Hơn ba năm sau tai họa hạt nhân Fukushima, tuần qua Cơ quan quản lý an toàn Hạt nhân Nhật Bản đã đưa ra thẩm định, theo đó hai lò phản ứng hạt nhân phát điện ở vùng Tây Nam nước này đủ tiêu chuẩn an toàn. Đây là một bước đi quan trọng tiến tới việc khởi động trở lại năng lượng hạt nhân trong thời gian tới ở Nhật.
Nhà máy điện hạt nhân Sendai ở Satsumasendai
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân độc lập của Nhật đưa ra kết luận thuận chiều cho việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện.
Để tránh tái diễn tai họa hạt nhân Fukushima xảy ra cách đây ba năm, Cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Nhật đã rà soát lại toàn bộ hệ thống lò phản ứng trên cả nước và đưa ra những tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật ngặt nghèo, buộc các trung tâm hạt nhân phải có các biện pháp đủ để đối phó với những biến cố thiên tai như sóng thần, động đất, núi lửa phun, mưa bão và nhiều nguy cơ khác.
Chính vì những tiêu chí an toàn mới đó mà toàn bộ hệ thống 48 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã bị ngừng hoạt động, khiến cho Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu năng lượng làm thiệt hại không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Nội dung thẩm định trên còn phải được chính thức thông qua trong vòng 30 ngày sau khi lấy ý kiến người dân. Nếu mọi việc suôn sẻ, hai lò phải ứng hạt nhân Sendai 1 và 2 có thể được cấp phép để hoạt động trở lại vào tháng 8-2014.
Những dấu hiệu bật đèn xanh này đang mang lại hy vọng cho chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vốn rất quyết tâm duy trì năng lượng hạt nhân để phục hồi kinh tế, một chủ trương gây nhiều tranh cãi trong chính giới cũng như dư luận ở Nhật.
Có thể giải thích cho quyết tâm phục hồi hoạt động năng lượng hạt nhân của chính phủ Nhật là cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Tokyo muốn tránh bị lệ thuộc năng lượng đồng thời chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại quá lớn do phải nhập khẩu khí đốt với giá đắt đỏ phục vụ các nhà máy nhiệt điện từ khi các lò phát điện hạt nhân bị đóng cửa.
Nhưng dù vượt qua được các chuẩn mực an toàn khắt khe của Cơ quan quản lý hạt nhân độc lập nói trên thì việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vẫn vấp sự chống đối của giới bảo vệ môi trường và một bộ phận khá đông người dân, vốn vẫn còn bị ám ảnh bởi mối nguy hiểm của hạt nhân, đặc biệt là từ sau tai nạn Fukushima.
N. Nam