Ngành hàng xa xỉ của Ý sẽ đi đâu về đâu. Một bài viết nhìn lại chặng đường phát triển của ngành thời trang Ý sau Thế chiến thứ II.
Một triển lãm đầy ý nghĩa
Bảo tàng Victoria & Albert (London) hiện đang trình làng một triển lãm đầy đủ về nền thời trang Ý từ sau Thế Chiến II đến thời hiện đại, được bảo trợ bởi nhà trang sức nổi tiếng thế giới Bvlgari. Triển lãm thể hiện những tài năng cá nhân cũng như những tổ chức đã tạo nên danh tiếng của thời trang Ý như ngày nay, bao gồm thời trang nam, nữ và những kỹ thuật, chất liệu, tay nghề nghệ nhân của nước Ý.
Sau thế chiến thứ II, một nước Ý phát xít điêu tàn đã nhanh chóng vực dậy, thể hiện tài nghệ của mình trong các lĩnh vực hàng xa xỉ. Những sàn diễn “sala bianca” tại Florence vào thập niên 1950, những bộ phim Hollywood lấy bối cảnh Ý vào thập niên 1960, những ngôi sao điện ảnh vĩ đại như Audrey Hepburn và Eliabeth Taylor đã trở thành đại sứ thời trang cho đất nước thanh lịch này, làm cả thế giới phải dõi theo. Triển lãm giới thiệu hơn 100 thiết kế thời trang và phụ kiện của các nhà thời trang hàng đầu Ý như Simonetta, Pucci, Sorelle Fontana, Valentino, Gucci, Missoni, Giorgio Armani, Dolce & Gabbana, Fendi, Prada and Versace.
Nước Ý quay lại kỷ nguyên của sự xa xỉ
Sau khi thua trận ở Thế chiến II, chính quyền Ý cố gắng phục hồi đất nước với sự trợ giúp của Mỹ trong kế hoạch Marshall Plan, thúc đẩy sự phát triển của những nhà kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng xa xỉ. Vào năm 1951, nhà thiết kế Giovanni Battista Giorgini ra mắt show thời trang thế giới đầu tiên tại Ý. Một năm sau ông đã dùng sảnh “Nhà Trắng” (Sala Bianca) trong cung điện tráng lệ nhất Florence là Pitti Palace để biến thành sàn diễn thời trang lộng lẫy nhất thế giới, tạo thành một tiền lệ cho làng thời trang đang vực dậy của Ý.
Ngành may mặc và thời trang Ý bắt đầu thúc đẩy giao thương toàn cầu, cung cấp cho cả thế giới hậu chiến những sự xa xỉ tột bật của xứ sở thời trang Địa Trung Hải sành điệu nhất thế giới.
Nghệ thuật cắt may điêu luyện
Thanh lịch, không hề cứng nhắc khuôn khổ nhưng vẫn bóng bẩy, sang trọng, đó chính là danh tiếng cắt may của các nghệ nhân người Ý. Thời điểm hậu chiến, nước Ý là một cái nôi sôi sục của nghệ thuật, trong đó điện ảnh với những siêu sao như Marcello Mastroianni, mặc những bộ Âu phục cắt may cực bén, khiến cả thế giới đổ đến Ý để đặt hàng những bộ quần áo đắt tiền.
Made In Italy
Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, Ý nhanh chóng trở thành đất nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong ngành hàng vải và may mặc. Những doanh nghiệp gia đình trở nên lớn mạnh, và cái mác “Made In Italy” trở thành một thứ danh giá trên các sản phẩm văn hoá và ngành hàng xa xỉ.
“Made in Italy” trở thành một chiến dịch marketing tôn vinh những sản phẩm chất lượng đỉnh cao phong cách: từ điện ảnh, nghệ thuật, ẩm thực, du lịch, trong đó thời trang là một tượng đài vĩ đại.
Văn hoá “nhà thời trang”
Từ giữa thập niên 1990, thời trang đã trở nên toàn cầu hoá. Rất nhiều nhà thiết kế thời trang Ý trở thành nhân vật truyền thông nổi tiếng, càng củng cố cho địa vị của nước Ý trên bản đồ thời trang thế giới. Những nhà thời trang Versace, Armani, Bvlgari, Valentino đã phát triển đế chế thời trang của họ đến những dịch vụ, sản phẩm phong phú hơn cả quần áo, phụ kiện. Có thể kể đến trang trí nội thất, đồ dùng trong phòng ngủ, trong phòng tắm, các resort, spa… Một số thương hiệu gia nhập các tập đoàn hàng xa xỉ đa quốc gia, lại càng phát triển hình ảnh của họ trên toàn thế giới một cách mạnh mẽ hơn nữa. Với kinh nghiệm gia công và thợ khéo từ hàng trăm năm, các sản phẩm da thuộc, vải dệt độc đáo, kết hợp với các thiết kế lịch duyệt độc đáo miền Địa Trung Hải, các nhà thời trang này đã làm mưa làm gió khắp thế giới, một lần nữa khẳng định tên tuổi của Ý.
Tương lai nào cho thời trang Ý
Trong hoàn cảnh kinh tế Ý khá mờ mịt như hiện tại, các nhà thời trang Ý vẫn trụ vững và không ngừng thay đổi để phát triển. Từ năm 2000 trở đi, dù đất nước có nhiều “thảm hoạ” về chính trị, tệ nạn nhập cư bất hợp pháp và các vấn nạn về kinh tế, các nhà thời trang của Ý phải lần lượt bán cổ phần, chuyển nhượng thương hiệu cho các tập đoàn nước ngoài. Sự tràn lan của các sản phẩm Trung Quốc và xu hướng thẩm mỹ của các đại gia Trung Quốc đang ngày càng ảnh hưởng và chi phối đến các thương hiệu thời trang cao cấp Ý. Chúng ta vẫn chưa biết được nước Ý sẽ hồi phục như thế nào để những tên tuổi đã trở thành tượng đài lịch sử vẫn giữ nguyên được những giá trị như thời hoàng kim của đồ xa xỉ thế giới.
Kay Nguyen