Tokyo hiện đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với châu Phi, chủ yếu vì tầm quan trọng của các nước thuộc lục địa đen đối với nền kinh tế Nhật Bản. Trang mạng Foreign Affairs mới đây đã đăng một bài phân tích cho thấy rất nhiều khoáng sản và tài nguyên thô dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu của Nhật, từ xe hơi, máy móc công nghiệp đến hàng gia dụng đều có thể được cung ứng từ các quốc gia châu Phi. Bằng việc mở rộng đầu tư và khuyến khích hợp tác liên doanh, Tokyo hy vọng giành được chuỗi cung ứng các nguyên vật liệu sau này.
Thực chất đây là chính sách xoay trục của Tokyo mà một trong những biểu hiện đáng kể nhất diễn ra hơn một tháng trước đây khi Thủ tướng Abe công du tới Kenya nhân Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD 6) với sự tham dự của 54 quốc gia ở lục địa đen cùng một số tổ chức quốc tế.
Tại đây, Thủ tướng Abe đưa ra cam kết về khoản đầu tư 30 tỉ USD của Nhật Bản cho các dự án cơ sở hạ tầng trên châu lục này trong vòng ba năm tới. Cam kết ấy phản ánh một sự chuyển đổi rộng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với châu Phi, đó là chuyển từ viện trợ sang thương mại và từ chính phủ đến lĩnh vực tư nhân.
Với chính sách này, đối thủ thứ nhất của Nhật Bản trong việc giành ảnh hưởng tại châu Phi là Trung Quốc, mà thập niên qua đã cam kết hàng chục tỉ USD thông qua các khoản đầu tư, tín dụng và hợp tác liên doanh. Đối thủ thứ hai là Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng qua việc thành lập Diễn đàn Ấn Độ – châu Phi và tính đến năm 2014 đã có 15 tỉ USD đầu tư vào nhiều dự án tại các quốc gia châu Phi.
Thế nhưng thông điệp của Nhật Bản đến với các nước châu Phi rất rõ ràng là có những con đường đến với sự phát triển bền vững. Quan điểm này đang thu hút các quốc gia tại lục địa đen khi một số nước bắt đầu lên tiếng than phiền về chính sách kinh tế hướng vào thương mại và các chương trình đầu tư không rõ ràng của Trung Quốc. Nhưng dù gì đi nữa thì thách thức của chính sách xoay trục của Nhật Bản hướng về châu Phi vẫn còn rất lớn, khi kim ngạch thương mại giữa Nhật và các nước châu Phi năm 2015 chỉ đạt 20 tỉ USD, so với 180 tỉ USD của Trung Quốc.
Tokyo cũng đang bổ sung cho các bước đi kinh tế của Nhật Bản bằng một sự thúc đẩy ngoại giao qua các chuyến công du của Thủ tướng Abe đến gần 10 nước châu Phi và được xem là vị thủ tướng Nhật đến châu Phi nhiều lần trong thời gian ngắn chỉ bốn năm từ khi nhậm chức vào năm 2012.
Qua các chuyến công du ông Abe cũng hy vọng nhận được sự ủng hộ của châu Phi cho chiến dịch kêu gọi cải tổ Liên Hiệp Quốc của Tokyo. Nhật Bản là một trong những quốc gia tài trợ lớn cho Liên Hiệp Quốc, từ lâu đã tìm cách có được một ghế trong Hội đồng Bảo an và đã vận động các quốc gia châu Phi ủng hộ nỗ lực này. Tuy vậy, nhiều nước châu Phi vẫn còn lưỡng lự chủ yếu là do mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quốc gia phản đối kịch liệt nỗ lực tìm ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Nhật Bản.
V.Đ (DNSGCT)