Khi còn tại vị, Đặng Tiểu Bình đã cẩn thận dặn dò thuộc cấp áp dụng kế sách “Lặng lẽ quan sát, giấu mình chờ thời, giỏi về phòng thủ, quyết không đi đầu”, che giấu ý đồ làm bá chủ thiên hạ, tránh làm phật lòng Mỹ, giữ quan hệ hữu nghị với các nước, bảo đảm có được từ 30 tới 40 năm hòa bình để xây dựng nền tảng kinh tế, chính trị và văn hóa vững chắc cho sự trỗi dậy của con rồng Trung Hoa.
Đến thời Hồ Cẩm Đào, khi Trung Quốc đã khẳng định vị trí đáng nể, trên bàn cờ kinh tế – chính trị thế giới, quan điểm “trỗi dậy hòa bình” lại được công khai tuyên bố khiến các cường quốc thế giới, nhất là Mỹ, yên tâm tin tưởng vào một sự cường thịnh trong hòa bình của Trung Quốc và làm ngơ trước những hành động xâm lấn theo kiểu tằm ăn dâu của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Đông.
Đến thời chấp chính của Tập Cận Bình, một nhân vật xuất thân từ quân đội, có tính cách quyết đoán, thâm trầm khó lường, bề ngoài mềm mỏng khiêm tốn, bề trong cứng cỏi tự phụ, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã ngoặt sang “tình hình mới”. Theo quan điểm của Tập, “tình hình mới” hàm ý nghĩa Trung Quốc giờ đây đã đủ mạnh, đủ sức “sử dụng cơ hội chiến lược một cách tốt nhất để giữ chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.
Hệ quả chính trị của học thuyết này là kể từ nay, việc thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” không còn do những nhà chính trị lão luyện, thận trọng và những kinh tế gia thực dụng nhiều kinh nghiệm đảm trách mà sẽ được giao phó cho nhóm tướng lãnh kiêu ngạo có tham vọng bành trướng lãnh thổ, theo xu hướng dân tộc cực đoan đang được khuyến khích lan tràn trong một bộ phận thanh niên Trung Quốc.
Liệu “Giấc mơ Trung Hoa” đích thực có cần đến việc mở rộng biên cương ở Biển Đông theo một đường lưỡi bò chỉ có trong tưởng tượng? Thật ra, đường lưỡi bò thoạt đầu được nhà cầm quyền Quốc dân đảng Trung Quốc thiết kế nhằm mục tiêu chiếm đoạt nguồn năng lượng dầu khí và khoáng sản dồi dào tại Biển Đông. Mục tiêu này được thai nghén và thực hiện ngay từ giữa thế kỷ trước, khi dầu lửa được xem là nguồn năng lượng vô đối của phát triển.
Tuy nhiên càng về sau, nhất là khi ý nghĩa về hiệu quả khai thác dầu khí càng lúc càng suy giảm do giá dầu thô xuống thấp hơn chi phí khai thác dầu trên biển, thì lý do biện minh cho các khoản chi tiêu tốn kém quá mức để mở rộng biên cương ở Biển Đông được các tướng lĩnh Trung Quốc chuyển sang mục tiêu “vĩ đại” hơn: Trung Quốc tự quyết định cho phép ai và quốc gia nào được sử dụng con đường hàng không và hàng hải huyết mạch ở Biển Đông, khu vực chiến lược quan trọng hàng đầu của vùng châu Á – Thái Bình Dương, nơi mỗi năm có đến 5 ngàn tỉ USD hàng hóa được vận chuyển ngang qua. Nếu mục tiêu này đạt được, Trung Quốc sẽ thực thi đế quyền của mình và ban phát “nền hòa bình Trung Hoa” trên một vùng không gian địa chính trị rộng lớn hơn thời kỳ Hán Vũ đế, bao gồm các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Mục tiêu vĩ đại đó khiến cho cuộc đại chinh phục Biển Đông lần này sẽ là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Quốc, vận dụng toàn bộ những kinh nghiệm, mưu lược, chiến thuật, thủ đoạn khôn khéo tinh vi nhất tích lũy được trong suốt bề dày lịch sử của đế chế Trung Hoa để tấn công trên khắp các mặt trận kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự… có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều quốc gia. Lộ trình tiến chiếm các mục tiêu lãnh thổ – sau đó được biến thành các pháo đài kiên cố trên biển – được tiến hành kiên trì, nhưng hành động chớp nhoáng vào những thời điểm thuận lợi, không để xung đột kéo dài để Mỹ có cớ can thiệp.
Như vậy, Trung Quốc chủ động biến những lãnh thổ đang thuộc chủ quyền của nước khác thành lãnh thổ tranh chấp, và từ lãnh thổ tranh chấp thành ra lãnh thổ thuộc Trung Quốc, áp dụng đối sách thương lượng song phương với quốc gia bị mất lãnh thổ để lợi dụng ưu thế của kẻ mạnh hơn. Các biện pháp văn, võ đều được đồng thời vận dụng. Về văn, Trung Quốc dùng các biện pháp hành chính xác lập chủ quyền trên các lãnh thổ chiếm đóng. Về võ, Trung Quốc dùng tàu hải quân xua đuổi ngư dân các nước hoạt động trong ngư trường truyền thống của họ, đụng vỡ tàu thuyền, tịch thu ngư cụ, bắt giữ ngư dân, ngăn chặn các hoạt động nghiên cứu thăm dò của nước khác ngay trong các vùng biển của nước họ.
Trong khi cây gậy sắt trên Biển Đông làm “sứt mẻ” – cả theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen – quan hệ với các nước láng giềng, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về mối quan hệ đối ngoại tháng 12-2014, Trung Quốc lại đưa ra củ cà rốt qua tuyên bố tập trung nhiều hơn vào việc củng cố quan hệ với các nước trong khu vực, tiếp tục “tấn công quyến rũ” các nước Đông Nam Á với sáng kiến kinh tế “đôi bên cùng có lợi”, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á và Con đường Tơ lụa Hàng hải thế kỷ XXI. Mục tiêu là khiến một số nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có tranh chấp với Bắc Kinh dao động, từ bỏ thái độ đối đầu, lôi kéo các nước không tranh chấp ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, gây chia rẽ giữa các nước trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, liệu các tướng lĩnh Trung Quốc có thực hiện được giấc mộng bá chủ Biển Đông? Trên góc độ chiến lược, cuộc hành quân chinh phục Biển Đông là không hiệu quả, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh, không phù hợp với lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Đó là một cuộc phiêu lưu cực kỳ tốn kém. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc nên tăng cường vũ khí phòng vệở Biển Đông, trong đó có các hệ thống radar tiên tiến, các tàu chiến, máy bay, các thiết bị khác cho các đơn vị đồn trú trên các đảo xa xôi và việc này sẽ cần rất nhiều tiền”.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên 10,1% vào năm 2015 lên mức 144,2 tỉ USD (trên thực tế con số còn cao hơn rất nhiều). Chi tiêu quốc phòng tăng cao, nhưng mức tăng trưởng GDP 2015 của Trung Quốc xuống thấp nhất trong vòng một thập niên, mức xuất siêu cũng giảm kỷ lục, hiện tượng thoái vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc lại gia tăng. Đồng nhân dân tệ mất giá nghiêm trọng, thị trường chứng khoán bị chao đảo chưa từng có, hàng ngàn tỉ USD bị bốc hơi. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm, nợ nước ngoài hơn 40% GDP và sẽ vượt 43% GDP vào năm 2017. Nền kinh tế Trung Quốc đang tiến vào một thời kỳ suy thoái nghiêm trọng.
Cái giá phải trả chưa ngừng lại ở đó. Hành động gây hấn của Trung Quốc đã khiến cho chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ “bất chiến tự nhiên thành” và giúp Mỹ được trải thảm đỏ chào đón ở Đông Á như người hùng Robin Hood. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký kết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã thành hình vào cuối năm 2015, làm cho sức hấp dẫn của các cuộc “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc trở nên nhạt nhẽo.
Mục tiêu tối hậu kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc càng trở nên xa vời khi nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông không những được Mỹ, Nhật và các nước trong vùng Đông Á xem như một vấn đề sinh tử của họ, mà còn được sựủng hộ rộng rãi của EU, Ấn Độ và toàn thế giới. Để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, Mỹ, Nhật và các đồng minh sẽ xác định một lằn ranh trắng mà Trung Quốc không thể vượt qua, nếu không muốn tái diễn sự kiện bát quốc liên quân.
Như vậy điều tốt nhất Trung Quốc có thể làm bây giờ là “rút củi đáy nồi”, từ bỏ tham vọng lãnh thổ, trở thành một láng giềng thân thiện trong khu vực. Trung Quốc vốn là một đại cường quốc trên thế giới, không quốc gia nào không thừa nhận điều đó. Nhưng sẽ là điều tốt nhất cho thiên hạ, nếu bên cạnh vị thế siêu cường, Trung Quốc còn là một nước yêu chuộng hòa bình, không ỷ mạnh hiếp yếu.