Khi đi ngang bất kỳ cửa hàng bánh ngọt nào thường thì chúng ta dễ nhận biết những loại bánh với hình dáng và màu sắc khá quen thuộc, thế nhưng những chiếc bánh hay ổ bánh được chuyên gia làm bánh ngọt người Ukraina Dinara Kasko thiết kế hoàn toàn khác biệt mà hầu hết chúng ta đều chưa từng nhìn thấy. Trông chúng giống như những tác phẩm được trưng bày trong một bảo tàng mỹ thuật đương đại, có điều đó là những tác phẩm… ăn rất ngon!
Dinara Kasko là người đầu tiên ứng dụng toán học vào công việc làm bánh ngọt đầy sáng tạo của cô, bằng cách kết hợp sơ đồ Voronoi(*) cùng mô hình và in 3D để không chỉ làm những chiếc bánh ngọt cực kỳ đẹp mắt và hết sức lạ lùng, mà còn tạo thành các khuôn bánh giúp cho bất kỳ ai cũng có thể tạo nên những tác phẩm bánh ngọt như cô.
Tốt nghiệp khoa Kiến trúc Đại học Kharkov, từng nghiên cứu về mặt hình học của các công trình kiến trúc và đồ nội thất, Dinara Kasko đã bỏ dở sự nghiệp thiết kế đầy tham vọng của mình và quyết định ứng dụng những điều mình đã học được thời đại học để chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt: làm bánh ngọt. Tất nhiên để có thể chuyển sang một công việc không dính gì đến ngành học, Dinara đã nghiên cứu cách làm bánh trong căn bếp nhỏ ở nhà cô và đã theo học nhiều khóa với các đầu bếp chuyên làm bánh ngọt nổi tiếng. Rồi nghề làm bánh ngọt đã trở thành đam mê và mối quan tâm lớn nhất đối với cô.
Với suy nghĩ ban đầu: “Vì sao không thử làm thứ gì đó mới mẻ và đặc biệt, thay vì chỉ làm những chiếc bánh ngọt thông thường? Tôi đã thử liên kết kiến trúc, thiết kế mẫu với làm bánh ngọt. Một chiếc bánh đẹp cũng giống một công trình kiến trúc đẹp, cần có thiết kế ban đầu”, Dinara chỉ mất năm năm để trở thành một chuyên gia về bánh ngọt lừng danh.
“Tất cả các khuôn bánh tôi đã có khi mới vào nghề đều có hình dạng cơ bản với những cạnh thẳng; từ đó tôi bắt đầu nhận ra có thể ứng dụng các kiến thức kiến trúc để tạo nên những khuôn bánh khác thường và hấp dẫn hơn. Chồng tôi đã khuyến khích tôi thử nghiệm và chúng tôi đã bắt tay làm từ lúc đó. Tôi tìm được vài người trong thành phố tôi sống có thể giúp làm những khuôn bánh theo thiết kế của tôi, và rồi phát hiện có thể dùng máy tính để thực hiện những mẫu khuôn cùng với một máy in 3D, thế là những gì tôi hình dung đã đi vào cuộc sống”, Dinara cho biết. Kết quả thật đáng kinh ngạc, những chiếc bánh ngọt của cô ra đời, nhanh chóng xuất hiện trên bìa nhiều tạp chí thời thượng, thu hút đông đảo người xem khi được đưa lên mạng Instagram.
Với Dinara, sáng tạo chính là bản chất của một cuộc sống phong phú: “Sáng tạo khiến tôi thật hạnh phúc để mỗi ngày đều nỗ lực làm điều gì đó mới mẻ – và đó cũng là phần lớn lao và thú vị nhất của cuộc đời tôi. Sau tám năm làm công việc của một kiến trúc sư, khi bắt đầu bước vào hành trình mới này với những mục đích hoàn toàn khác, tôi chỉ mong muốn được toàn tâm toàn ý cho sáng tạo”. Tuy nhiên không hẳn Dinara không gặp thất bại trong quá trình thử nghiệm. Có lúc cô tưởng đã mất hết hy vọng nhưng rồi kết quả cuối cùng đã đến, đó là khi cô “có thể tạo những khuôn bánh mà người khác có thể sử dụng, nhờ đó họ cũng có thể làm được những chiếc bánh độc đáo”. Những chiếc bánh ngọt độc đáo đó dù hình dáng thật khác thường nhưng nguyên liệu để làm chúng cũng không khác biệt với nguyên liệu để làm các loại bánh xốp, bánh kem sôcôla, bánh mứt dâu, bánh trứng đường…
Với các ứng dụng toán học, kiến trúc kết hợp công nghệ 3D, các chiếc bánh được làm từ khuôn do Dinara thiết kế có hình dáng thiên biến vạn hóa với cấu trúc lạ lùng như thể chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng. Các sáng tạo của cô còn nâng lên nhờ tham khảo sản phẩm bánh ngọt của các đầu bếp bậc thầy Guillaume Mabilleau, Julien Alvarez và Nicolas Boussin, cùng với các thiết kế ảo diệu của các kiến trúc sư lỗi lạc Zaha Hadid, Norman Foster và Santiago Calatrava. Còn cội nguồn cảm hứng sáng tạo các khuôn mẫu có thể đến từ các kiến trúc hiện đại, các tác phẩm nghệ thuật, cũng có thể từ một nghệ sĩ nào đó hay thậm chí là từ một đồ vật trong tự nhiên.
Cảm hứng có thể đến bất chợt cũng có thể là một quá trình ngẫm ngợi dài lâu rồi mới lóe lên. Liệu cô có thể chuyển bất kỳ hình khối kiến trúc nào thành bánh ngọt? Và đâu là những giới hạn? Dinara Kasko cho rằng với sự trợ giúp của công nghệ 3D, có thể tạo bất kỳ hình dạng nào cho bánh ngọt, sự tưởng tượng là vô hạn. Tuy nhiên, với các vật liệu mới và với công nghệ mới người ta có thể sáng tạo với bất kỳ ý tưởng nào trong quá trình xây dựng một công trình kiến trúc, trong khi đó nguyên vật liệu để làm bánh ngọt chỉ có giới hạn, hơn thế nữa điều quan trọng nhất là bánh ngọt dù làm với bất kỳ hình dáng và cấu trúc nào cũng phải ăn được và phải thơm ngon. Bánh ngọt phải thơm ngon và đẹp.
Tuy nhiên Dinara cho rằng làm bánh không hẳn là một nghề; đối với cô làm bánh đơn giản là một niềm vui cuộc sống. Ngoài thú vui làm bánh, sáng tạo những mẫu bánh mới, người mẹ của một bé gái ba tuổi này còn là một nhà du hành không mệt mỏi. Những chuyến đi đến nhiều xứ sở cho cô cơ hội quan sát, trải nghiệm và tìm thấy cảm hứng sáng tạo. “Mỗi khi đến một vùng nông thôn hay một thành phố, đều có thứ gì đó khiến bạn suy nghĩ với tư cách một nhà thiết kế. Tôi đã đến nhiều nước và mỗi quốc gia đều cho tôi những ý tưởng khác nhau. Những chuyến du hành giúp mở rộng tầm nhìn của tôi… Tôi ngắm nhìn những gì to tát lẫn những gì nhỏ bé ở những nơi mình đến. Đó có thể là những cao ốc khổng lồ được Rem Koolhaas hay Le Corbusier thiết kế, hoặc đó có thể là những gì thật nhỏ nhoi trong thiên nhiên…”.
(*) Sơ đồ hay lược đồ Voronoi được đặt tên theo nhà toán học người Nga Georgy Voronoi, trong chuyên ngành hình học tính toán, lược đồ Voronoi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các bài toán tìm các cặp điểm gần nhất trên mặt phẳng.