Trong trí nhớ của nhiều người, Cửa Lò ở Nghệ An thường là nơi tắm biển đông đúc, ồn ào những ngày hè. Có dịp đến đây vào lúc tiết trời xuân lành lạnh, thị xã còn thưa vắng du khách, chúng tôi mới được ngắm một Cửa Lò giản dị mà xinh đẹp, yên tĩnh mà đầy sức sống.
Sáng sớm, những du khách tò mò đi về đầu thị xã phía bắc để thăm cảng cá và chợ hải sản. Cảng chợ nằm ở nơi sông đổ ra biển. Khi mặt trời mới ửng đỏ giữa nền trời trắng sữa, thuyền cá ra khơi đi lộng từ hôm trước đã kịp vào đây cặp bến đổ hàng. Thương lái gồng gánh; ôtô, xe lớn xe nhỏ chờ thu mua; đặc biệt là các bà các chị chen chúc tìm mua món ngon, món rẻ, món lạ. Tất cả tạo nên một khung cảnh ồn ào náo nhiệt và từ đó sinh ra một dịch vụ khá thú vị, đó là các đoàn xe điện chở khách. Đi dạo bên sông bằng phương tiện này du khách cảm thấy vừa an toàn, vừa thơ mộng.
Nắng lên cao rồi, muốn tìm nơi im mát, mọi người tìm đến chùa Lô Sơn, tên chữ là Phổ Am Tự, được xây dựng từ thời nhà Lê, thuộc làng Vạn Lộc, phường Nghi Tân. Chùa không lớn lắm nhưng thanh tịnh, linh thiêng, ẩn hiện giữa những cây đại thụ sum suê, xanh biếc. Công trình được xây trên sườn núi Cao, dựa vào thế núi, núi và chùa đan quyện hài hòa, làm nổi bật vẻ đẹp của nhau.
Phổ Am Tự do Tể tướng Nguyễn Văn Miên dựng vào năm Vinh Thịnh (1705-1719) đời vua Lê Dụ Tông. Trên tấm bia đá cổ được ghi vào sách Hoan châu bi ký có lời văn ca ngợi công đức người dựng chùa và cảnh đẹp ở đây như sau: “Hoan châu cảnh đẹp, Vạn Lộc nổi danh, tướng dòng nhà tướng, khác hẳn thường tình, uy phong lẫm liệt, tướng mạo đường hoàng. Rồng mây gặp hội, công nghiệp hưng vong. Duyên may hòa hợp, sánh người tao khang. Làm nhiều công đức, thuyền chở xe mang. Dựng chùa tạc tượng, kẻ cột chạm xà. Trước sau cao ngất, tả hữu đối nhau. Lại đúc chuông to, tuyên dương Phật giáo…”. Đặc biệt, đầu xuân Tân Mão 2011, chùa vinh dự được Thượng tọa SanVaDo ở chùa Suyli (Myanmar) dâng cúng Xá lợi Phật.
Cách chùa không xa, đền Vạn Lộc ba năm một lần tưng bừng lễ hội tháng Giêng. Kiến trúc cổ này được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử, đền vẫn lưu giữ nhiều hiện vật quý. Đền Vạn Lộc thờ Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (năm 1444-1506) – con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Ông là người có công lớn trong việc giúp triều đình nhà Lê đánh đuổi giặc ngoại xâm và an dân. Đặc biệt ông được các thế hệ người dân Cửa Lò tôn kính bởi công lao chiêu dân lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc. “Vạn Lộc” là tên chữ của làng được Nguyễn Sư Hồi đặt với ý nghĩa hết sức lớn lao mong muốn cho “muôn lộc đổ về vùng đất này”. Sau khi ông qua đời, được nhân dân lập đền thờ phụng và tôn làm thành hoàng làng.
Lễ hội đền Vạn Lộc năm 2017 thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Ở phần hội, các trò chơi dân gian như đua thuyền, chọi gà, đánh cờ người, kéo co… làm rộn ràng cả một vùng sông núi. Bên cạnh đó còn có lễ rước được tổ chức quy mô với hàng chục kiệu rước thần của các di tích, các dòng họ trên địa bàn thị xã.