Nếu những tác phẩm điện ảnh vẫn gây cảm xúc cho người xem với những chuyện tình đầy lãng mạn thì trong đời thường, những chuyện tình có thực và ly kỳ không kém cũng đã từng xảy ra.
1. 60 năm xa cách
Anna Kozlov chỉ mới làm đám cưới được 3 ngày thì phải chia tay với chồng cô, anh Boris. Anh ra đi chiến đấu trong lực lượng Hồng quân và cô chờ anh trở về.
Trong thời gian Boris xa nhà, chính quyền Stalin đã đưa Anna và gia đình cô đi Siberia, thậm chí Anna không kịp để lại một chữ nào cho chồng cô. Sau đó, Boris đã bỏ ra nhiều năm tìm kiếm vợ mình.
Tuy hai người cùng sống trong một thành phố, nhưng Anna bị ngăn cản trước những cuộc thăm viếng của người ngoài nên hai người hoàn toàn mất liên lạc.
Anna quẫn trí đến mức cô đã toan tự tử. Sau đó, mẹ cô đã hủy bỏ tất cả những kỷ vật thời Boris và Anna còn sống chung với nhau như những tấm ảnh cưới và các thư từ. Cuối cùng, cô tái hôn. Boris, do mất tin tức về vợ, nên cũng đã hành động tương tự.
Năm tháng trôi qua, mãi 60 năm sau cả hai người mới gặp lại nhau, một sự kiện tưởng như phép mầu. Cuối cùng, Anna đã có dịp về thăm Borovlyanka, thành phố ngày xưa hai người đã sống chung.
Từ xa, bà trông thấy một người đàn ông cao tuổi. Đó chính là Boris. Ông đến làng để thăm mộ cha mẹ ông. Và khi nhận ra Anna, ông chạy về phía bà. Trong câu chuyện thần tiên có thực, họ đã làm đám cưới lần thứ hai và sống hạnh phúc bên nhau.
2. 75 năm sau nụ hôn đầu tiên
Khi Carol Harris đóng trong phim Người đẹp ngủ trong rừng, bạn đồng diễn với cô, George Raynes, đã hôn cô. George đóng vai hoàng tử và anh vừa học vỡ lòng nụ hôn đầu tiên của mình.
Sau khi học trung học, George rời khỏi Saint John, New Brunswick để đến Toronto, Ontario. Ở đó, anh làm đám cưới và xây dựng gia đình.
Mấy thập niên trôi qua, 61 năm sau, ông góa vợ. Ông quyết định về thăm lại nơi chốn xưa ở Saint John, và ở đó, bà Carol và ông George lại tái ngộ.
Họ nhanh chóng trở thành những người bạn thân thiết. Mối tình lãng mạn nảy nở, George cầu hôn Carol trong một nhà hàng ở Ontario.
Nói về nụ hôn đầu trong câu chuyện thần tiên của họ, ông George nói với tạp chí People rằng cuộc tình của họ “giống như phim Người đẹp và quái vật”, còn bà Carol nói: “Cuối cùng, tôi đã tìm thấy được chàng hoàng tử khả ái của tôi”. 75 năm sau nụ hôn đầu tiên, họ đã thành hôn với nhau.
3. Đám cưới nhân ngày sinh nhật thứ 100
Năm 1983, trong một buổi tiệc, các bạn bè đã ghép đôi cho ông Forrest Lunsway và bà Rose Pollard, hy vọng hai người sẽ khiêu vũ chung với nhau.
Forrest đã hai lần góa vợ. Rose đã góa chồng và từ lâu vẫn hay ốm đau, không quan tâm đến chuyện tái hôn. Bà chỉ muốn có một tình bạn.
Cho dù họ sống cách xa nhau 64km, họ vẫn cố gắng đến thăm nhau thường xuyên. Đó là một quá trình tìm hiểu chậm chạp.
Trong hai thập niên kế tiếp, ông Forrest thường lái xe vượt chặng đường xa đến với bà Rose theo hẹn và sau đó lại quay về nhà trong đêm.
Năm 2003, ông dọn đến sống chung với bà ở bãi biển Capistrano. Sau đó, ông cầu hôn. Bà Rose nghiêm túc không nhận lời; năm đó ông 90 tuổi và bà 80.
Bà nói đùa sẽ đồng ý lấy ông khi ông 100 tuổi. Đối với Forrest, đó không phải là lời nói đùa. Và khi ngày sinh nhật thứ 100 của ông đã đến, bà đã quyết định nhận lời cầu hôn của ông.
Họ làm đám cưới với nhau tại Trung tâm Cộng đồng ở địa phương của họ vào ngày sinh nhật 100 tuổi của ông. Một khách sạn xinh đẹp ở gần đó đã hiến tặng một phòng sinh nhật miễn phí nhìn ra biển.
Những tấm thiệp chúc mừng họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Thậm chí Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng gửi lời chúc mừng.
4. Phải chia tay nhau sau 62 năm chung sống
Ông Wolf Gottschalk (83 tuổi) đã gặp vợ ông, bà Anita (81 tuổi) vào năm 1954 ở Đức. Họ yêu nhau và cưới nhau sau 4 tháng gặp gỡ.
Đôi tình nhân người Canada này đã chung sống với nhau 62 năm, nhưng bây giờ khi muốn chia sẻ thêm thời gian với nhau, họ bị buộc phải sống cách xa nhau.
Ashley Kaila, cháu gái của họ, đã chia sẻ bức ảnh xúc động này trên trang Facebook của cô, cùng với phần tường thuật chi tiết câu chuyện của hai người.
Sở dĩ hai ông bà cụ bị buộc phải sống xa nhau là do thiếu giường ở nhà dưỡng lão Residence at Morgan Heights tại Canada. Thân nhân của hai cụ cố gắng tranh đấu để các cụ vẫn được tiếp tục chung sống bên nhau.
Bi kịch gì sẽ xảy ra khi họ phải sống xa nhau? Cụ ông Gottschalk bị bệnh lú lẫn. Có khả năng là ông sẽ quên mất vợ ông, nếu họ sống cách xa nhau lâu dài. Ông cũng được chẩn đoán bị bệnh ung thư hạch bạch huyết và suy tim sung huyết.
Cô Ashely viết trên Facebook: “Tài chính, thể lực và cảm xúc đều kiệt quệ, tôi và gia đình tôi cầu xin sự giúp đỡ của bạn bè. Chúng tôi đã liên lạc với chính quyền địa phương, dịch vụ chăm sóc sức khỏe Fraser Health và làm các thỉnh nguyện đơn, nhưng tất cả đều không được quan tâm và trả lời”.
Cuối cùng, cô khẩn khoản: “Chúng tôi muốn đòi sự công bằng cho ông bà chúng tôi sau 62 năm chung sống bên nhau trong những ngày tháng cuối đời của họ”.
5. Yêu nhau trong xa cách
Khi Irina và Woodford McClellan kết hôn, họ không bao giờ tưởng tượng rằng họ sẽ phải xa cách nhau trong 11 năm rồi mới được tái đoàn tụ.
Vào đầu những năm 1970, Irina sống ở Moscow, làm việc cho Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế. Ở đó, cô gặp một giáo sư người Mỹ tên Woodford McClellan.
Irina và Woodford đã yêu nhau, 2 năm sau đó họ kết hôn vào tháng 5.1974. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, visa của Woodford hết hạn và anh phải rời Liên Xô trở về quê nhà.
Woodford đã cố gắng đến thăm vợ của mình tại Moscow, nhưng nhiều lần bị từ chối nhập cảnh. Đổi lại, Irina đã bị từ chối cho phép rời khỏi đất nước.
Hai vợ chồng mới cưới đã đánh dấu ngày kỷ niệm của họ bằng những tấm thiệp, những ảnh chụp và các cuộc gọi điện thoại cho nhau.
Hơn 11 năm sau, cuối cùng, Irina cũng được chấp thuận chuyển đến Hoa Kỳ. Vào cuối tháng 1.1986, bà đến sân bay quốc tế Baltimore-Washington.
- Xem thêm: Bí mật của tình yêu vĩnh cửu
Chồng bà, người mà bà đã nhìn thấy lần cuối cách đó 10 năm trước tại một sân bay cách xa hàng ngàn dặm, chào đón bà với sự phấn khích và vòng tay rộng mở.
Về sau, bà Irina đã kể lại câu chuyện cảm động của họ trong quyển Tình yêu và nước Nga: Cuộc tranh đấu cho chồng tôi và sự tự do.
6. Cuộc hôn nhân lâu dài nhất
Cô Ann 17 tuổi, là người Syria nhập cư. Anh John 21 tuổi. Hai người lớn lên trong cùng một khu phố. Họ là đôi bạn thời trung học, anh đón đưa cô đến trường Connecticut của họ. Cha mẹ của Ann cản trở mối tình của hai người. Cha cô muốn gả cô cho một người đàn ông hơn cô 20 tuổi.
Không từ bỏ mối tình, John và Ann đưa nhau đến thành phố New York. Cha cô than thở, nhưng người trong gia đình an ủi ông rằng tình yêu của đôi trẻ rồi cũng sẽ không bền.
Đôi uyên ương làm đám cưới với nhau năm 1932, chứng kiến những biến đổi trên thế giới, từ cuộc Đại suy thoái đến Thế chiến thứ hai, từ thời kỳ hoàng kim của vô tuyến truyền thanh đến vô tuyến truyền hình, rồi đến những chiếc iPhone.
Ngày 24. 11. 2013, John và Ann Betar đã tổ chức lễ kỷ niệm đám cưới lần thứ 81 của họ. Cặp đôi này có rất đông con cháu. 5 người con của họ sinh ra 14 người cháu, và kế đến là 16 đứa chắt. Cụ John, 102 tuổi. và cụ Ann, 98 tuổi, là đôi vợ chồng sống lâu nhất Hoa Kỳ.