Bộ Quốc phòng Nhật đang lên kế hoạch mua thiết bị tối tân và bổ sung máy bay chiến đấu F-35, một phần nằm trong gói ngân sách vũ trang lớn nhất từ trước đến nay nhằm tăng cường lực lượng chiến đấu tại các khu vực đảo phía nam nằm trong địa phận tranh chấp với Trung Quốc. Đầu tuần qua, Bộ Quốc phòng Nhật đã đề nghị gói ngân sách yêu cầu lên tới 5.100 tỉ yen, tương đương 42 tỉ USD, cho năm tài khóa tới bắt đầu từ tháng 4-2016, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm nay. Đó cũng là đợt tăng ngân sách quốc phòng thứ tư dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe và kết thúc 10 năm cắt giảm ngân sách quốc phòng trước đó. Chính quyền ông Abe cho hay Nhật Bản cần đẩy mạnh vai trò của quân sự trước sức ép đầu tư lớn cho quân sự của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh ngày một thể hiện rõ hơn tham vọng xâm lấn biển đảo. Hẳn nhiên Tokyo cũng quan ngại đến rủi ro bị khủng bố tấn công. Quốc hội Nhật Bản kỳ vọng vào cuối tháng 9 này sẽ thông qua bản dự thảo cho phép mở rộng vai trò hoạt động của quân đội Nhật Bản bao gồm chiến đấu tại hải ngoại, sát cánh các đồng minh Mỹ và châu Âu.
Việc gia tăng ngân sách bắt nguồn phần lớn từ các gói hợp đồng đề xuất mua thiết bị vũ trang mới, gồm 17 trực thăng thăm dò, sáu phi cơ chiến đấu F-35 và ba máy bay không người lái tối tân Global Hawk. Việc đóng tàu ngầm Soryu cũng được lên kế hoạch nhằm tăng cường hỗ trợ bảo vệ biển đảo và công tác tuần tra. Đến nay, Soryu là mẫu tàu ngầm thuộc loại lớn nhất thế giới và Tokyo kỳ vọng sẽ bán một số cho Úc nhằm thay thế các mẫu tàu ngầm Collins đang được sử dụng tại đây. Ngân sách yêu cầu cũng bao gồm chi phí triển khai quân đội tại hai đảo phía nam là Amami Oshima và Miyako. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nhật cũng cần quỹ cho việc cải tiến hoạt động thu thập thông tin bằng cách hợp tác với các chuyên viên tình báo tại ba khu vực mới bao gồm Jordan, UAE và Mông Cổ. Nhằm tăng cường an ninh cho công dân Nhật tại hải ngoại, Bộ Ngoại giao nước này cũng yêu cầu thêm 470,5 tỉ yen, tương đương 3,9 tỉ USD, mà một phần thuộc chương trình hỗ trợ phát triển chính thức của quốc gia. Toàn bộ gói ngân sách này sẽ chính thức được soạn thảo thành bản dự luật vào tháng 12-2015 trước khi đệ trình Quốc hội. Gói ngân sách quốc phòng Nhật Bản hiện đứng thứ ba so với hai gói ngân sách khổng lồ khác bao gồm sức khỏe y tế, phúc lợi xã hội và giao thông vận tải. Tính đến đầu tháng 9, tổng yêu cầu ngân sách cho năm tài khóa 2016 đã vượt mức 102 nghìn tỉ yen, tương đương 840 tỉ USD, con số cao kỷ lục từ trước tới nay, theo Đài phát thanh quốc gia Nhật Bản NHK.
Lâm Kiên theo AP (DNSGCT)