Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế gửi Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).
Văn bản này dựa trên cơ sở VCCI đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước và nội dung tổng kết kiến nghị tại hai hội thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp được VCCI tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM giữa tháng 9.
Được biết vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính trình lên Quốc hội xem xét dự thảo sửa đổi năm luật thuế bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế tài nguyên.
Dự thảo sửa đổi này ngay khi công bố đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là nội dung sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) với việc đề nghị tăng thuế VAT từ 10% lên 12%.
Nhiều chuyên gia kinh tế uy tín cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp – hiện vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số cả nước.
Trên cơ sở các ý kiến ban đầu mà VCCI nhận được, VCCI đã có một số ý kiến đối với đề xuất của Bộ Tài chính.
Về quan điểm tiếp cận, đánh giá tác động chính sách, theo VCCI, hiện nay, tài liệu cơ quan soạn thảo cung cấp mới chỉ là một dự thảo sơ bộ và tờ trình. Đối với từng nội dung sửa đổi cụ thể, tờ trình cũng đã nêu được mục tiêu chính sách, các vướng mắc phát sinh trong thực tế, một số kinh nghiệm quốc tế và dự kiến hướng sửa đổi.
Tuy nhiên, tài liệu này chưa có các đánh giá cụ thể hơn về tác động có thể có của các chính sách được đề xuất, từ đó có thể khiến cho việc cân nhắc, xem xét các chính sách thuế mới không được đầy đủ, toàn diện. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sớm bổ sung báo cáo đánh giá tác động.
Đặc biệt, theo VCCI, đối với mỗi chính sách được đề xuất thì cần trả lời những câu hỏi sau:
Thứ nhất, chính sách đó sẽ tác động như thế nào đến ngân sách, làm tăng, giảm nguồn thu như thế nào? Tác động cụ thể như thế nào đến người có thu nhập thấp?
Thứ hai, chính sách đó liệu có giúp đạt được mục tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra?
Thứ ba, ngoài việc đạt được mục tiêu đã đề ra, chính sách mới liệu có những tác động tiêu cực nào khác không? Ví dụ, quy định hạn chế vốn mỏng có tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng, tăng trưởng tín dụng không? Dự kiến đánh thuế VAT vào chuyển quyền sử dụng đất có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản hay không?…
Thứ tư, chính sách thuế mới liệu có minh bạch, khả thi không? Có nguy cơ gặp khó khăn khi thực hiện hoặc tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực không?
Theo văn bản này, VCCI cho biết, hiện nay, chi phí chung của các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cao. Theo báo cáo Doing Business 2017, tổng chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam phải nộp cao hơn nhiều nước trong khu vực, tới mức 39,4% lợi nhuận.
Về mặt tổng thể với đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích lũy tư bản để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất hay phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
Tác động tiếp theo sẽ là làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giảm năng lực giải quyết việc làm của nền kinh tế, không tạo đủ áp lực để cải cách bộ máy nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước.
Liên quan đến đề nghị tăng thuế của Bộ Tài chính, Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn – Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng chỉ cần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công 10% thôi, giá trị tạo ra sẽ rất lớn.
Theo ông Ngoạn, trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng thuế sẽ là vấn đề hết sức nhạy cảm, đồng thời gieo vào lòng người dân câu hỏi hiện giờ các cơ quan nhà nước đang sử dụng tài sản có hiệu quả không? Chi tiêu công đã hợp lý chưa? Có thể tiết kiệm được nữa hay không?…
Do đó, tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn cho rằng đề cập đến khía cạnh nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công trong bối cảnh hiện nay thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, để cơ cấu lại ngân sách một cách toàn diện. Cách làm này cũng sẽ đi theo hướng thuyết phục hơn, thay vì tăng thuế đối với người dân và doanh nghiệp.
Để quản lý tài sản công, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý là điều tất yếu bởi nó sẽ giúp minh bạch hóa, công khai hóa cơ sở dữ liệu về tài sản công trên không gian mạng; giúp cơ quan quản lý và cơ quan sử dụng giám sát, quản lý tốt hơn; giúp nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng; tạo đường dẫn tới thị trường một khi chúng ta cần thương mại hóa các tài sản công.
Vấn đề đặt ra, liệu cơ quan quản lý, cơ quan sử dụng tài sản có sẵn sàng công khai tài sản công hay không, để cộng đồng biết rằng từng đơn vị đang sử dụng bao nhiêu xe công, điều này phụ thuộc vào khâu thể chế và tư duy, đây là vấn đề chính trong việc công khai, minh bạch hóa tài sản công. Việc này sẽ nâng cao năng suất và chất lượng của nền kinh tế.
Cùng suy nghĩ về nội dung này, Tiến sĩ Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), nhận định thực trạng sử dụng và quản lý tài sản công ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. Cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều điều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công còn bất cập, chưa bao quát hết các đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc quản lý, sử dụng một số loại tài sản nhà nước trong một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính. Phương thức quản lý tài sản còn nặng về hành chính. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản công.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, tiến sĩ Thắng cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật; tiếp tục thực hiện sắp xếp lại tài sản công; tạo cơ chế phát triển và khai thác hiệu quả nội dung các luật mới tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ liên quan đến tài sản công; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công; nâng cao năng lực bộ máy cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công.
- Gia Minh