dưới rặng dương. Quán tuềnh toàng, thưa thớt khách vì ở đây xa thành phố và không phải là ngày nghỉ. Tôi duỗi mình vào lưng ghế, tận hưởng… Nắng chan hòa, gió mơn man và khoảng xanh lồng lộng ngoài kia không gì ngăn tầm mắt… Chỉ thế thôi, đủ làm nên giá trị của cả một chuyến đi.
Thơ thẩn hồi lâu trên bãi tắm vắng người. Những chiếc thuyền trườn trên bãi cát, khoang đầy ắp đồ dùng đi biển, tanh nồng mùi vị đại dương. Những người đàn ông vạm vỡ, da màu đồng hun, vừa kiểm tra lưới vừa trao đổi công việc. Những người đàn bà bế con đứng bên góp chuyện. Đây là những thuyền câu cá nục, đánh bắt trong đêm và về bãi cho kịp buổi chợ sáng. Những đứa trẻ tung tăng trên bãi cát, đùa giỡn với những con diều no gió. Một đoàn xe bò kéo theo những chiếc hộc lớn chở nước ngọt, nối đuôi nhau, chầm chậm sát mé nước trong bóng hoàng hôn. Mặt trời rơi xuống phía sau hàng dương, ánh vàng còn rớt lại hắt xuống mặt biển. Rồi nắng nhạt dần, bóng những chiếc thuyền nhấp nhô ngoài kia như xa dần, nhòe đi, loáng thoáng trong sương chiều buông xuống…
Chỉ là một chuyến đi ngắn nhưng cũng có cái để nhìn, để xem, để lắng nghe và suy ngẫm. Mừng vui vì sự thay da đổi thịt của một vùng quê nghèo. Nhưng đọng lại và gây ấn tượng nhất không phải là vẻ huy hoàng, đồ sộ của “thành phố lăng” một thời xôn xao dư luận, mà là vẻ đẹp của bức tranh làng quê vùng biển. Giản dị mà phập phồng hơi thở cuộc sống.