Đang ngon trớn, “chiếc xe” VN-Index đã gặp phải “ổ gà” và có vẻ như đoạn đường không bằng phẳng này còn chưa kết thúc sớm. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn trên đà bán ra, khiến cho nhiều nhà đầu tư nội vốn đang hào hứng mua vào những bluechip bị khối ngoại bán ra dần trở nên thận trọng hơn. Cũng phải, bởi nếu giá cổ phiếu được đánh giá “tốt” ngày hôm sau có thể giảm hơn ngày nay, thì chẳng ai dại mua gấp làm gì. Đó là lý do chính khiến VN-Index có chuỗi giảm điểm liên tục trong những ngày giữa tháng 9.
Việc nhận định khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần chốt danh mục của các quỹ ETF là điều khá dễ dàng, bởi VNM được thêm vào trong lần tái cơ cấu danh mục này đã khiến cho các mã khác bị giảm mạnh tỷ trọng, nhưng động thái bán ròng khá quyết liệt của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Trong tuần từ 12 đến 16-9, khối ngoại đã bán ròng với tổng trị giá 1.948,47 tỉ đồng (hơn 90 triệu USD). Đặc biệt, trong phiên cuối cùng khi các quỹ ETF hoàn tất kỳ tái cơ cấu, khối ngoại đã có phiên bán ròng kỷ lục của năm, lên tới hơn 1.500 tỉ đồng.
Một điểm đáng nói nữa trong giao dịch những ngày qua là thanh khoản của thị trường trong các phiên giao dịch khớp lệnh sụt giảm mạnh. Nguyên nhân một phần là sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước như đã nói, phần khác do có sự thay đổi trong quy chế giao dịch trên các sàn giao dịch, cụ thể là bước giá được làm giảm đi 10 lần, chỉ còn 10 đồng cho mỗi lệnh tăng/giảm giá, khiến cho bảng điện tử nhìn khá rối mắt và cũng làm cho cảm giác hưng phấn của một số nhà đầu tư khi “tranh mua tranh bán” không còn nữa.
Thực ra, việc thay đổi bước giá trong quy chế giao dịch chứng khoán mới là khá tích cực, khi giúp cho cả người mua lẫn người bán có thể bình tĩnh xem xét những biến động về giá của cổ phiếu trước khi quyết định đặt lệnh. Hiện trên HSX có khoảng một phần ba số cổ phiếu được giao dịch dưới mệnh giá, nhiều trường hợp cổ phiếu chỉ có hai, ba bước giá giao dịch (theo cách thức cũ), khiến nhà đầu tư chỉ có thể lựa chọn cách đặt giá bán sàn, thậm chí là phải bán sàn liên tục trong nhiều phiên nếu muốn thoát nhanh. Việc chia thành các bước giá nhỏ hơn cũng làm hạn chế việc kê lệnh, hay cung – cầu ảo, bởi với các bước giá sát nhau như hiện nay, người ta có thể bán thẳng hay mua thẳng vào các lệnh đang có trên sàn. Đây là bước chuẩn bị cho quy chế giao dịch trong ngày và các nhà quản lý hy vọng rằng với nhiều mức giá lựa chọn như vậy, nhà đầu tư có nhiều động cơ hơn để giao dịch, qua đó, thanh khoản thị trường cũng tăng theo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phản ứng của nhà đầu tư là… ngược lại, càng thận trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh khối ngoại bán ròng, chính điều này khiến cho thanh khoản của thị trường chỉ giảm chứ không tăng. Dù sao thì việc thay đổi quy chế giao dịch chỉ là biến động về kỹ thuật, nên khó thể có tác động lâu dài. Dần dà thì thị trường sẽ chỉ phụ thuộc vào quy luật giá trị và cung – cầu của cổ phiếu.
Thị trường những ngày cuối tháng 9 sẽ hướng sự tập trung vào các vấn đề bên ngoài, cụ thể là áp lực tăng lãi suất của đồng USD có khiến cho khối ngoại thận trọng và thu hẹp quy mô vốn hay không, cộng với theo dõi sự biến động của giá dầu. Ở trong nước, nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng (đã bán hơn 5.000 tỉ đồng kể từ đầu tháng 8), sự thận trọng của nhà đầu tư sẽ biến thành lo ngại, đặc biệt khi chỉ số P/E bình quân ở các bluechip đang ở mức khá cao. Đây không phải là giai đoạn dành cho những nhà đầu tư ngắn hạn.
Ngọc Khang (DNSGCT)