Liệu bài toán chống ngập được giải quyết đến đâu, có giúp người dân bớt âu lo khi mùa mưa đang đến và nạn ngập lụt “đến hẹn lại lên”?
Người dân phải tự làm đê bao để ngăn nước vào nhà
Nhiều đơn vị cùng thi công nhưng…
Tình trạng ngập ở TP.HCM phát sinh cùng với quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, có nghĩa là bộc lộ rõ từ khoảng đầu những năm 2000. Nằm ở hạ lưu hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai, TP.HCM có hơn một nửa diện tích là vùng đất thấp, mạng lưới sông rạch chằng chịt nhưng hệ thống thoát nước lại thiếu nên chỉ cần triều cường hoặc lũ từ các sông lớn, hoặc có sự kết hợp giữa mưa, lũ và triều cường cao thì nhiều quận, huyện không tránh khỏi bị ngập.
Để giải quyết nạn ngập, UBND TP.HCM đã thành lập một số đơn vị triển khai việc chống ngập. Theo số liệu thống kê thực hiện từ năm 2003 đến 2011, thấp nhất là năm 2003, TP.HCM có 356 lần ngập tại 64 vị trí (vùng trung tâm chịu 348 lần ngập tại 62 vị trí), còn đỉnh điểm là năm 2007 với tổng số lần ngập là 984 tại 125 vị trí (vùng trung tâm chịu 869 lần ngập tại 107 vị trí). Các dự án chống ngập ban đầu được chia làm nhiều giai đoạn và kinh phí thực hiện được huy động từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước. Đến năm 2008, do muốn tập trung về một đơn vị quản lý nên UBND TP.HCM quyết định thành lập Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN), hiện đang thực hiện cải tạo kênh rạch vùng ngoại vi: kênh Ba Bò (Thủ Đức), kênh tiêu Đồng Tiến, rạch Cầu Suối (quận 12).
Sơ đồ hơn 100 điểm ngập lụt cần sớm giải quyết tại TP. Hồ Chí Minh
Trước đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thực hiện các dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn I), gồm các gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước mưa bằng bơm, xây dựng cống bao, trạm bơm chuyển tiếp nước thải, xây dựng nhà máy xử lý nước thải 141.000m3/ngày, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hủ – Kênh Đôi – Kênh Tẻ (giai đoạn II).
Đối với các công trình, dự án nạo vét kênh rạch, ngoài kết quả nạo vét, khơi thông dòng chảy cho 92 tuyến kênh, rạch, cửa xả với tổng chiều dài trên 15km thì tiến độ thực hiện các công việc khác bị chậm trễ do nhiều nguyên nhân. Công trình vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè do Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thực hiện, đã nạo vét 742.300m3 trên tổng số 781.595m3 (đạt 95%, khối lượng còn lại dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2012). Kênh Tàu Hủ – Bến Nghé do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị thực hiện. Khối lượng nạo vét chưa đạt yêu cầu do gặp khó khăn trong việc giải tỏa hộ dân ở bãi đổ bùn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở NN &PTNN) mới đạt 79% khối lượng. Kênh Ba Bò do vướng có… ba hộ dân mà chưa giải phóng được mặt bằng, phải tạm ngưng thi công nên chỉ đạt 35%. Kênh Tân Hóa do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thực hiện còn đang chờ xét thầu. Việc nạo vét rạch Hàng Bàng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thực hiện, nhưng được UBND TP.HCM yêu cầu điều chỉnh thiết kế thành kênh hở thay cho cống hộp nên chưa thực hiện.
Sẽ có bao nhiêu điểm ngập được xóa trong năm 2012?
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước trong năm 2011, TP.HCM đã xóa được 39 trong tổng số 70 điểm ngập (giảm 67,7% so với 96 điểm trong năm 2009), riêng vùng trung tâm còn 14 trong tổng số 31 điểm (giảm 79,7% so với 69 điểm trong năm 2009). Khoảng 100 tuyến cống thoát nước với chiều dài 202km trong tổng số 172 tuyến dài 289km đã được đưa vào vận hành. Bên cạnh đó, 44 công trình cấp bách cũng được thực hiện, thêm 100 tuyến kênh rạch, cửa xả được nạo vét, khơi thông…
Triều cường gây ngập trên đường Bến Phú Định (quận 8) khiến việc đi lại và buôn bán của người dân gặp khó khăn
Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 31 điểm ngập với thời gian ngập trung bình là 59 phút. Theo dự kiến, đến cuối 2012 sẽ xóa tiếp mười điểm ngập nặng trên các tuyến đường An Dương Vương (quận 6, đoạn từ Tân Hòa Đông đến Bà Hom), Hậu Giang (quận 6, đoạn từ Tháp Mười đến Bình Tiên), Lãnh Binh Thăng (quận 11, đoạn từ Tuệ Tĩnh đến Lò Siêu), Phan Anh (quận Tân Phú, đoạn từ Tân Hòa Đông đến rạch Bàu Trâu), Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, đoạn từ Đài Liệt sĩ đến D2), Vũ Tùng (quận Bình Thạnh, đoạn từ Bùi Hữu Nghĩa đến Trường Tô Vĩnh Diện), quốc lộ 1A (quận 12, đoạn từ Nguyễn Văn Quá đến Lê Thị Riêng), Quang Trung (quận Gò Vấp, đoạn từ Phạm Văn Chiêu đến chân cầu Chợ Cầu), Gò Dưa (quận Thủ Đức, đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến Tô Ngọc Vân) và đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, phía trước Trường Trung học Kỹ nghệ). Nguyên nhân gây ngập tại các điểm trên là do rạch bị lấn chiếm làm cho dòng chảy hẹp lại, hệ thống cống xuống cấp, tiết diện cống không đủ lớn để thoát nước, đường bị trũng sâu… Phương án chống ngập đã được thông qua gồm có các giải pháp cấp bách như sửa chữa các vị trí cống bị xuống cấp, nạo vét lòng cống… cùng giải pháp bổ sung là di dời các hộ dân lấn chiếm rạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công cầu, lắp đặt cống tại tuyến đường bị ngập.
Cần phối hợp nhiều giải pháp để chống ngập hiệu quả hơn
Theo TS Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu TP.HCM, chống ngập là biện pháp giảm thiểu thiệt hại chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn được nạn ngập. Hiện toàn thành phố có trên 100 điểm ngập. Tổng thời gian ngập ở TP.HCM lên tới 30 ngày mỗi năm, độ ngập sâu từ 0,15 đến 0,3m, nơi nặng nhất tới 0,6m. Trong khi đó, số điểm ngập do mưa và triều cường có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, mức độ ngập năm sau cao hơn năm trước khoảng 1cm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngập ở TP.HCM là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các dự án chống ngập. Hằng năm, TP.HCM bị sụt lún khoảng 2 – 3cm, thủy triều năm sau luôn cao hơn năm trước, dẫn đến hệ thống tiêu thoát nước bị tăng tải. Trong khi đó, hệ thống các công trình chống ngập của thành phố ngày càng lỗi thời và nhiều điểm đã bị quá tải, nhất là những lúc có mưa lớn kết hợp với triều cường hay khi xả lũ.
Tuy tình trạng ngập ở các quận nội thành TP.HCM đã giảm được đáng kể, nhưng tất cả các dự án hiện có đều thiên về giải pháp công trình với mức độ bảo vệ hữu hạn, dễ bị tổn thương khi đối phó với các biến cố vượt thiết kế. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước Trung tâm chống ngập cũng nhìn nhận: “Các dự án còn thiếu sự đồng bộ trong triển khai. Muốn kiểm soát tình trạng ngập lụt ở TP.HCM, cần phải đánh giá các rủi ro thông qua đầy đủ các kịch bản để xây dựng các phương án đối phó mang tính chiến lược, không thiên lệch về phía giải pháp công trình. Cần nghiêm túc rút bài học từ việc lũ lụt ởBangkok(Thái Lan) để có lộ trình chuẩn bị phù hợp với địa hình của TP.HCM”. Trong khi đó, hiện nay lại xảy ra nhiều yếu tố bất định khó lường trước, chẳng hạn nhiều cơn mưa có vũ lượng lớn, tình trạng lún, lũ thượng nguồn, nước biển dâng… Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng để giải quyết bài toán ngập nước cho TP.HCM, cần phải xem xét kỹ các dự án hiện có để đồng bộ hóa các nhóm giải pháp cả về không gian và thời gian thì mới nâng cao được hiệu quả chống ngập lụt.
Ngân An