Những ngày cuối năm 2013 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc triển lãm tranh đặc biệt có tên gọi “Một gương mặt của lịch sử” mà tác giả là một nhà thơ Mỹ nổi tiếng: Kevin Bowen.
Cách đây vài năm Kevin Bowen đã gặp một tai nạn nghiêm trọng khiến ông bị tổn thương não và mất một phần trí nhớ. Vẽ chân dung những người mình từng gặp, trong đó có nhiều bạn văn ở Việt Nam, được ông coi là một liệu pháp giúp phục hồi trí nhớ. Trong lần đến nước Mỹ gần đây, nhà thơ Nguyễn Duy đã ghé thăm Kevin Bowen và là một trong những người đầu tiên được xem các chân dung trong xê-ri tranh “Một gương mặt của lịch sử”.
Tháng Mười vừa qua, nhờ một dịp may tình cờ, tôi được trở lại thành phố Boston, không vướng bận công việc gì cả, chỉ để thăm bạn bè và ngắm cái vàng thu Bắc Mỹ.
Giữa bạt ngàn “rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” tôi ngỡ ngàng lạc vào không gian mới của một người bạn cũ, đó là xưởng vẽ của nhà thơ Kevin Bowen – cựu Giám đốc Trung tâm William Joiner (nay là Viện William Joiner) thuộc Đại học Massachusetts ở Boston, người rất gắn bó với Việt Nam và đặc biệt thân thiết với các nhà văn Việt Nam.
Mấy năm nay, kể từ ngày về hưu, Kevin dừng làm thơ và chuyển ngành sang vẽ. Cũng giống như một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam chẳng học qua trường vẽ vời nào cả, thích vẽ thì cứ vẽ, rất nghiệp dư, nhưng khác họ là ông thuê hẳn một xưởng vẽ trong khu nhà sáng tác nghệ thuật chuyên nghiệp. Hằng ngày ông lái xe từ nhà tới xưởng, đóng vào bộ quần áo nhem nhuốc màu dầu và đắm đuối múa cọ với phong thái họa sĩ thực thụ.
Kevin vẽ bằng tình cảm và ký ức, toàn hình ảnh quê hương ông và gương mặt người thân, bạn bè. Trong số rất nhiều tranh cả treo trên tường lẫn đang vẽ dở, lạ thay, phần lớn là chân dung nhà văn, nhà thơ Việt Nam, những người ông từng đón sang thăm nước Mỹ hoặc được mời làm việc với trường ông. Tôi nhận ra “một góc” Hội Nhà văn Việt Nam tụ họp nơi đây, một, hai, ba…, mười, mười lăm…, hai mươi…
Ngày 15-12 vừa qua, triển lãm “Một gương mặt của lịch sử” (A face of the history) gồm hơn 30 bức tranh sơn dầu của nhà thơ Kevin Bowen đã khai mạc tại Hà Nội, với sự bảo trợ của Hội Nhà văn Việt Nam(*). Trong diễn từ khai mạc, ông xúc động trình bày: “Trong suốt 25 năm qua, tôi vinh dự được đón tiếp những vị khách đến từ Việt Nam. Những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, học giả, và những người nổi tiếng, họ tới Boston và thường ở lại trong ngôi nhà của chúng tôi ở Dorchester và Dedham, Massachusetts, đôi khi là vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Trong thời gian ở trong ngôi nhà đó, họ đã nấu ăn cùng chúng tôi trong bếp, chơi với con cái chúng tôi ở sân sau, ngồi cùng chúng tôi những buổi tối ngoài hiên nhà nhìn ra khu vườn, những khoảng không tĩnh lặng nơi họ chia sẻ những câu chuyện phong phú và mở ra một cánh cửa đi vào văn hóa, thi ca và lịch sử đất nước họ. Mục đích của những bức tranh trong cuộc triển lãm này là đưa ra một gương mặt của lịch sử, bày tỏ lòng kính trọng tới những văn nghệ sĩ đã có những cống hiến xuất sắc cho đất nước, cho nghệ thuật và quá trình hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam…”.
Nhà thơ, dịch giả Kevin Bowen nguyên là Giám đốc Trung tâm William Joiner nghiên cứu về chiến tranh và các hậu quả xã hội của chiến tranh, trực thuộc Đại học bang Massachusetts ở Boston. Ông tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1968-1969 thuộc Sư đoàn kỵ binh không vận số 1; sau đó tốt nghiệp Đại học Massachusetts và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Buffalo ở New York.
Kevin Bowen đã xuất bản nhiều tập thơ, hầu hết đều lấy cảm hứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam như: Chơi bóng rổ với Việt cộng, Khúc nguyện cầu ở Khách sạn Edison, Tám bản đồ thật sự về phương Tây…; là dịch giả và đồng chủ biên một số hợp tuyển văn xuôi và thơ như: Viết giữa những phòng tuyến: hợp tuyển về chiến tranh và hậu quả chiến tranh, Thơ chiến tranh Việt Nam, Đường xa: tuyển thơ Nguyễn Duy, Sáu nhà thơ Việt Nam…
Thơ Kevin Bowen thường truy tìm những mảnh vỡ của ký ức và bản ngã nảy sinh từ những chấn thương gây bởi chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam. Ông hiện sống với vợ và hai con ở Dedham (Massachusetts).