Họa sĩ Chóe (sinh năm 1943 – mất năm 2003), tên thật là Nguyễn Hải Chí, ông được xem là “họa sĩ biếm số một của Việt Nam”. Biếm họa của ông được giới thiệu trên hầu hết các tờ báo Việt Nam và một số tờ báo nước ngoài.
Hoạt động hội họa và báo chí từ năm 1965, cuộc đời của họa sĩ Chóe cũng khá “ba chìm bảy nổi”. Ông đã có vài lần bị giam cầm cả trước và sau năm 1975, nhưng mỗi khi kể về khoảng thời gian này với bè bạn, ông chỉ nửa đùa nửa thật: “Với tôi, đó là thời gian tôi học chơi đàn, học sáng tác nhạc hay lai rai viết…”.
Là một người đa tài, ông sáng tác cả thi văn nhạc họa, nhưng nhắc đến tên ông, công chúng thường liên tưởng ngay đến nét bút, nét cọ độc đáo trong các biếm họa trên các trang báo, hay các bức tranh hí họa nhân vật vẽ bằng sơn dầu được triển lãm từ năm 1992 và những bộ tranh nhân vật khác được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước quan tâm lưu giữ.
Từ “biếm họa” chuyển sang “hí họa” trên tranh sơn dầu nghệ thuật là một bước chuyển trong cách nhìn lẫn họa pháp của họa sĩ Chóe.
Trong dịp tổ chức triển lãm “Nhân Vật Của Chóe” năm 1992 tại Phòng Triển lãm của Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, chính họa sĩ Chóe đã chia sẻ về lý do ông dùng từ “hí họa” như sau: “Khi vẽ biếm họa chính trị-xã hội, tôi dùng kỹ thuật bóp hình cường điệu, vừa khái quát vừa chi tiết để hướng nét vẽ vào mục đích đả kích. Bây giờ, khi vẽ tranh sơn dầu, tôi chỉ dùng bố cục, màu sắc và nét vẽ cường điệu để khắc họa và tạo hiệu quả gây cười, giúp người xem dễ nhớ, dễ đồng cảm về những nét nổi bật nhất của nhân vật được thể hiện trong tranh chứ không có ý đả kích”.
Là người có dịp tham gia trao đổi trực tiếp với họa sĩ Chóe trong quá trình thực hiện các bộ tranh 35 Danh nhân văn hóa thế giới (khổ 70 x 90 cm, triển lãm năm 1992); 2 bộ tranh về Các đời tổng thống Mỹ (1993, 1994)), trong đó có một bộ tranh thể hiện các tổng thống Mỹ như một món đồ chơi trong tay các phu nhân tổng thống, và đặc biệt là bộ tranh về các Danh nhân văn hóa Việt Nam (1995), gồm 57 bức, khổ 50 x 65 cm, chúng tôi thật sự cảm phục trước khả năng làm việc theo kế hoạch, vừa có tác phong khoa học trong việc đầu tư nghiên cứu về các nhân vật, vừa có tính sáng tạo trong bố cục, lại rất nghệ sĩ, rất phiêu trong màu sắc và nhát cọ, nhờ thế mà mỗi bộ tranh của ông, một mặt, vẫn thống nhất về phong cách, nhưng mặt khác, vẫn hết sức đa dạng; mỗi nhân vật luôn có được nét độc đáo và mang hồn vía riêng biệt đến bất ngờ.
Trong clip này, nhờ có sự hỗ trợ và tạo điều kiện của nhà sưu tập Nguyễn Kim Khanh, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn 19 Nhân vật của Chóe trích trong bộ tranh 57 chân dung Danh nhân văn hóa Việt Nam được nhà sưu tập Hàn Tấn chuyển lại cho anh. Hy vọng qua những bức vẽ này, công chúng mỹ thuật sẽ có cơ hội hình dung và cảm nhận được phần nào nghệ thuật vẽ hí họa nhân vật khá độc đáo của họa sĩ Chóe, người mà theo cách nói của nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng thì “họa sĩ chính là kẻ sáng tạo nên chính mình”.
Khắc họa chân dung của nhà thơ Huy Cận, họa sĩ Chóe chỉ gợi nhắc hai thi ảnh trong bài Ngậm ngùi, là hình ảnh “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi” trên khuôn mặt nhà thơ và hình ảnh “con nhện giăng tơ”:
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Ngồi buồn con nhện giăng tơ
Em ơi ! hãy ngủ, anh hầu quạt đây…
Với nhà văn, nhà thơ Thế Lữ, họa sĩ Chóe thể hiện khí chất của một văn tài dựa vào tứ thơ bài Nhớ rừng:
“Gặm một khối căm hờn sau cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé, diễu oai linh rừng thẳm…”.
Một nhạc sĩ Văn Cao gắn liền với những dòng kẻ âm nhạc như những chặng đường đời và luôn gắn liền với hình ảnh chai rượu, đã đủ để quảng diễn một người nghệ sĩ từng trải, gắn bó, say mê âm nhạc và mượn nhạc để tỏ bày cách nhìn riêng về những thăng trầm của lịch sử.
Chân dung của học giả Đào Duy Anh với vầng trán rộng, đeo mục kỉnh soi từng mục từ của đời sống trên lòng bàn tay để biên soạn từ điển.
Nhà sưu tập đồ cổ Vương Hồng Sển được thể hiện như một vị thần chui ra từ miệng của một chiếc bình gốm.
Chân dung nhà thơ Chế Lan Viên hòa nhập và nghiêng ngả theo những ngọn tháp Chăm với màu tím gợi nhớ đến tác phẩm Điêu tàn.
Nhà thơ Hàn Mạc Tử, được thể hiện như một người có gan “rao bán trăng” với câu thơ bất hủ: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị nổi tiếng với bộ ký tự điêu khắc riêng của mình được họa sĩ vẽ khắc họa chân dung như một bà Hoàng điêu khắc, bằng chính những mẫu ký tự giống như biến thể của áo mão cung đình.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng với bài Tiếng Thu:
“Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”.
Được vẽ với đôi tai ngơ ngác vểnh lên để lắng nghe tiếng Thu, tiếng đời, với những nhát cọ như những chiếc lá vàng chuyển từ nhạt đến đậm như rừng thu đang xào xạc lá đổ.
Nhạc sĩ Phạm Duy được khắc họa từ ca từ của nhạc phẩm Bên cầu biên giới với tâm trạng phân vân chọn lựa: “sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên dòng Đa-nuýp?”. Trong khoảnh khắc đó, bên cầu biên giới ông “lặng nghe dòng đời từ từ trôi!…”.
Trong bộ sưu tập, có một bức chân dung tự họa của Chóe vẽ theo yêu cầu tặng kèm của nhà sưu tập, ông in cả hai bàn tay của mình ở cả hai mặt tranh như một hình thức thủ ấn họa, trên đó, ông phác họa mình như những vệt màu còn sót lại từ những bức vẽ.
Bức chân dung tự họa này gợi nhắc đến bức chân dung ông vẽ nhà văn Ernest Hemingway.
Trong tác phẩm “Ngư ông và biển cả”, ngư ông cuối cùng cũng câu được con cá lớn của cuộc đời mình, nhưng khi khi vào bờ, con cá cũng đã bị rỉa hết thịt da, chỉ còn lại bộ xương. Theo họa sĩ Chóe, thông điệp của Hemingway là “mỗi người phải tự câu lấy niềm vui của chính mình”. Về phần mình, trong tranh, Chóe thể hiện “ngư ông và biển cả” qua hình tượng một người không đầu đi câu lại cái đầu của chính mình, được vẽ hao hao khuôn mặt Chóe. Bức tranh ngập tràn màu đỏ, người đi câu oằn mình, khó khăn đánh vật với cái đầu của chính mình, với chiếc cần câu cong vòng như muốn gãy. Bức tranh như một lời tự sự: “Mỗi họa sĩ, mỗi người phải tự tìm lại cái đầu của chính mình, để tự suy tư độc lập và sáng tạo”.
Mê tranh là một chuyện, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sưu tập được cả bộ tranh mà mình yêu thích. Nhà sưu tập Nguyễn Kim Khanh cho biết:
“Năm 1995, tôi có dịp được xem triển lãm tranh của họa sĩ Chóe tại số 39 đường Lê Duẩn. Lúc bấy giờ, tôi đã rất ấn tượng với nét vẽ độc đáo của họa sĩ Chóe. Nhưng phải đợi đến 20 năm sau, khi biết nhà sưu tập Hàn Tấn có ý chuyển nhượng lại bộ sưu tập Danh nhân văn hóa Việt Nam, tôi mới có cơ hội sở hữu được những bức tranh hí họa nhân vật rất ấn tượng của người họa sĩ mà mình hằng yêu thích. Qua tranh của Chóe, tôi tiếp tục tìm hiểu thêm về thế giới nhân vật của ông, tìm thêm những tư liệu về các nhân vật trong tranh cũng như các tư liệu về họa sĩ Chóe. Tôi ao ước một ngày nào đó không xa, sẽ có được một không gian tranh riêng dành cho Chóe. Ở đó, tôi sẽ bày trọn bộ sưu tập cùng những tài liệu sách vở liên quan để chia sẻ cùng công chúng mến mộ ông…”.
Nhận xét về họa sĩ Chóe, họa sĩ Nhop, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ họa sĩ Biếm của Báo Tuổi Trẻ Cười từng chia sẻ:
“Họa sĩ Chóe là họa sĩ thuộc thế hệ đàn anh, nhưng do có thời gian công tác chung, nên anh cư xử với tôi như một người bạn vong niên. Sau đợt anh tham gia triển lãm tranh “Phụ nữ nước tôi” tại Nhật 1995, chính anh là người đã giới thiệu tôi tham dự triển lãm biếm họa tại Nhật năm 1996, với chủ đề “Dân số và Môi trường”. Qua bộ sưu tập Danh nhân văn hóa Việt Nam, có thể thấy trên nền tảng thành công của biếm họa, khi chuyển qua hí họa trên tranh sơn dầu, anh đã có bước phát triển mới khá thú vị. Không chỉ dừng lại ở bút nét, ở tranh sơn dầu của anh đã khai triển sâu hơn hình họa màu. Màu sắc đa dạng và mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, trong nhiều bức, cả bố cục cũng góp phần làm tăng thêm ấn tượng ngữ nghĩa và khắc họa tính cách nhân vật. Tôi rất mong anh Khanh sẽ sớm có không gian riêng dành cho tranh Chóe, để công chúng mỹ thuật có dịp được thưởng thức và tìm hiểu thêm về dòng tranh độc đáo của người họa sĩ tài hoa này”…
- Xem thêm: Chóe: từ biếm họa đến hội họa