Nguyễn Thị Nghĩa – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Saigon Co.op, đi nhanh, nói khẽ, trầm tư đến mức cứ tưởng như chị giấu tình cảm của mình rất kỹ, để lúc nào cũng bình thản như không có chuyện gì xảy ra… Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ngay giữa ngổn ngang các loại hàng hoá trong văn phòng của siêu thị Cống Quỳnh, nơi khởi nghiệp đầu tiên của “chợ văn minh” – cách gọi giản dị của chị về siêu thị.
Nhìn chị nhỏ nhắn, gương mặt căng thẳng đôi khi tái nhợt đi, thỉnh thoảng chị dừng để ăn một trái nhãn cho vị ngọt làm mình tỉnh lại. Dường như những trận tra tấn của địch năm xưa, những lần sinh nở vất vả, và những cuộc đấu trí căng thẳng trong kinh doanh đã hút hết sức chị… Nhưng càng nói chuyện với chị, tôi càng cảm nhận một “bản lĩnh thép” của người đàn bà cai quản 11 siêu thị lớn nhỏ trong TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ…
Hỏi về thành công đầy chinh phục của siêu thị Cống Quỳnh, vào thời điểm năm 1995, khi hình thức siêu thị vẫn còn quá mới mẻ với người tiêu dùng, chị trả lời rất rạch ròi: “Nhờ có thời cơ, có tiền, có kinh nghiệm”. Chỉ ba từ ấy thôi, nhưng chất chứa trong ấy là cả một quãng đường dài chật vật để học hỏi, khám phá, nếm trải thất bại, mong ước triền miên…
“Một người cộng sản đi làm kinh tế”, đó là cảm giác đầu tiên khi trò chuyện với chị, bởi chị nói về chữ “hợp tác xã” (HTX) với tất cả lòng yêu thương và với một mục đích lớn lao: “Cho đến giờ, tôi vẫn cố giữ được chữ “hợp tác xã”, một mục đích đẹp của những người có thu nhập, có tài sản, có nhu cầu hợp tác với nhau, cùng sống, cùng hoạt động cho cộng đồng. Đó không chỉ là một tổ chức kinh doanh sinh lợi, mà là tổ chức kinh tế phục vụ cho mục tiêu xã hội, quan tâm tới cộng đồng, tới những người sống trong công ty. Với HTX, người lao động vừa làm ra lợi nhuận, vừa là đối tượng để mình phục vụ. Mình là đảng viên, đi làm cách mạng từ nhỏ, tinh thần yêu thương con người, chống bất công đã ăn vào trong máu. Đem lại lợi ích cho xã hội là lý tưởng của mình. Từ một cán bộ chính trị, chuyển sang làm quản lý thương nghiệp, là đầu tàu giúp cho các HTX trong điều kiện đang suy sụp, không có kinh nghiệm kinh doanh, tôi đã quyết tâm phải làm cho được. Muốn thế, phải trả lời được câu hỏi: Tại sao HTX suy sụp? Tôi rất bực bội khi phát hiện ra sự trì trệ trong mô hình này, với những điều kiện đó, nếu năng động, hết mình, đáng lẽ phải phát triển tốt hơn nhiều so với một doanh nghiệp đơn thương độc mã. Đó là cả một cuộc chiến về tinh thần, với một tiêu chí: Phải nhìn tư nhân mà làm cho được!”
Va chạm với thương trường, ước muốn mà chị ấp ủ từ lâu là có được những cửa hàng văn minh hiện đại như ở nước ngoài. Khi kinh tế chuyển sang thị trường, nhu cầu mua sắm tăng lên đột biến, chị đã đi Singapore, Thụy Điển để tiếp thu những ý kiến tư vấn của các tổ chức HTX tiên tiến. Đầu 1996, siêu thị Cống Quỳnh ra đời, giấc mơ thành hiện thực.
Nó không chỉ mới với người tiêu dùng, mà với cả liên hiệp hợp tác xã, với Saigon Co.op. Tất cả anh em trong công ty đều lao hết ra “hiện trường”, người dán tem, người phụ bảo vệ, người khuân hàng hóa sắp xếp lên từng kệ hàng… Ai cũng háo hức xen lẫn lo âu. Rồi nạn ăn cắp quá nhiều, quản lý chưa sát sao… Ngày nào cũng vậy, sáng tinh mơ đã dậy cùng anh em nhập hàng, kiểm hàng, cả ngày đi lại khắp các quầy để quan sát, chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động ở đây.
Nhiều khi giật mình vì không thể kiểm soát nổi lượng khách quá đông. Nhưng chị đã quyết tâm: không thể trở lại kiểu cửa hàng truyền thống ngày xưa. Chủ động tạo điều kiện cho anh em vừa học vừa làm, lần đầu tiên siêu thị Cống Quỳnh đã đưa điện toán, những chương trình quản lý bằng máy vi tính do chính người Việt Nam viết vào siêu thị. Hướng đến phục vụ những khách hàng có thu nhập trung bình, nỗi lo khác lại đẻ ra: làm thế nào tổ chức được hàng hóa giá cả bình dân mà chất lượng cao? Chị đã tìm cách kết hợp ngay với báo Sài Gòn Tiếp thị để đưa Hàng Việt Nam chất lượng cao vào siêu thị, quảng bá tích cực cho thương hiệu Việt.
Đây cũng chính là động lực để “tác động ngược” lại các nhà sản xuất, kích thích họ cải tiến mẫu mã, bao bì, chất lượng. Sự gặp gỡ giữa siêu thị, nhà sản xuất, nhu cầu người tiêu dùng… đã góp phần nâng cao đáng kể chất lượng hàng trong nước. Theo đánh giá của những nhà kinh tế, siêu thị chính là nơi “nội địa hóa” thương hiệu Việt, tôn vinh hàng nội, tạo điều kiện cho hàng nội phát triển ở một tầm cao mới.
____
Trước xu thế hội nhập, điều chị băn khoăn lớn nhất là gì?
Chính là đội ngũ, là con người, bởi thị trường đầy bất trắc và biến động, nếu không nâng cao trình độ, kỹ năng phục vụ một cách chuyên nghiệp, khi hình thức này càng phát triển sẽ hụt hẫng lớn về đội ngũ. Ngoài chế độ lương bảo đảm cho đời sống gia đình, tôi rất quan tâm đến đội ngũ nữ trẻ tuổi, bởi ưu thế của nữ giới là hiểu biết sâu nhu cầu người tiêu dùng với vai trò người nội trợ, tỉ mỉ, chịu khó, tình cảm, dễ gần gũi. Công ty tôi có trên 60 % là nữ giới.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động thương mại như siêu thị, không đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao, người Việt Nam có thể làm tốt, càng cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, về mặt bằng để phát triển, nhất là trong các khu dân cư, vì đó là xu thế tất yếu. Không lý gì cứ níu kéo việc xây chợ truyền thống mà không phát triển chợ văn minh, bởi hiệu quả sử dụng đất và an toàn thực phẩm sẽ lớn hơn nhiều. Mặt khác, việc mạnh ai nấy bán không có sự chỉ đạo thống nhất như ở siêu thị cũng gây khó khăn cho việc bảo đảm ổn định về chất lượng hàng hóa.
Tôi rất quan tâm đến đội ngũ nữ trẻ tuổi, bởi ưu thế của nữ giới là hiểu biết sâu nhu cầu người tiêu dùng.
____
Có bao giờ chị… khóc vì thất bại trong làm ăn?
Là con người, ai chẳng muốn đời mình thuận buồm xuôi gió. Cuộc đời tôi đầy thử thách, nhưng tôi luôn cảm ơn nó vì đã giúp tôi kiên trì, chắc chắn, vững vàng hơn. Chẳng có ai sinh ra đã có bản lĩnh, ý chí, nghị lực cao. Tất cả nhờ trải nghiệm mà thành. Tôi luôn nhắc nhở nhân viên của mình: Không bao giờ bằng lòng với hiện tại, hôm nay phải khác hôm qua, và khác cả ngày mai… Những ngày đối mặt với sự sống – chết, tôi chưa bao giờ khóc. Vậy mà tôi đã phải khóc thầm nhiều đêm vì chuyện làm ăn…
- Xem thêm: Đam mê cháy bỏng của một đời người
____
Chị có thể kể về những thử thách lớn nhất trong đời mà chị đã trải qua?
Tôi là một cô bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, thoát ly hoạt động cách mạng rất sớm, nên tính tình không được cởi mở, vui vẻ hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa. Hoạt động nội thành, sơ hở là bị bắt, là chết. Tôi đã thoát khỏi cái cảm giác sợ hãi khi được giao nhiệm vụ treo cờ giữa ban ngày ở chợ Vườn Chuối trong đợt Mậu Thân 1968. Lần treo cờ ở hẻm nhỏ đường 3-2, vào đúng lúc tan tầm, cờ treo xong mà chiếc xe máy đạp mãi không nổ.
Tôi không dám bỏ xe chạy thoát thân vì sợ liên luỵ đến người đồng đội đã cho mình mượn xe. Tiếng nổ phành phạch làm tất cả bà con chú ý, túa ra đường, nhìn thấy cờ bay phất phới. Nhiệm vụ hoàn thành còn tôi thì thót tim. Mới thấy rõ đồng bào thương cách mạng nhiều lắm. Sau đó tôi bị lộn ruột phải vào cấp cứu trong bệnh viện. Nhưng tất cả những lần chạm mặt với tử thần, những đòn tra tấn của địch… đều không thấm gì với nỗi đau bị bà con sỉ nhục trong lần bể tín dụng của liên hiệp HTX.
Chuyện nước hoa Thanh Hương và chính sách sai lầm của ngân hàng khi nâng lãi suất lên 12%/tháng đã kéo theo một loạt quỹ tín dụng bị bể hàng loạt. Vẫn biết thời thế gây ra, nhưng mất mát tiền của dân, bị dân chửi, tôi đau khổ đến mức có thể chết đi được. Sau đó Liên hiệp HTX được Nhà nước cho vay để trả nợ cho dân, chúng tôi ôm nợ cả chín năm ròng mới trả hết 13 tỉ đồng, vậy mà còn bị tiếng bấc tiếng chì cho tôi là người chẳng ra gì, gây nợ nần cho công ty.
Có người còn ác ý nói tôi nhờ ông xã can thiệp nên mới trả nợ được, đâu hiểu đó là sự giúp đỡ ủng hộ của Thành phố đối với doanh nghiệp, chứ không phải vì cá nhân tôi. Rồi khi siêu thị làm ăn được, có người lại xì xào tôi lấy tiền đó ra để làm ăn, rằng lại được… chồng giúp đỡ! Rất may lúc này anh vô can, vì được điều động ra Hà Nội công tác. Nỗi oan này tôi đã gánh nhiều năm trời. Và khi đã qua được, tôi thấy mình bình thản, cứng cáp hơn.
Theo tôi, còn nghị lực là còn tất cả. Người phụ nữ làm kinh tế khổ hơn đàn ông nhiều, vì đàn ông lạnh, tỉnh hơn, còn mình thì tình cảm quá, và mỗi khi bất lực chỉ biết… khóc! Nhìn lại đời mình, tôi thấy mình đã trải qua mọi nỗi gian khổ, thắng lợi, vinh quang… Như thế là quá đủ, nó làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa.
Chồng chị chính là anh Phạm Chánh Trực, nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM. Mối tình của họ cũng đầy truân chuyên. Gặp và yêu nhau từ Xuân Mậu Thân 68, ngày sắp cưới nhau, anh bị bắt. Đến khi anh vượt ngục trốn thoát và chuẩn bị đám cưới, chị lại bị bắt. Mãi đến năm 1973, đám cưới mới thành. Thương vợ hai lần sinh nở đều vất vả, lần sinh đứa đầu phải nằm trong hầm tối, dưới mưa bom; lần sinh thứ hai phải xuống đường… nên anh luôn cố đỡ đần chị trong cả việc nước lẫn việc nhà. Chị kể: “Nếu không có sự chia sẻ, thông cảm của anh, tôi không thể vừa làm công tác xã hội, vừa lo chuyện gia đình. Những năm tháng khó khăn, anh không bao giờ than phiền, không bao giờ tỏ ra mỏi mệt. Anh luôn là chỗ dựa của tôi trong tình yêu, giúp mình phấn chấn hơn trong công việc. Có người hỏi sao anh không hút thuốc, không uống rượu, anh nói: “Để dành tiền mua bánh kẹo cho con tốt hơn”. Lớp con đau bệnh, lớp mình sức khoẻ yếu, nếu không có sự động viên của anh, tôi không thể vượt qua những lúc chán nản
Những ngày đối mặt với sự sống – chết, tôi chưa bao giờ khóc. Vậy mà tôi đã phải khóc thầm nhiều đêm vì chuyện làm ăn…
____
Vậy động lực nào khiến chị quyết tâm đến thế với siêu thị?
Chính là hình ảnh người phụ nữ Nhật trong bộ phim Ô Sin. Tình yêu với nhân vật đó gắn với mình ghê lắm, thúc đẩy mình tự tin hơn về hình ảnh người phụ nữ từ gian khó đi lên.
____
Chị có vẻ mê phim?
Coi phim, đọc sách là cách giải trí của tôi. Tôi thích những cuộc đấu trí căng thẳng trong các phim hình sự, tòa án, sách vở. Nó giúp cho mình nhiều trong quản lý. Nhà chỉ có hai vợ chồng, nhưng phải “năn nỉ” nhau để nhường tivi, lúc anh thích xem bóng đá, tôi lại thích coi phim.
____
Người đàn bà “đi chợ” cho mọi gia đình có hay đi chợ cho nhà mình?
Với tôi, đi chợ là một niềm hứng thú đặc biệt, tôi có thể lang thang khắp các siêu thị từ sáng tới khuya vào tất cả các ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Mua sắm như mọi người, tính toán chi li như mọi người. Tôi không muốn một siêu thị quá hiện đại và khô cứng, càng đưa vào nhiều đặc sản vùng, miền, thực phẩm tươi sống, hoa quả càng tốt.
Tôi rất thích các món ăn Bắc, như bún ốc, đậu hũ, bánh cuốn Thanh Trì… Tôi mơ những hàng quán dân dã quê mùa như thế sẽ xuất hiện trong siêu thị. Một siêu thị nhiệt đới phải khác hẳn một siêu thị phương Tây. Con tôi cũng rất mê những món ăn do mẹ nấu, nhưng mỗi lần tôi vào bếp, “bố” chúng nó cực nhất, vì phải đảm nhận vai trò… phụ bếp! (cười tươi tắn).
____
Điều gì chị muốn truyền lại cho con cái mình?
Mong cho các con trưởng thành, có kiến thức, có công việc ổn định để làm giàu cho xã hội, cho cộng đồng, cho chính mình.