Sau hai triển lãm liên tiếp tại Sài Gòn (“Cảm xúc đại ngàn” – gallery Tự Do, 2014) và Đà Nẵng (“Triển lãm cuối hè” – gallery La Tour Eiffel, 2015), họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đang có phòng tranh cá nhân thứ ba tại gallery Eight (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 7-10 đến 30-10-2017), giới thiệu những tác phẩm mới nhất, được ông sáng tác trong năm nay.
Với tên gọi “Triển lãm mùa thu 2017”, hai mươi bảy bức tranh của lần trưng bày này “không tập trung vào một chủ đề và thể loại” như họa sĩ cho biết, triển lãm có cả tranh trừu tượng lẫn tranh hiện thực. Dõi theo hành trình sáng tác của Nguyễn Trọng Khôi những năm gần đây, dễ nhận thấy đã có một bước chuyển rõ nét, đặc biệt là với loạt tranh trừu tượng chiếm đến quá nửa tại triển lãm. Không còn những tranh tĩnh vật khổ vừa và nhỏ quen thuộc, được họa sĩ thể hiện với “tuyệt đỉnh công phu”: những quyển sách được đọc nhiều đã héo hon theo năm tháng; những bình gốm nhuộm màu quá vãng; những chai rượu vang chứa thứ thức uống ưa thích của ông; những bông hoa lặng lẽ đợi giờ tàn phai và nhất là những hòn sỏi trắng, những viên đá cuội từng được họa sĩ quá cố Đinh Cường ngợi ca trong một bài viết: “Tôi đặc biệt yêu thích những viên đá cuội trong tranh anh. Trước bức tranh, dù chỉ là những viên đá cuội vô tri, có thể gọi là tĩnh vật, yếu tố nghệ thuật là trên hết – trong đó có sự xúc động. Mỗi người đều có xúc động riêng, riêng xúc động thẩm mỹ đòi hỏi ở chuyên môn, những kinh nghiệm gần gũi với thế giới nghệ thuật tạo hình, như người sành về đồ cổ có thể sờ mó vào chất men mà nghiệm ra đồ giả hay đồ thật. Và như vậy tôi nhìn ra những viên đá cuội là thật trong cảm xúc nghệ thuật, như mang một linh hồn trong tranh Khôi”(*).
Với loạt tranh trừu tượng tại “Triển lãm mùa thu 2017”, Nguyễn Trọng Khôi cho biết: “Tôi chỉ trình bày một ít cảm xúc về không gian thiên nhiên, nội tâm hay rung động về khía cạnh âm nhạc, hân hoan đắm chìm trong sự sắp xếp những mảng khối màu sắc chọn lọc theo cảm quan từ những kinh nghiệm, ý thích. Những đường biểu diễn kết hợp tạo những biểu cảm cho toàn bộ không gian. Không có một cái gì tùy tiện trong tranh của tôi ngay cả cách đổ màu, loang màu, những nét cọ vòng vèo hay mảng khối… Cảm giác hướng dẫn bàn tay có rèn luyện và kinh nghiệm đến hướng chủ đích”. Riêng người viết bài này đã từng đến với thành phố Boston vài lần, từng có những ngày được sống trong thế giới hội họa của Nguyễn Trọng Khôi nên cảm nhận được những sắc màu kỳ ảo của mùa thu ở Boston trong nhiều tranh trừu tượng của ông. Có lần được nghe họa sĩ bảo rằng, ông sống ở Boston đã nhiều năm, trải qua bao mùa thu mà vẫn chưa thể đưa bản giao hưởng màu sắc ấy lên mặt tranh. Có lẽ sắc thu không được thể hiện trong tranh hiện thực nhưng những “cảm xúc về không gian thiên nhiên” ấy đã được giãi bày trong tranh trừu tượng với “những mảng khối màu sắc chọn lọc theo cảm quan từ những kinh nghiệm, ý thích”. Rõ nhất là những bức Cuối thu, Mùa thu êm ả hay Lễ hội, cũng như bàng bạc trong một số tác phẩm khác.
Hơn mười bức hiện thực tại phòng tranh không có một chủ đề quán xuyến (như “Cảm xúc đại ngàn” của ba năm trước), đó là cô gái hóa thân thành bông hoa huệ trắng tinh khôi, hay đơn côi bên bờ đá cùng cánh chim bói cá chao bay, hoặc đang thả hồn theo tiếng sáo du dương, hoặc đắm chìm trong giấc ngủ muộn với tấm chăn màu xanh ngọc…; là chiếc bè tre chở một gia đình nhỏ trôi giạt giữa vịnh biển sương mù bao phủ; là nàng Thị Mầu lẳng lơ giữa cửa thiền trong một tích chèo nổi tiếng… Tất cả tranh hiện thực của ông đều có bóng dáng con người nhưng tất cả cũng chỉ là cái cớ để tác giả “trình bày những băn khoăn trong đời sống, yên lặng và một chút mơ hồ nơi biên cương giữa mơ và thực. Tôi luôn thích cảm giác này, một không gian có một chút huyễn hoặc, huyền ảo; có một chút hoài nghi ở thực tế, sự hiện diện của những điều cần lãng quên, giống như sự lẻ loi, cô đơn hay những nỗi buồn”. Sống ở Boston đã gần tròn ba mươi năm, Nguyễn Trọng Khôi không ngại bày tỏ cảm xúc thực của ông: “Tôi là một họa sĩ bị bứng rễ khỏi quê nhà nên không thể vịn vào hình ảnh quê hương để sáng tác mà phải tìm một mẫu số chung để hòa hợp với chung quanh. Không thể vịn vào những dòng sông uốn lượn, bóng con đò hay những mái tranh, những hoài niệm tốt đẹp khắc họa từ ấu thơ… mà luôn tìm những trăn trở, những góc khuất trong tâm hồn, sự cô đơn và thân phận”. Và ông khẳng định: “Tranh của tôi bao giờ cũng thấp thoáng trừu tượng trong hiện thực”.
Chính vì thế mà trong “Triển lãm mùa thu 2017”, hai mảng tranh trừu tượng và hiện thực dù được bày gần nhau đã không hề tạo cảm giác xa cách mà gắn bó với nhau thành một thể thống nhất. Cả hai đều là tiếng lòng, là những giai điệu xuất phát từ một tâm hồn yêu tha thiết cuộc đời và con người. Thật thú vị khi nhớ lại họa sĩ Đinh Cường từng có một hình dung thú vị về người đồng nghiệp thân thiết của ông: “Biết đâu Boston, cái thành phố cổ kính có nhiều tượng đồng của nhà điêu khắc người Anh nổi tiếng Henry Moore, sẽ nuôi dưỡng người họa sĩ Việt Nam bền gan trì chí làm việc, sau này sẽ được nhắc nhở tới như Yves Tanguy, họa sĩ Pháp, đã lang bạt qua đất Mỹ, cũng trôi dạt về vùng này, thành công dân Mỹ những năm 1940, sống biệt lập trong một nông trại tại Connecticut, trở thành một họa sĩ siêu thực có tên trong lịch sử hội họa thế giới hiện đại”(*). Vâng, biết đâu!
(*) Nguyễn Trọng Khôi và những viên đá cuội (vanchuongviet.org)