Nguyễn Sự – Chủ tịch UBND thị xã Hội An, quần ngắn, áo may ô, hai chân cho luôn lên tấm phản nhẵn bóng, tay vỗ đùi đen đét, mắt dán vào chiếc ti vi đang tường thuật trận bóng đá Anh, rồi thỉnh thoảng xuýt xoa tiếc rẻ một pha bóng hay hết lời phê phán cầu thủ này, trọng tài kia, và đôi lúc không kìm được sự phấn khích, còn xen vào mấy tiếng chửi thề… Nếu không nói, ắt không ít người khó nhận ra người đàn ông trung niên ngồi trong ngôi nhà nhỏ lợp lá dừa nước, đang theo dõi trận bóng đá kia là Nguyễn Sự.
Sống thanh bạch, không màu mè, đôi lúc bỗ bã, sẵn sàng nhờ anh em trả giúp tiền ly cà phê, nhưng cũng kiên quyết từ chối thẳng những phong bì, những món quà mà giá trị nhiều người không mơ thấy nổi. Bởi vậy, không ít người Hội An phong tặng anh “tước hiệu” hiệp sĩ; giới báo chí, văn nghệ sĩ cả nước cũng yêu anh đến độ về Hội An mà không gặp Nguyễn Sự thì coi như “thất bại”. Tuy nhiên sẽ không có sự biệt đãi đó nếu anh không còn là “nhân vật chính” trong kỳ tích 10 năm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hội An của nhân dân Hội An, trước làn sóng du lịch và góp phần không nhỏ cho sự thịnh vượng của đô thị cổ, nơi mà cách đây không lâu còn được mệnh danh “thị xã dưỡng già”.
Tôi gặp Nguyễn Sự khá tình cờ. Mùa mưa năm 1995, tôi viết bài “Lãng quên Hội An” phê bình kịch liệt hiện tượng mặt trái du lịch đang biến di tích đô thị cổ Hội An thành cái chợ. Lúc này anh vừa làm chủ tịch thị xã, bèn “nổi sùng” gọi ngay cho tôi.
Nghe trong điện thoại, tôi biết dù đã cố nén, nhưng vẫn cộc lốc “rặt” kiểu giọng Quảng Nam: “Rảnh không? Ghé vô Hội An nói chuyện bài báo”. Thiệt tình nếu anh chưa từng nổi tiếng với cái “khí chất” một trưởng phòng tài chính không ngại va chạm và có lần đã gạt ngang chuyện bán sản vật quý của địa phương cho một đại gia với giá thiệt thòi cho ngân sách, có lẽ tôi đã từ chối “lời mời” kiểu như vậy. Nhờ thế nên tôi đã được gặp anh…
Hôm Lễ hội “Hành trình di sản” trong không gian xanh mát bên bờ Thu Bồn, ngồi ôn chuyện cũ anh cười: “Lúc đọc bài báo tao tức thiệt, muốn nhảy ngay đến tòa soạn gây lộn một trận cho hả, nhưng đêm về gác tay lên trán nghĩ, người ta có yêu, có quan tâm đến Hội An thì mới “nặng lời” với nhau như vậy. Vả lại, nếu gạn lọc đi những từ ngữ nghe không xuôi tai thì bài báo nói đúng những điều chính quyền mình đang xót ruột, đang tìm kế đối phó, giải quyết”.
____
Tại sao nhiều người dân gọi anh là “hiệp sĩ”. Vì lý do gì và từ lúc nào vậy?
Làm công tác Đoàn, bí thư xã đến trưởng phòng tài chính thị xã, nhảy phắt lên làm chủ tịch, tôi chưa từng tiếp xúc, va chạm với công việc quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt trong một bối cảnh Hội An lúc này đang vồ vập đón nhận những du khách túi rủng rỉnh đô la từ khắp thế giới đổ đến; nếp sống bình lặng, thậm chí những giá trị đạo đức lâu đời ở đây có nguy cơ bị xói mòn.
Vốn không chịu được sự trái khoáy, những năm tháng đó tập thể lãnh đạo Hội An cùng với tôi gần như bỏ nhà, bỏ cửa, hầu hết thời gian sống trong phố cổ, xông vào từng ngõ ngách xa nhất của đời sống phố cổ, vừa sờ sẫm tìm hiểu, vừa cùng các cán bộ thuộc quyền giải quyết từng chiếc xe đậu lấn vỉa hè, từng cái bảng hiệu treo nghênh ngang trên những mái cổ rêu phong đến sắp xếp hoạt động dịch vụ du lịch sao cho hợp lý nhất… Có thể vì vậy có người thương mà gọi như thế, nhưng từ đó cũng đa nghĩa lắm.
Thời gian này, cơ quan quản lý hành chính nào cũng họp hành liên miên. Có những cuộc họp kéo dài vài ngày. Nhiều anh em thấy phức tạp quá nên bàn lùi. Nhưng đa số trong lãnh đạo chúng tôi nghĩ làm sao tận dụng được lợi ích từ du lịch mà không làm mất phố cổ mới giỏi, chớ nói như rứa thì đến trẻ con cũng làm được, có cần chi đến bộ máy quản lý hành chính.
Lúc này do thiếu kinh nghiệm làm du lịch nên đứng trước một làn sóng du khách từ tứ phương ùn ùn đổ về, tình thiệt phố cổ cũng hơi giống “cái chợ”, kẻ mua người bán, cò mồi, ăn xin… đều có. Cũng là tình trạng chung tại các điểm du lịch trong cả nước, thành ra nghe hết đề ra kế hoạch này đến chủ trương kia, có người còn cười bảo tôi “đánh với cối xay gió”.
____
Nhưng cuối cùng anh đã thắng?
Đầu tiên chúng tôi thử “nắn gân” bằng công tác lập lại trật tự vỉa hè, đường phố. Một vạch sơn đỏ được kẻ cách thềm nhà một mét, kéo dài suốt những con đường của phố cổ. Một chiếc xe, một vật dụng bất kỳ, của ai vi phạm lằn sơn đỏ, ngay lập tức bị phạt rất nặng, thậm chí giữ luôn phương tiện vài ngày. Bởi vậy người dân mới gọi đó là “vạch Tề Thiên”.
May mắn lớn nhất trong hành trình lập lại trật tự du lịch ở đô thị cổ là bên cạnh tôi có sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ giúp việc và sự đồng thuận của người dân Hội An. Có lần ngồi uống nước, tôi chứng kiến cảnh một du khách cho tiền cô bé bán vé số. Em lễ phép không nhận và khẳng khái rằng chỉ bán chứ không đi xin. Hình ảnh đó làm tôi cảm động và nhắc rằng nếp sống người Hội An là vậy.
Có thể nhẫn nại, chịu làm những việc nhọc nhằn nhất, nhưng không chịu được nhục, không chịu được những điều trái tai, gai mắt, trái với đạo làm người. Bởi vậy khi chủ trương dẹp nạn ăn xin, cò mồi, đeo bám du khách được thực hiện, thì chưa đầy một tháng đã mang lại kết quả khả quan. Bên cạnh lòng dân, chính quyền cũng có biện pháp. Ví dụ dẹp nạn cò mồi, đeo bám du khách, chúng tôi phân loại và giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Người nào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi bàn với cơ sở, với các tổ chức quần chúng giải quyết công ăn việc làm hay sử dụng vốn xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho họ chăn nuôi, trồng trọt cải thiện đời sống; trường hợp nào từ địa phương khác đến, chúng tôi thuyết phục vận động bỏ nghề, nếu không nghe thì cho sử dụng biện pháp mạnh.
Hay chuyện mại dâm, hôm nay diễn ra, hôm sau nhà bên cạnh đã báo cho chính quyền. Không thèm bắt bớ gì ráo, tôi cùng anh em ngành văn hóa, công an xuống tận nơi ba đêm chỉ để… ngồi uống nước. Thấy tôi ngồi lì ở đó, khách cũng “bỏ chạy” mà chủ quán sợ quá cũng “dẹp tiệm” luôn. Nói chung mỗi trường hợp đều có một cách giải quyết khác nhau chứ không nhất nhất chỉ dùng mệnh lệnh hành chính.
Làm trưởng phòng tài chính thị xã, nhảy phắt lên làm chủ tịch, tôi chưa từng tiếp xúc với công việc quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt trong một bối cảnh Hội An vồ vập đón nhận những du khách túi rủng rỉnh đô la.
____
Nhưng anh cũng đã rất “hành chính” khi ban hành chỉ thị ở Hội An “nam hớt tóc nam, nữ hớt tóc nữ”. Thậm chí hơi “vi phạm nhân quyền”?
Nghe tôi hỏi vặn, Chủ tịch Nguyễn Sự hơi chựng lại. Anh bảo: Chớ có chi mà hớt tóc cũng phải đến tiệm nữ để hớt? Hớt đâu mà tóc chẳng ngắn lên. Còn ai ưng quá thì đi chỗ khác mà làm. Mục đích chính của chính quyền thị xã là loại trừ sớm môi trường có thể phát sinh nạn mại dâm thường thấy ở các nơi tập trung nhiều du khách. Và tôi cũng không ngờ rằng chỉ thị đó được người dân hưởng ứng nhanh như vậy. Không hề có một biện pháp hành chính nào, nhưng sau đó cả thị xã nhanh chóng không còn hớt tóc thanh nữ. Ngay cả những khách sạn ba sao trở lên, dù tiêu chuẩn được phép mở dịch vụ massage, xông hơi, nhưng tại Hội An cấm tất.
Tết vừa rồi, từ 23 tháng Chạp, lực lượng Công an chặn bắt và giam đến vài trăm phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu giấy tờ xe, chứng minh nhân dân… vì vậy hạn chế được rất lớn tình trạng lộn xộn giao thông ngày Tết. Có thể nhiều người cho rằng chính quyền Hội An cực đoan, nhưng nếu động thái đó có lợi cho xã hội, hợp với ý nguyện của người dân thì có bị phê phán chúng tôi vẫn làm. Bởi vậy cho đến nay trật tự xã hội ở Hội An vẫn được bảo đảm ở mức cao. Ở Hội An hiện nay, có nhiều vùng ban đêm, người dân không cần khóa cửa.
Trong lịch sử hơn 300 năm của mình, Hội An ngày còn là thương cảng của xứ đàng Trong đã từng xảy ra vụ án lớn thiệt hại đến 104 nhân mạng. Sau khi điều tra ra thủ phạm, Chúa Nguyễn đã không ngần ngại, nặng thì xử chém, nhẹ thì không ít hoàng thân quốc thích, khai quốc công thần có liên quan đến vụ án bị tước hoặc hạ phẩm hàm. Sau đó cấp tiền xây chùa Giải Oan (Hội quán Hải Nam) thờ cúng nạn nhân. Xưa, để giữ nghiêm trật tự, an toàn cho một thương cảng sầm uất nhất thời ấy, chính quyền sẵn sàng áp dụng những luật lệ nghiêm khắc hơn các nơi khác, thì nay Hội An có những biện pháp “rắn” nhằm duy trì trật tự xã hội trên vùng đất vốn mỗi năm đón gần 500.000 du khách thập phương thiết nghĩ cũng không phải không có lý.
Có thể nhiều người cho rằng chính quyền Hội An cực đoan, nhưng nếu động thái đó có lợi cho xã hội, hợp với ý nguyện của người dân thì có phê phán chúng tôi vẫn làm.
____
Công thức du lịch thường có năm chữ S, trong đó nhiều nơi cho sex là yếu tố quan trọng. Hội An không có thì liệu du khách có ít đến không?
Khi chính quyền ra lệnh cấm và yêu cầu một khách sạn chấm dứt ngay dịch vụ massage, cũng có người kinh doanh khách sạn phản ứng mạnh. Nhưng chúng tôi vẫn không nhượng bộ. Tôi cho rằng phần lớn du khách đến Hội An đều có nhu cầu tìm hiểu văn hóa vùng đất phố cổ, vì vậy Hội An cung cấp đúng cái mà khách cần, đó là văn hóa. Văn hóa trong giao tiếp, trong xử sự mua bán… Ví dụ có lần đang họp, nghe báo có một nhóm thanh niên địa phương “làm phiền” du khách tại Khu du lịch Thuận Tình.
Một mặt tôi chỉ thị cho Công an bắt giữ ngay kẻ gây rối (dù chưa gây hậu quả), mặt khác tôi yêu cầu lãnh đạo thị xã xuống ngay hiện trường và trực tiếp xin lỗi với nhóm du khách. Cho đến nay điều đó tỏ ra đúng vì không có sex, hàng năm lượng du khách đến Hội An vẫn tăng đều 25%; gần 100 khách sạn hiện có ở Hội An luôn đạt hiệu suất sử dụng phòng trên 60%, lưu trú cũng tăng từ 2,5 ngày lên 3,5 ngày/lượt khách. Và hơn hết, năm 2003 bình quân thu nhập trên đầu người của Hội An đã đạt hơn 10 triệu đồng/năm. Cá biệt có gia đình nhờ dịch vụ du lịch mà tài sản có đến cả triệu đô la.
____
Nhưng trong thực tế vẫn không thể tránh được những mất mát vô hình, ít nhất về mặt văn hóa một khi đã có sự giao lưu?
Chính quyền và người dân Hội An nhận thức rất rõ điều đó. Vì vậy, cùng với “chống”, chúng tôi dựa vào sự giáo dục của các tộc họ, bang hội. Hiện nay tại Hội An vẫn tồn tại nhiều tộc họ sống quần cư và chính quyền tạo điều kiện cho các dòng tộc tổ chức các sinh hoạt nội bộ của mình. Ngoài ra vài năm qua, Hội An cũng sáng tạo và khôi phục lại nhiều lễ hội truyền thống. Ví dụ “Đêm rằm phố cổ” tổ chức thường kỳ hàng tháng, cả phố tắt đèn điện, chỉ dùng đèn lồng để tái tạo không gian của một đô thị thế kỷ XVII.
Những hoạt động trên vừa thu hút du khách, nhưng cái chính là nuôi dưỡng và bảo tồn bản sắc văn hóa của vùng đất. Về kinh tế, xin tiết lộ từ 10 năm nay, hàng trăm cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hội An đều được hưởng chính sách miễn thu tất cả các khoản thuế. Nhờ vậy không chỉ khôi phục được hoạt động các làng nghề thủ công, mà sản phẩm lưu niệm cho du khách phát triển hết sức phong phú, giải quyết được công ăn việc làm hàng chục ngàn lao động; giá cả tiêu dùng ở đây cũng phải chăng, không biến động.
____
Anh có hình dung 10 năm tới Hội An sẽ ra sao không?
Về hình thức và nội dung văn hóa, kiến trúc… 10 năm nữa Hội An sẽ vẫn vậy, thậm chí còn “cũ” hơn khi Nhà nước, người dân tiếp tục đầu tư trùng tu phố cổ. Riêng kinh tế, lợi ích từ khai thác du lịch chưa đều khắp cho tất cả người dân Hội An. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện từng bước quy hoạch phân vùng dịch vụ, sản xuất trên toàn địa bàn. Từng người, từng gia đình, từ nông thôn đến thành thị, không trừ một ai sẽ có chỗ trong chuỗi liên kết.
Chẳng hạn chính quyền khuyến khích giúp người dân chuyển đổi nuôi trồng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của du khách, ngược lại các cơ sở dịch vụ khách sạn phải có trách nhiệm mua lại nông sản của nông dân. Hay các cơ sở sản xuất tiểu thủ công mỹ nghệ được ưu đãi thuế phải có trách nhiệm ổn định, mở rộng sản xuất, giải quyết lao động trên địa bàn… Qua đó, hy vọng không lâu nữa từ nông thôn đến thành thị, bài ca đói nghèo sẽ vĩnh viễn chia tay với mỗi gia đình Hội An.
10 năm nữa Hội An sẽ vẫn vậy, thậm chí còn “cũ” hơn khi Nhà nước, người dân tiếp tục đầu tư trùng tu phố cổ.
____
Nền kinh tế địa phương thịnh vượng, người dân giàu lên, nhưng sao kinh tế gia đình của Chủ tịch thị xã vẫn chỉ “một mái nhà tranh, hai… trái tim vàng”?
Bà xã tôi làm giáo viên, tôi là công chức, cộng thu nhập hai người khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, vừa đủ chi tiêu. Vài năm gần đây, con lớn của tôi học đại học ở TP. Hồ Chí Minh nên cũng có vất vả hơn một chút. Không ít bạn bè muốn giúp đỡ nhưng tôi nghĩ “tri túc tiện túc” – biết đủ là đủ. Quanh tôi còn lắm gia đình khó hơn nhiều.
Về chuyện này, Chủ tịch thị xã Nguyễn Sự dệt quanh mình khá nhiều “huyền thoại”. Bên cạnh con sông nước xanh của làng quê Cẩm Thanh, gia đình anh vẫn sống thanh bạch dưới một mái nhà tranh, thưng vách dừa nước. Bão lụt năm 1999 thổi bay cả mái nhà. Anh thì mê mải với công việc cứu hộ, cứu nạn người dân Cẩm Kim, Cẩm Nam… chị ở nhà tủi thân tấm tức khóc, rồi dắt bộ cha mẹ chồng bảy, tám mươi tuổi ướt run cầm cập băng đồng qua trú nhờ nhà hàng xóm. Anh tâm sự: “Về đến nhà, nhìn cảnh đó tôi bị sốc đến mấy ngày. Sau vợ chồng vay ngân hàng mấy chục triệu xây lại phần nhà trên cho ông bà”. Một số bạn bè làm báo, văn nghệ sĩ nghe chuyện gửi tặng 30 triệu đồng, nhưng anh cảm ơn từ chối, bảo rằng không muốn phiền đến anh em.
Có thể tin hay không về những “huyền thoại” đại loại như vậy quanh con người đứng đầu thị xã Hội An còn tùy vào điều kiện tiếp xúc, nhưng chắc một điều (loại trừ giá trị vật thể của di sản), trên toàn cõi Việt Nam sẽ khó tìm đâu ra một Hội An thứ hai. Nơi mà du khách có thể chiêm nghiệm mình trong nhịp sống nhu hòa của phố cổ, trong những đêm phố tắt đèn hưởng trăng… Và biết đâu có thể bất chợt gặp Nguyễn Sự lang thang đâu đó trong phố với chiếc mũ vải sùm sụp để nói vài ba câu chuyện đời, chuyện người…