Theo đó, các ngân hàng khu vực đồng euro được phép đạt tới mức 350 tỉ nhân dân tệ (tương đương với 42 tỉ euro) và các ngân hàng Trung Quốc là 45 tỉ euro. Đây là tổng số tiền mà các ngân hàng có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khách hàng của mình. Mục tiêu của thỏa thuận là tạo điều kiện cho trao đổi mậu dịch bằng đồng nhân dân tệ giữa các doanh nghiệp châu Âu và Trung Quốc.
Báo chí Pháp đánh giá việc ký kết thỏa thuận nói trên là ý muốn của Trung Quốc để quốc tế hóa đồng tiền của họ. Nỗ lực này đã mang lại kết quả như mong muốn. Trước đây ngân hàng trung ương một số nước như Chile, Nigeria, Thái Lan… bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ để đa dạng hóa nguồn dự trữ hối đoái. Một chuyên gia về châu Á tại Đại học Khoa học Chính trị Paris nhận định: “Đây là cách giảm lệ thuộc của các quốc gia này vào đồng USD, đồng thời tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, từ tháng 9-2013 đồng nhân dân tệ đã gia nhập Câu lạc bộ 10 đơn vị tiền tệ được trao đổi nhiều nhất trên thế giới, trong khi vào năm 2004 chỉ đứng ở vị trí thứ 35.
Nhiều biện pháp cởi mở sẽ được tiến hành. Nếu như trước đây, việc quy đổi đồng nhân dân tệ được Bắc Kinh quản lý chặt chẽ, việc tự do quy đổi sắp được thí điểm trong khu vực tự do trao đổi mậu dịch Thượng Hải. Trong mọi trường hợp, việc đồng nhân dân tệ có giá hay không còn phụ thuộc vào tiến triển của đồng USD.
Vẫn chuyên gia về châu Á trên đánh giá: “Một khi đất nước của ông Obama còn là cường quốc tài chính số một, tờ bạc xanh vẫn là đơn vị tiền tệ tham khảo trong mắt các nhà đầu tư”. Theo ông, việc hoán đổi sẽ không diễn ra trước khoảng 10 đến 15 năm tới.
N. Nam